Không cần mời, họ vẫn về
Buổi sáng, ngồi cùng tôi tại quán cà phê Napoli, một quán loại sang tại trung tâm Sài Gòn, PGS-TS Nguyễn Lương Dũng, Việt kiều Đức đang giảng dạy tại ĐH Bách khoa TPHCM, hớp từng ngụm cà phê đá, thong thả nói:
“Nếu không về Việt Nam thì làm gì giờ này tôi có thể ngồi đây thưởng thức cà phê, ngắm nhìn dòng người hối hả, tất bật trong một ngày mới”.
Gần 30 năm học tập, giảng dạy và nghiên cứu tại Đức, TS Dũng đã nhận được nhiều giải thưởng nghiên cứu khoa học và có chỗ đứng nhất định trong giới khoa học Đức. Nhưng từ “phong độ” đỉnh cao, ông cũng nhận ra rằng: “Ngành cơ học của Đức nếu thiếu mình thì cũng chẳng sao. Cái mình cần làm lúc này là những công việc có ý nghĩa hơn”.
Thế là năm 1992, theo dự án về nghiên cứu và giảng dạy cơ ứng dụng - cơ tính toán của Viện Trao đổi Hàn lâm Đức, TS Dũng đã về nước và làm việc tại ĐH Bách khoa TPHCM. Mức lương TS Dũng được phía Đức trả vào thời điểm đó là 80 triệu đồng/tháng.
Năm năm làm việc theo dự án, ông càng thấy rõ hơn rằng, chính các sinh viên Việt Nam mới là người cần đến mình và ông đã quyết định ở lại làm việc cho ĐH Bách khoa TPHCM từ năm 1997 đến nay. TS Dũng là người nước ngoài đầu tiên được phong phó giáo sư vào năm 2002.
Từ đó, ĐH Bách khoa TPHCM đã đón trên 10 Việt kiều khắp nơi về làm việc dưới nhiều hình thức. Nhiều tên tuổi đã quen thuộc với giới khoa học TPHCM như các ông Nguyễn Chánh Khê, Đặng Lương Mô, Đoàn Kim Sơn, Nguyễn Đăng Hưng... Trong đó có 5 Việt kiều đã ký hợp đồng giảng dạy về các lĩnh vực cơ học, điện – điện tử, công nghệ thông tin...
TS Nguyễn Tiến Hữu, giảng viên Việt kiều đang dạy tiếng Đức, văn hóa du lịch và Việt Nam học tại ĐH DL Hồng Bàng, Viện Nghiên cứu châu Á..., cũng chia sẻ: “Tôi đã sống 43 năm tại Đức. Giờ về nước, điều quan trọng là muốn phục vụ, muốn chuyển giao tri thức và phương pháp tiên tiến đã góp nhặt từ các nước cho sinh viên Việt Nam. Dẫu biết thù lao ở đây còn thấp so với ở nước ngoài nhưng tôi chấp nhận”.
PGS-TS Dương Ái Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, cho biết: “Với 10 chương trình tiên tiến cho 9 trường ĐH trong năm tới, chắc chắn chúng tôi sẽ mời giảng viên Việt kiều tham gia vì họ có lợi thế về ngoại ngữ, kiến thức cập nhật, tài liệu giảng dạy đầy đủ”.
“Nhưng không chờ phải có các chương trình tiên tiến, chờ được mời, tôi chắc chắn rằng những năm tới, trí thức Việt kiều sẽ về giảng dạy nhiều hơn” - TS Nguyễn Tiến Hữu khẳng định. TS Hữu cũng đã hào hứng giới thiệu về Câu lạc bộ Khoa học Kỹ thuật Việt kiều xuất hiện lần đầu tiên tại Việt Nam vào cuối tháng 12 vừa qua mà ông là một trong những thành viên vận động thành lập.
Theo Diệu Hằng
Báo Người Lao Động