Không cần đến trường, học sinh nghề vẫn có thể tốt nghiệp

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Thông qua đào tạo trực tuyến, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đứng trước cơ hội quý giá để nâng cao chất lượng đào tạo và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người học nghề.

Xu hướng thời đại

Ngày 10/10, Hội Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) TPHCM tổ chức hội thảo "Thực trạng và giải pháp quản lý hoạt động đào tạo trực tuyến tại cơ sở GDNN trên địa bàn TPHCM trong bối cảnh toàn cầu hóa".

Phát biểu khai mạc, ông Lâm Văn Quản, Chủ tịch Hội GDNN TPHCM, đề nghị các trường cùng nhau chia sẻ, tiến tới xây dựng một mô hình đào tạo trực tuyến hiệu quả, tham mưu chính sách để hoạt động dạy và học trực tuyến được thuận lợi hơn.

Không cần đến trường, học sinh nghề vẫn có thể tốt nghiệp - 1

Ông Lâm Văn Quản, Chủ tịch Hội GDNN TPHCM (Ảnh: Tùng Nguyên).

Theo ông Đặng Minh Sự, nguyên Trưởng phòng GDNN, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, do tác động của Covid-19, giáo dục cả nước đã chuyển sang dạy học trực tuyến. Bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định nhưng thiếu tính hệ thống và hiệu quả chưa cao.

Ông đề cập đến những bất cập khi việc dạy và học trực tuyến còn thiếu chuyên nghiệp như: Xảy ra sự cố giáo viên dạy tại nhà mặc trang phục không phù hợp; buông lỏng quản lý dẫn đến việc nhân viên phụ trách thiết bị trở thành nhân viên quyền lực, thầy cô muốn dạy tốt phải quan hệ tốt với nhân viên này…

Trong tương lai, đối với hệ thống GDNN, đào tạo trực tuyến sẽ trở thành một kênh chính thức tồn tại song hành với dạy học trực tiếp. Nhiều môn học sẽ được số hóa và đưa vào dạy trực tuyến thường xuyên tại các trường nghề.

Điều đó đặt ra yêu cầu phải nghiên cứu một cách hệ thống, tìm ra các giải pháp đi trước, đón đầu sự phát triển của đào tạo trực tuyến, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Không cần đến trường, học sinh nghề vẫn có thể tốt nghiệp - 2

Học nghề có nhiều kỹ năng thực hành nên cần mô hình dạy trực tuyến riêng biệt (Ảnh minh họa: BKC).

Theo thạc sĩ Đỗ Hữu Khoa, Viện trưởng Viện Đại học trực tuyến, trong giai đoạn Covid-19, nhiều cơ sở GDNN đã chủ động tổ chức công tác đào tạo trực tuyến. Tuy nhiên, thời điểm đó, việc dạy và học trực tuyến chỉ là giải pháp tình thế và có nhiều sự cố xảy ra.

Giai đoạn hiện nay không còn ảnh hưởng của Covid-19 nhưng dạy và học trực tuyến đã trở thành xu hướng thời đại, yêu cầu phải triển khai để bắt kịp xu thế. Do đó, cần những mô hình, giải pháp chuyên nghiệp, phù hợp với các cơ sở GDNN.

Cơ hội thay đổi

Thạc sĩ Đỗ Hữu Khoa cho biết: "Ở nước ngoài, có trường mà mỗi năm học sinh chỉ đến trường 2 ngày, còn tất cả việc giảng dạy đều là trực tuyến thông qua internet".

Theo ông, dạy và học trực tuyến đã tạo nên những thay đổi sâu sắc trong giáo dục và đào tạo. Yếu tố không gian và thời gian không còn ràng buộc quá trình chuyển giao tri thức của thầy và trò, người học chủ động hơn.

Tuy nhiên, thách thức là rất lớn. Chi phí triển khai mô hình này rất tốn kém cho việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị, đào tạo giáo viên phương pháp dạy học trực tuyến, dạy học sinh cách khai thác công nghệ…

Không cần đến trường, học sinh nghề vẫn có thể tốt nghiệp - 3

Gần 100 lãnh đạo và trưởng phòng đào tạo các trường nghề trên địa bàn TPHCM tham dự hội thảo (Ảnh: Tùng Nguyên).

Thạc sĩ Tôn Ngọc Triều, Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, khẳng định ưu thế rõ ràng của đào tạo trực tuyến ở chỗ linh hoạt, cho phép người học tham gia vào quá trình học mọi lúc, mọi nơi... Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người sống ở xa trung tâm đào tạo, ở khu vực nông thôn.

Mô hình này giúp người học tiết kiệm nhiều thời gian và chi phí. Người học không cần phải di chuyển đến trường, không cần dùng các dịch vụ liên quan như ký túc xá, thuê nhà, mua giáo trình, đi lại…

Theo ông Triều, tính linh hoạt và tiết kiệm thời gian của đào tạo trực tuyến còn tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên làm thêm hoặc người đi làm học thêm kỹ năng. Bởi người học có thể học trong thời gian rảnh mà không cần phải đi xa hoặc nghỉ việc.

Tuy nhiên, để đảm bảo chuyển đổi sang dạy và học trực tuyến thành công, cần có một chiến lược toàn diện.

Đầu tiên là xây dựng và duy trì cơ sở hạ tầng công nghệ mạnh mẽ, đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người học. Việc này rất tốn kém, Chính phủ cần có chính sách đầu tư vào cơ sở hạ tầng và thiết bị học tập.

Đào tạo người dạy trực tuyến và phát triển nội dung giảng dạy cũng là một phần quan trọng của chiến lược này...

Thạc sĩ Tôn Ngọc Triều nói: "Chúng ta đang đứng trước cơ hội quý báu để nâng cao chất lượng giáo dục và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người học ở Việt Nam".

Theo thạc sĩ Đỗ Hữu Khoa, Viện trưởng Viện Đại học trực tuyến, phương pháp đào tạo trực tuyến bậc GDNN hay bậc Đại học đều khuyến khích kết hợp 2 mô hình là E-learning (đào tạo trực tuyến) và Online learning (học tập trực tuyến) trở thành mô hình B-learning (kết hợp 2 mô hình truyền thống và Online).

Với E-learning, nhà trường sản xuất nội dung chương trình học để học sinh có thể học bất cứ lúc nào. Nhà trường phải đầu tư studio sản xuất chương trình, giáo viên cũng gần giống như diễn viên, cần đào tạo kỹ năng diễn xuất để ghi hình hiệu quả.

Với Online learning, nhà trường phải đầu tư trang thiết bị, hệ thống hạ tầng, dùng kỹ thuật kết nối giáo viên và học sinh tương tác với nhau.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm