Khoảng cách với điểm sàn bao nhiêu là trúng tuyển đại học?

Nguyễn Liên

(Dân trí) - GS Nguyễn Đình Đức đưa ra lời khuyên, thí sinh nên căn cứ vào điểm chuẩn năm trước và chỉ tiêu năm nay của trường để xác định mức điểm của mình, thay vì dựa vào điểm sàn.

Đến hết ngày 2/8, các trường ĐH trên cả nước đều đã công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn). Trên các diễn đàn, nhiều thí sinh đặt ra thắc mắc về cơ hội trúng tuyển khi có mức điểm ngang bằng hoặc cao hơn không đáng kể so với điểm sàn.

Khoảng cách với điểm sàn bao nhiêu là trúng tuyển đại học? - 1

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2022 (Ảnh: Mạnh Quân).

Với các ngành hot, điểm trúng tuyển khó sát điểm sàn

Trao đổi với PV Dân trí, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, điểm sàn là mức điểm tối thiểu thí sinh cần có để đủ điều kiện đăng ký xét tuyển. Khái niệm này khác với điểm chuẩn - là mức điểm trúng tuyển, được lấy từ trên xuống dưới theo chỉ tiêu nhà trường đã công bố.

Ví dụ, ngành Công nghệ thông tin có điểm sàn là 22 điểm, có nghĩa tất cả thí sinh từ 22 điểm trở lên đều có thể nộp hồ sơ vào ngành này. Tuy nhiên, nhà trường sẽ lấy từ trên xuống, có thể 1.000 thí sinh nộp hồ sơ nhưng chỉ lấy 100 chỉ tiêu có điểm cao nhất. Như vậy, có thể 27 điểm mới là điểm trúng tuyển.

"Thí sinh cần hết sức cẩn thận. Chỉ những ngành học nào số hồ sơ đăng ký không cao, những ngành không hot thì điểm chuẩn mới có thể tương đối sát với điểm sàn, ví dụ các ngành khoa học cơ bản như Triết học, Lịch sử,… Còn với những ngành đang hot hiện nay, việc điểm sàn sát điểm trúng tuyển là điều rất khó. Vì thí sinh đặt hồ sơ vào càng đông, khoảng cách giữa điểm sàn và điểm chuẩn lại càng lớn", GS Đức nhấn mạnh.

GS Nguyễn Đình Đức đưa ra lời khuyên, thí sinh nên căn cứ vào điểm chuẩn năm trước, phổ điểm các tổ hợp và chỉ tiêu năm nay của các trường để xác định mức điểm của mình có "an toàn" hay không, thay vì dựa vào điểm sàn.

Khoảng cách với điểm sàn bao nhiêu là trúng tuyển đại học? - 2
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội - Ảnh: Mạnh Quân.

Điểm chuẩn cơ bản ổn định, có thể tăng ở các ngành KHXHNV

Chia sẻ về dự báo điểm chuẩn các tổ hợp xét tuyển, Trưởng Ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội đã phân tích phổ điểm từng môn thi so với năm 2021.

Theo đó, với môn Ngữ văn, tỷ lệ đạt điểm 7 trở lên trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 là 41,7%, năm 2022 tăng lên thành 42.2%. Với môn Toán, năm trước tỷ lệ đạt điểm 8 trở lên là 25,8% thì năm nay thấp hơn, còn 21,8%. Môn Vật lý năm 2021 có số bài thi đạt điểm 8 trở lên là 18,3%, năm nay tăng thành 22,74%. Với môn Hóa học, năm 2021 số bài từ 8 điểm trở lên là 24,9%, năm nay 27,8%.

Đặc biệt, điểm 2 môn thi có sự đột biến là Lịch sử và Tiếng Anh. Năm 2021, môn Lịch sử có 5,44% thí sinh đạt điểm 8 trở lên thì năm nay có tới 18,1%. Môn tiếng Anh cũng có sự điều chỉnh rõ rệt khi năm trước, tỷ lệ bài đạt 8 điểm trở lên là 18,3% thì đến năm nay, tỷ lệ này là 11,9%.

"Như vậy, tỷ lệ điểm 8 trở lên không quá biến động so với năm 2021, nên tôi dự đoán điểm chuẩn không có quá nhiều biến động. Tuy nhiên, tổ hợp Toán - Lý - Hóa có thể tăng nhẹ vì tỷ lệ điểm giỏi của môn Vật lý và Hóa học đều tăng lên. Đặc biệt, với tổ hợp khoa học xã hội có môn Ngữ văn và Lịch sử, điểm chuẩn có thể tăng lên nhiều hơn. Riêng các tổ hợp có môn Tiếng Anh, điểm chuẩn có thể giảm đi", GS Đức nói.

GS Nguyễn Đình Đức chia sẻ thêm, năm nay, Bộ GD-ĐT có sự đổi mới trong tuyển sinh. Việc đổi mới, sử dụng phần mềm hỗ trợ tuyển sinh chung cho các trường là rất tốt, bởi rõ ràng với phần mềm này, tất cả phương án tuyển sinh đều được công khai minh bạch. Quan trọng nhất, thí sinh có thêm cơ hội vào những ngành khác dù đã trúng tuyển sớm.

"Ví dụ, thí sinh xét tuyển theo IELTS và đã trúng tuyển sớm, như mọi năm các em có thể xác nhận vào học luôn. Nhưng năm nay, các em còn chờ đợi kết quả thi tốt nghiệp THPT, nếu điểm này cao có thể tự tin đăng ký vào ngành yêu thích nhất, của trường đại học tốt nhất. Đây là cơ hội rất tốt", GS Đức nhấn mạnh.

Tuy nhiên theo ông, thực tế đặt ra là tỷ lệ ảo của các trường có thể tăng lên. Thí sinh chưa chắc đã vào ngôi trường mình trúng tuyển sớm vì còn có cơ hội ở các trường khác.

"Do vậy, tôi cho rằng trên thực tế, các hội đồng tuyển sinh có thể sẽ lựa chọn để điểm chuẩn thấp hơn một chút. Vì tỷ lệ ảo lớn nên đáng ra lấy 25 điểm thì điểm trúng tuyển có thể chỉ là 24-24,5. Như vậy, điểm chuẩn năm nay về cơ bản ổn định, có thể tăng đối với một số tổ hợp, như tổ hợp khoa học xã hội nhân văn", GS Đức phân tích.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm