Khoa Công nghệ Môi trường - Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đẩy mạnh nghiên cứu khoa học ứng dụng

(Dân trí) - Khoa Công nghệ Môi trường - Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã thực hiện nhiều đề tài, các công trình nghiên cứu từ cấp bộ, cấp thành phố, cấp trường, cũng như các hoạt động liên kết nghiên cứu với các trường đại học trong và ngoài nước, các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp... và đã đạt được những kết quả tích cực.

Nghiên cứu khoa học, đặc biệt là khoa học ứng dụng là hướng đi hết sức cần thiết và quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Nghiên cứu khoa học sẽ là cơ sở để phục vụ tốt cho công tác đào tạo, tạo ra sản phẩm phục vụ cuộc sống. Khoa Công nghệ Môi trường - Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã thực hiện nhiều đề tài, các công trình nghiên cứu từ cấp bộ, cấp thành phố, cấp trường, cũng như các hoạt động liên kết nghiên cứu với các trường đại học trong và ngoài nước, các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp... và đã đạt được những kết quả tích cực. Sinh viên học tập trong môi trường này sẽ có điều kiện nghiên cứu khoa học và phát triển các sản phẩm mang tính ứng dụng thực tiễn.

Một trong những đề tài nổi bật theo hướng nghiên cứu khoa học ứng dụng của trường Đại học Thủ đô Hà Nội là đề tài “Nghiên cứu, hoàn thiện quy trình nuôi trồng và sản xuất một số chủng Linh chi (ganoderma) trên môi trường nhân tạo” do PGS.TS. Phạm Văn Hoan, Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ, nguyên Trưởng khoa Công nghệ Môi trường, làm Chủ nhiệm.

Theo PGS.TS. Phạm Văn Hoan, hoạt động nghiên cứu khoa học phải có tính ứng dụng cao, gắn liền và từng bước đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Nấm Linh chi đỏ là một loại dược liệu chứa nhiều acid ganoderic, ganodosteron, germanium (hàm lượng trong nấm Linh chi nhiều hơn nhân sâm đến 8 lần), acid oleic, beta D-glucan, adenosin… và nhiều nguyên tố vi lượng như sắt, magiê, natri, canxi… tác dụng cải thiện chức năng gan, thận, tăng cường hệ miễn dịch và phòng chống khối u… Quy trình nuôi trồng nấm Linh chi cũng được phổ biến cho nhiều người quan tâm. Các sinh viên tham gia đề tài này được tham dự vào hầu hết các khâu, từ nuôi cấy, chăm sóc, thu hoạch đến đóng gói và phân phối sản phẩm. Điều này đã trang bị cho các em sinh viên không chỉ kiến thức về khoa học mà còn cung cấp thêm nhiều các kỹ năng “mềm” trong việc đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng.

Khoa Công nghệ Môi trường - Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đẩy mạnh nghiên cứu khoa học ứng dụng - 1


Cơ sở nuôi trồng và sản phẩm Linh Chi khô đóng gói tại trường Đại học Thủ đô Hà Nội.

Cơ sở nuôi trồng và sản phẩm Linh Chi khô đóng gói tại trường Đại học Thủ đô Hà Nội.

Một công trình khoa học khác do TS. Nguyễn Vân Anh phối hợp cùng các nhà nghiên cứu tại Khoa Hóa, trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội cũng được quan tâm và hiện đang phát huy giá trị ứng dụng thực tiễn là nghiên cứu, chế tạo thành công thiết bị CE-C4D (Phương pháp điện di mao quản sử dụng detector đo độ dẫn không tiếp xúc) trong quan trắc, đánh giá tình hình sử dụng phân bón trong nông nghiệp.


Ảnh chụp hệ thiết bị CE-C4D triển khai tại Việt Nam.

Ảnh chụp hệ thiết bị CE-C4D triển khai tại Việt Nam.

Việt Nam có diện tích đất nông nghiệp lớn, nên thiết bị này hỗ trợ trực tiếp cho việc phân tích các ion amoni, phốt phát và kali trong dịch chiết mẫu đất nông nghiệp, đánh giá hàm lượng phân bón hóa học tồn dư trong đất, tạo cơ sở cho sự phát triển bền vững giữa hoạt động sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, còn phải kể đến một sản phẩm nghiên cứu khác đã được nghiệm thu, công nhận: Giống lúa CL.9. Đây là một giống lúa mới (Thân cây cứng khỏe, cho năng suất cao, chất lượng gạo tốt, chống chịu tốt với sâu bệnh, có khả năng thâm canh tại nhiều vùng sinh thái khác nhau như Bắc Bình, Bắc Giang, Ninh Bình, Nam Định, Hưng Yên, Tuyên Quang, Hà Giang…) do TS. Nguyễn Như Toản, Trưởng khoa Công nghệ Môi trường nghiên cứu, lai tạo. Giống lúa này đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là Giống lúa Quốc gia mới.


Giống lúa cao sản CL.9, sản phẩm nghiên cứu của TS. Nguyễn Như Toản và cộng sự.

Giống lúa cao sản CL.9, sản phẩm nghiên cứu của TS. Nguyễn Như Toản và cộng sự.

TS. Nguyễn Như Toản cho biết, hiện khoa Công nghệ Môi trường đang có hai ngành đào tạo: Công nghệ kỹ thuật môi trường và Công nghệ sinh học. Sắp tới, khoa sẽ mở thêm một số ngành đào tạo mới có liên quan đến các lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu mà đội ngũ cán bộ, giảng viên trong khoa có thế mạnh. Khoa đặc biệt chú trọng phát triển, đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học, thực hành nghiệp vụ. Hiện đề tài nghiên cứu quy trình nuôi trồng và sử dụng sản phẩm nấm Đông Trùng Hạ Thảo đã được triển khai và nhận được sự quan tâm lớn của giới khoa học và xã hội.

Từ lâu, Đông Trùng Hạ Thảo đã được xem là tiên dược trong y học vì tác dụng nâng cao sức khỏe cho con người, được cả y học phương Đông và phương Tây công nhận. Tuy vậy, việc nuôi cấy loại nấm này trong điều kiện nhân tạo tương đối khó khăn, vì sự khan hiếm về nguồn giống cũng như đòi hỏi phương pháp, kỹ thuật phức tạp. Do đó, việc nuôi trồng thành công Đông Trùng Hạ Thảo quy mô gia đình, cung cấp các sản phẩm từ loại nấm quý hiếm này tới người tiêu dùng được xem là bước khởi đầu có ý nghĩa, quan trọng với sự phát triển của khoa Công nghệ Môi trường nói riêng và trường Đại học Thủ đô Hà Nội nói chung.

Khoa Công nghệ Môi trường - Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đẩy mạnh nghiên cứu khoa học ứng dụng - 5


Kiểm tra chất lượng nấm tại phòng nuôi trồng nấm Đông Trùng Hạ Thảo của khoa Công nghệ Môi trường.

Kiểm tra chất lượng nấm tại phòng nuôi trồng nấm Đông Trùng Hạ Thảo của khoa Công nghệ Môi trường.

Trong thời gian tới, Khoa Công nghệ Môi trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng nhu cầu xã hội. Sinh viên theo học sẽ được Nhà trường và Khoa hỗ trợ, tạo điều kiện về học liệu, trang thiết bị thí nghiệm, thực hành tốt nhất để tiếp cận, chiếm lĩnh kiến thức khoa học, chuyên môn, kỹ năng và kinh nghiệm làm việc. Năm học 2018-2019, Khoa Công nghệ Môi trường tiếp tục tuyển sinh các ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường - Mã số: 7510406, ngành Công nghệ Sinh học - Mã số: 52420201 và một số ngành công nghệ mũi nhọn khác. Đây là những ngành học đang được nhà nước, xã hội quan tâm và chú trọng phát triển.