Khó tuyển sinh, trường trung cấp phải sáp nhập!
Bức tranh màu tối về tuyển sinh khối trường trung cấp ở TPHCM đặt ra yêu cầu phải cấu trúc lại hệ thống, tránh trùng lặp để mang lại hiệu quả.
Kết quả tuyển sinh năm 2018 khối giáo dục nghề nghiệp ở TP HCM vượt chỉ tiêu đề ra nhưng ở trình độ trung cấp chỉ đạt 80,81% chỉ tiêu. Theo các chuyên gia, nhu cầu nhân lực trình độ trung cấp vẫn rất nhiều nhưng khi người học đang quay lưng lại thì bản thân từng trường phải xem lại công tác bảo đảm chất lượng.
Chỉ 20/64 trường tuyển đạt 50% trở lên
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM cho biết năm 2018 giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh được 482.699 người (tăng 4,28% so với năm 2017), trong đó CĐ 46.782 người, trung cấp 29.091 người, đào tạo thường xuyên 246.926 người, sơ cấp là 159.900 người.
Chất lượng đào tạo, nhất là hệ chính quy trình độ CĐ, trung cấp được các doanh nghiệp chấp nhận, tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp ở bậc CĐ là 81,76%, nhiều trường có tỉ lệ 100% như Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, Trường CĐ Lý Tự Trọng, Trường CĐ Kinh tế Công nghệ TPHCM, Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch TPHCM…; tỉ lệ có việc làm ở trình độ trung cấp là 79,96%.
Về tổng thể, công tác tuyển sinh năm 2018 vượt chỉ tiêu đề ra nhưng ở trình độ trung cấp chỉ đạt 80,81% chỉ tiêu đề ra. Chỉ có 20/64 trường tuyển đạt từ 50% trở lên; 15/64 trường tuyển sinh đạt từ 20% đến dưới 50%; 45,31% trường tuyển sinh đạt dưới 20% chỉ tiêu.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP HCM, cho rằng để đạt được kết quả trên, nhiều trường đã tranh thủ tối đa sự ủng hộ của TP thông qua chương trình nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2020, chủ động xây dựng chiến lược phát triển trường; công tác truyền thông về giáo dục nghề nghiệp cũng được quan tâm đẩy mạnh... Nhưng bên cạnh đó vẫn còn những cơ sở giáo dục nghề nghiệp có cơ sở vật chất còn lạc hậu, chưa đầu tư phát triển phương tiện kỹ thuật dạy học, chưa tạo uy tín đào tạo đối với đơn vị sử dụng lao động
Nhu cầu cao nhưng sinh viên vẫn bỏ học
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), cho biết ở 27 quốc gia Liên minh châu Âu, đến năm 2020, tỉ lệ lao động có trình độ cao từ ĐH trở lên chiếm khoảng 37%. Nhân lực trình độ trung cấp khoảng 46,6% và nhân lực trình độ thấp chỉ còn 16,4%. Hay tại Hàn Quốc, Mỹ nhu cầu nhân lực có trình độ này chiếm 45% - 50%.
Ông Vinh cho rằng ở Việt Nam, nhu cầu nhân lực trình độ trung cấp rất nhiều nhưng ít được quan tâm và do thiết kế chương trình, thực hiện không tốt nên tỉ lệ bỏ học khá cao. Nếu cần chấn chỉnh thì rất cần phục hồi lại trường trung học nghề và trung học kỹ thuật dạy cả văn hóa và dạy cả kỹ năng, phân luồng ngay trên địa bàn cấp quận, huyện gắn với công - nông nghiệp địa phương…
Ông Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng, cho rằng chất lượng đào tạo là yếu tố quyết định đến tuyển sinh. Do vậy, các trường phải tăng cường quản lý dạy và học, đầu tư cơ sở vật chất thiết bị máy móc phục vụ dạy học.
Bên cạnh đó là tăng cường quan hệ doanh nghiệp để doanh nghiệp tham gia vào việc xây dựng chương trình, đánh giá kết quả học tập của học sinh, sinh viên và giải quyết việc làm sau khi học sinh, sinh viên tốt nghiệp…
Theo ông Nguyễn Văn Lâm, khối trường trung cấp ở TP HCM bên cạnh những trường hoạt động hiệu quả thì nhiều trường còn yếu kém, hoạt động chồng lấn. Trong thời gian tới sẽ sắp xếp lại, trường nào không đáp ứng được nhu cầu phải sáp nhập vào trường CĐ, thậm chí giải thể.
Khó khăn do chậm đổi mới
GS Lê Quân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho rằng khung trình độ quốc gia 5 bậc nhưng không có chỗ nào quy định phải xong bậc này mới học bậc khác. Thế giới vẫn thiết kế học kép để đủ trình độ bậc cao. Ví dụ, tiến sĩ vẫn học thẳng từ ĐH, nếu đáp ứng. GS Lê Quân cho biết khối trường trung cấp đang sắp xếp lại và TP HCM sắp xếp chậm nên có khó khăn. Tuy nhiên, nhiều trường đã kịp thời đổi mới nên tuyển sinh vẫn tốt như hệ 9+ tại Trường CĐ Lý Tự Trọng.
Theo Huy Lân
Người Lao Động