ĐBSCL:

Khó học trực tuyến: Học sinh vùng sâu, hải đảo tự học ở nhà, theo nhóm

Nguyễn Hành

(Dân trí) - Dịch bệnh chưa kiểm soát, các tỉnh An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp triển khai dạy học trực tuyến cho khối 9 và 12. Với học sinh khó khăn, giáo viên đến từng nhà gửi tài liệu hướng dẫn các em tự học.

Nhiều tỉnh miền Tây học sinh khối 9 và 12 ngày 6/9 sẽ bắt đầu học

Theo Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang, kế hoạch năm học 2021-2022, tất cả các học sinh ở các cấp học sẽ thực học ngày 20/9. Riêng khối 9 và 12, học sinh sẽ bắt đầu học từ ngày 6/9 (đang trình xin ý kiến UBND tỉnh) bằng hình thức học trực tuyến.

Ông Trần Quang Bảo - Giám đốc Sở GD-ĐT Kiên Giang cho biết: "Do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên kế hoạch dạy và học phải thay đổi cho phù hợp tình hình thực tế. Do đó, Sở đang xin ý kiến UBND tỉnh cho tổ chức dạy học đối với học sinh khối 9 và 12 trên môi trường internet từ 6/9. Các cấp học còn lại tổ chức thực học từ ngày 20/9".

Theo ông Bảo, việc tổ chức dạy học trên môi trường internet tương đối thuận lợi hơn cho các học sinh. Vì các em học sinh chỉ cần điện thoại thông minh là có thể tham gia học.

Khó học trực tuyến: Học sinh vùng sâu, hải đảo tự học ở nhà, theo nhóm - 1

Ngày 6/9, học sinh khối 9 và 12 tại các tỉnh An Giang, Kiên  Giang và Đồng Tháp sẽ bắt đầu học qua hình thức trực tuyến (Ảnh minh họa)

Còn tại Đồng Tháp, về công tác tổ chức dạy và học trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp, Sở GD-ĐT Đồng Tháp cho biết, khối 9 và 12 sẽ bắt đầu học từ 6/9 bằng hình thức trực tuyến hoặc linh hoạt vận dụng các hình thức dạy học khác.

Riêng bậc Mầm non và giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên sẽ tựu trường vào 15/9 nhưng đến 20/9, các đơn vị trường học mới tổ chức khai giảng.

Lãnh đạo Sở GD - ĐT tỉnh An Giang cho biết, ngày 6/9, khối 9 và 12 sẽ thực học bằng hình thức trực tuyến. Các khối lớp còn lại chưa học.

 Bà Nguyễn Thị Ngọc Diễm -  Giám đốc Sở GD-ĐT An Giang cho biết: "Trong bối cảnh phức tạp của dịch bệnh, điều kiện học sinh vùng nông thôn và những hạn chế của việc dạy học trực tuyến…, để đạt được mục tiêu giáo dục là không hề đơn giản nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức mình với tinh thần sẵn sàng và quyết tâm cao để mang lại những gì tốt nhất cho học sinh trong điều kiện có thể".

Gửi tài liệu học tập đến các em

Theo lãnh đạo ngành giáo dục An Giang, đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn không thể tham gia học trực tuyến, thủ trưởng các cơ sở giáo dục chỉ đạo giáo viên bộ môn phối hợp với giáo viên chủ nhiệm chuyển giao nhiệm vụ học tập cho các em thông qua tin nhắn SMS,… hoặc gửi tài liệu photo đến các em.

Sau khi hết giãn cách, học sinh trở lại trường, nhà trường tiến hành bổ sung kiến thức, tổ chức phụ đạo cho học sinh còn hạn chế về điều kiện học trực tuyến.

Ông Trần Quang Bảo - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang cho biết, để các em học sinh vùng sâu, hải đảo… thuộc diện gia đình khó khăn nắm đầy đủ kiến thức, Sở đã cho các đơn vị trường học rà soát nắm lại số học sinh, từ đó có cách giúp các em nắm kiến thức.

"Khi có số lượng học sinh thiếu thiết bị học trên môi trường internet, Sở hướng dẫn Phòng GD-ĐT cùng đơn vị trường học, phối hợp với địa phương thành lập Tổ giáo dục. Tổ này sẽ đến từng nhà gửi tài liệu, hướng dẫn các em học tập, nắm kiến thức, theo kịp bạn bè". Ông Bảo chia sẻ.

Khó học trực tuyến: Học sinh vùng sâu, hải đảo tự học ở nhà, theo nhóm - 2

Khi dạy học trực tuyến, ngành giáo dục các tỉnh An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp đặc biệt quan tâm đến học sinh khó khăn, vùng sâu, hải đảo để có biện pháp dạy học phù hợp, giúp các học sinh nắm kiến thức.

Theo Lãnh đạo Sở GD-ĐT Đồng Tháp cho biết, đối cơ sở giáo dục có điều kiện dạy trực tuyến, nhưng có nhiều học sinh  chưa có máy tính, linh hoạt bố trí học sinh học trực tuyến theo nhóm (không quá 3 học sinh/nhóm) trên địa bàn cư trú, đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.

Còn đối với các cơ sở giáo dục chưa đảm bảo điều kiện dạy học trực tuyến, sử dụng ứng dụng trên mạng xã hội qua điện thoại thông minh để dạy học.

Lãnh đạo ngành giáo dục nhiều tỉnh khu vực ĐBSCL cho rằng, dù dạy cách nào đích đến cuối cùng là kết quả đầu ra. Do đó, lãnh đạo ngành giáo dục các tỉnh vận dụng các phương pháp dạy học linh hoạt để giúp các học sinh nắm đầy đủ kiến thức, cuối năm chất lượng dạy và học đạt kết quả tốt nhất.