Khi “yêu râu xanh” là thầy giáo...
(Dân trí) - Những trường hợp thầy giáo lạm dụng tình dục học sinh không những gây bức xúc dư luận, làm tổn thương tâm lý của trẻ lâu dài mà còn ảnh hưởng đến uy tín của các nhà trường.
Khi "yêu râu xanh" là nhà giáo
Vài ngày gần đây, câu chuyện thầy giáo dạy sinh học ở Trường THCS Phước Minh (xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh) bị tố xâm hại tình dục bốn nam sinh trong thời gian dài khiến dư luận phẫn nộ.
Thầy giáo bị tố cáo dâm ô là N.H.Nh. (sinh năm 1982, dạy môn Sinh học của trường THCS Phước Minh). Bốn nam sinh này hiện đang là học sinh lớp 9 của trường.
Hiện tất cả bốn phụ huynh đã hoàn tất đơn tố cáo hành vi dâm ô, xâm hại tình dục của ông N.H.Nh. để gửi đến các cơ quan chức năng.
Cũng là thầy giáo lạm dụng nam sinh, cuối năm 2019, TAND tỉnh Phú Thọ mở phiên xét xử bị cáo Đinh Bằng My - cựu Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Thanh Sơn về các tội "Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi" và "Thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi".
Được biết, trong thời gian khoảng 2 năm, nhằm thỏa mãn nhu cầu sinh lý cá nhân, tại phòng làm việc (cũng là phòng ở) trong khuôn viên Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Thanh Sơn (thị trấn Thanh Sơn, Phú Thọ), ông Đinh Bằng My đã thực hiện nhiều lần hành vi dâm ô và quan hệ tình dục khác đối với 9 nam sinh của trường.
Tổng hình phạt tòa tuyên bị cáo My 8 năm tù, hình phạt bổ sung là cấm hành nghề trong hai năm.
Mới đây, sự việc gây bức xúc tại Lào Cai khi thầy giáo Tin học xâm hại tình dục học sinh lớp 8 dẫn đến mang thai.
Nữ sinh H. cho biết, đã bị thầy giáo N.V.A. (SN 1983, là giáo viên dạy Tin học tại trường) có hành vi quan hệ tình dục, hiếp dâm nhiều lần dẫn tới có thai 3 tháng.
Ông N.V.A. đã thừa nhận có hành vi quan hệ tình dục nhiều lần với nữ sinh H. tại phòng trực bán trú của nhà trường.
Chưa có bộ “lọc” khi tuyển giáo viên
Trên đây chỉ là một vài ví dụ về việc giáo viên lạm dụng tình dục học sinh. Sự việc không những gây bức xúc dư luận, làm tổn thương tâm lý của trẻ lâu dài mà còn ảnh hưởng đến uy tín của các nhà trường.
Chia sẻ với PV Dân trí, PGS.TS Trần Thành Nam, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, một số ngành nghề hiện đã có hình thức trắc nghiệm nhân cách trước khi tuyển dụng.
Chẳng hạn một người học rất giỏi, bằng cấp đủ nhưng khi trắc nghiệm nhân cách, người này nhiễu tâm, hay lo lắng và nhìn sự việc tiêu cực.
Kiểu thần kinh này không cân bằng, nóng tính và khó kiểm soát cảm xúc, không phù hợp với công việc liên quan nên người đó không được tuyển dụng.
Vì thế, ngoài quy định đầu ra phải có chứng chỉ nhà giáo để đảm bảo chất lượng, khi tuyển dụng vào các ngành Sư phạm, có lẽ cần có phần sơ tuyển để chứng minh sự yêu nghề, lòng yêu trẻ.
Theo TS Trần Thành Nam, việc tuyển giáo viên hiện còn quá đơn giản, chưa ai sàng lọc thông tin hoặc trắc nghiệm nhân cách, dẫn đến các sự việc gây bức xúc.
Trong khi đó, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, học sinh bị xâm hại tình dục ngay chính trong trường học, đặc biệt các trường phổ thông nội trú không phải lần đầu.
TS Nguyễn Tùng Lâm cảnh báo, với phương thức bảo vệ trẻ em như hiện nay, có thể còn có rất nhiều câu chuyện, trường hợp bị xâm hại khác nhưng các em không dám lên tiếng.
Bởi vì nếu nói ra, các em sợ bị đối tượng xâm hại chèn ép, trả thù. Hơn nữa, sự việc ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm cá nhân nên nhiều em bị xâm hại cũng muốn giấu.
Vì vậy, ngành Giáo dục và các cơ quan cần có chương trình hành động, các giải pháp bảo vệ trẻ một cách thường xuyên, nhất là ở trong trường nội trú.
Vấn đề đặt ra là làm sao bảo vệ trẻ em không bị xâm hại tình dục chứ không phải để đến khi sự việc xảy ra thì các cơ quan mới nháo nhào đi tìm thủ phạm. Khi đó, học sinh bị xâm hại đã thực sự bị tổn thương.
Hạnh Nguyên