Khi người thầy viết về người thầy…

(Dân trí) - Những câu chuyện mộc mạc, bình dị trên giảng đường và trong đời sống của 27 người thầy là những giáo sư đáng kính trong lĩnh vực KHXH và nhân văn đã được Giáo sư Hà Minh Đức - một nhà giáo uyên bác, tận tâm tái hiện bằng tất cả tình cảm biết ơn chân thật.

Từ những mảnh nhỏ của kí ức, GS. Hà Minh Đức xâu chuỗi, chắp nối thành những dáng hình của từng thầy, cô giáo mang cá tính riêng độc đáo trong tập bút ký "Cõi học và người thầy" (NXB Công an nhân dân, 2017). Cuốn bút ký về những người thầy trong cõi học được ra mắt đúng vào dịp Hiến chương các nhà giáo Việt Nam 20/11 càng thêm phần ý nghĩa.

GS.NGND Hà Minh Đức xúc động chia sẻ những kỷ niệm sâu sắc với những người thầy của mình.
GS.NGND Hà Minh Đức xúc động chia sẻ những kỷ niệm sâu sắc với những người thầy của mình.

Ở tuổi 84, vị giáo sư xúc động khi chia sẻ về những mảng kí ức với những người một thời dạy dỗ, dìu dắt mình. Ông bày tỏ vinh dự được làm học trò của các thầy Nguyễn Khánh Toàn, Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Hoàng Xuân Nhị, Trần Đức Thảo, Trương Tửu, Nguyễn Lương Ngọc..., những giáo sư uyên bác, nhà văn hoá lớn, những người thầy thương yêu hết lòng tận tâm vì học trò học trò.

Sự kính yêu, biết ơn đối với những các thầy cô và niềm xúc cảm với những người bạn học, sau này cũng trở thành đồng nghiệp, thành những giáo sư đại học đáng kính, đã thôi thúc ông cầm bút.

“Cuốn sách viết trong những hoàn cảnh đặc biệt và xúc động. Viết về một người rất khó, viết chân dung, tình cảm, phong cách về những mối quan hệ nhiều khi riêng tư rất khó khăn và hết sức cẩn thận từng chi tiết. Nhưng chính điều đó làm cho người ta thấy gần gũi hơn, ấm cúng”, GS. Hà Minh Đức chia sẻ.

Tập bút ký “Cõi học và Người Thầy’ của GS. Hà Minh Đức là lời tri ân của một học trò đối với các thế hệ Thầy giáo mình. Những câu chuyện mộc mạc, bình dị trên giảng đường và trong đời sống của 27 người thầy, qua đó sáng lên chân dung những nhà giáo mẫu mực, những nhà văn hóa lớn của cả nước.

Đặng Thai Mai – trầm lặng và uyên bác, Nguyễn Lương Ngọc – tài trí và đức độ, Chuyện kể còn lại của giáo sư Bùi Văn Nguyên, Mừng thầy Hoàng Xuân Nhị đã lên tên phố, Trần Đức Thảo – một triết gia thông thái, một nhân cách cao đẹp, Nguyễn Khánh Toàn – cõi học và người thầy,...

Tất cả đều thấm đẫm tình cảm tri ân cùng sự ngưỡng mộ chân thành của tác giả với những nhà khoa học, những chuyên gia hàng đầu về khoa học xã hội và nhân văn.

Đại tá Hồng Thái, nguyên Giám đốc NXB Công an nhân dân, bày tỏ vinh dự "được" xuất bản một cuốn sách quý của GS Hà Minh Đức. Đồng thời khẳng định cuốn sách "viết rất mộc", "có rất nhiều chi tiết thú vị".

Nhà văn Hữu Thỉnh (Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam) ôn lại kỷ niệm đầu tiên với GS Hà Minh Đức khi còn là một người lính tăng từ chiến trường trở về, mùa đông 1971. Ông nêu rõ "cuốn bút ký cõi học và những người thầy là một bất ngờ của sự bất ngờ - một niềm vui trong nhiều niềm vui" và khẳng định: với một số lượng sách xuất bản đồ sộ, với một bề dày giảng dạy và nghiên cứu, GS. Hà Minh Đức là một nhà văn hoá lớn của đất nước...

Nhà thơ Hữu Việt nhấn mạnh “qua bút ký chân dung này, ta chợt nhận ra một chân dung khác, đầy đủ hơn, đó chính là chân dung tác giả Hà Minh Đức – một người thầy”.
Nhà thơ Hữu Việt nhấn mạnh “qua bút ký chân dung này, ta chợt nhận ra một chân dung khác, đầy đủ hơn, đó chính là chân dung tác giả Hà Minh Đức – một người thầy”.

Phát biểu cảm xúc tại tọa đàm, nhà thơ Hữu Việt - một học trò của GS. Hà Minh Đức bình: "Cuốn sách một người thầy viết về các người thầy, về cõi học trang nghiêm và thăm thẳm, cao quý mà bình dị. 27 chân dung trong cuốn sách, mỗi người thầy là “một pho sách lớn của tri thức, một vốn quý của cuộc đời nhiều trải nghiệm. Viết về họ, ngoài cần mẫn quan sát, lý giải sắc sảo còn phải có sự tương đồng về tầm cỡ; nhưng trên tất cả là tấm lòng, tình cảm chân thành, chân thật dành cho nhân vật mà ông là người đồng hành.

Giáo sư Hà Minh Đức thường khắc họa các thầy và bạn đồng môn chỉ bằng vài nét chấm phá: Đặng Thai Mai “dáng vẻ trang nghiêm, ánh mắt sắc, nụ cười kín đáo nhân hậu”; Nguyễn Khánh Toàn “vầng trán cao, thanh thản, đôi tai rộng, có thành quách, cặp mắt luôn ánh lên những tia sáng của ý chí”; Nguyễn Lân “ăn mặc giản dị, giọng nói sôi nổi, cử chỉ quyết đoán”; Lê Đình Kỵ “người tầm thước, có thể hơi thấp, thường đến trường bằng chiếc xe đạp có phần cũ kỹ”; Bùi Văn Nguyên “người gầy, dong dỏng cao, già trước tuổi”… Có thể gọi đây là biệt tài của ông, bởi vì những nét “ký họa” tưởng như chừng mực, tối giản ấy thực ra rất tinh tế, khái quát, giúp người đọc hình dung ngay được ngoại hình và phần nào tính cách nhân vật”.

Nhà thơ Hữu Việt nhấm mạnh thêm: “Trong bút ký chân dung này, ta chợt nhận ra một chân dung khác, đầy đủ hơn, đó chính là chân dung tác giả, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hà Minh Đức, người đã góp phần đào tạo nhiều nhà văn, nhà báo, nhà giáo đang hoạt động sung sức trong các lĩnh vực xã hội hiện nay”.

Chia sẻ với PV Dân trí về nghề giáo thời hiện đại, GS. Hà Minh Đức khẳng định, nghề giáo dù có trải qua bao biến thiên của cuộc sống vẫn sẽ là nghề cao quý. Ông cho rằng: “Có thể chính áp lực kinh tế, bối cảnh kinh tế thị trường, số lượng thầy cô giáo quá đông – cung vượt cầu nên lương thấp, thành ra gặp nhiều khó khăn về cuộc sống. Còn học sinh, sinh viên bây giờ tiếp xúc các luồng thông tin bên ngoài tích cực cũng như tiêu cực thành ra trong ứng xử với thầy không còn được như trước”.

GS. Hà Minh Đức tặng sách cho sinh viên.
GS. Hà Minh Đức tặng sách cho sinh viên.

Dịp 20/11, lòng người GS. Hà Minh Đức lại bồi hồi xúc động trước những tình cảm tốt đẹp của học sinh và xã hội dành tặng. Ông tâm sự, mong ước ở tuổi 84 là sức khỏe. Khỏe để thấy thành tựu của các thế hệ học trò mến yêu!

Lệ Thu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm