Bạn đọc viết:
Khi học thêm không phải để tìm kiến thức mà để mua sự yên tâm
(Dân trí) - Đọc bài viết “Thông báo của cô giáo “sức học của các con còn chậm” của tác giả Hoài Nam trên báo Dân trí, có lẽ nhiều người đã ngậm ngùi cho nỗi lòng của phụ huynh “cực chẳng đã” phải cho con đi học thêm.
Khi học thêm trở thành một xu thế tất yếu của xã hội hiện đại, người ta đua nhau đến lớp học ngoài giờ không phải để nâng cao kiến thức hoặc bổ khuyết thêm năng lực còn yếu và thiếu. Mà giờ đây, nhiều gia đình phải “bấm bụng” cho con đi học thêm bởi cô giáo đã gợi ý, đã “mớm lời” và không thể không đăng ký bởi nỗi lo con trẻ sẽ bị phân biệt đối xử.
Con gái tôi đang học lớp 2 và như nhiều phụ huynh khác, tôi cũng đã nhận được “thông điệp ngầm” của cô giáo. Hồi năm lớp 1, cô giáo nhận lớp sau một tháng đã làm cuộc khảo sát nho nhỏ trong lớp. Cháu kể rằng cô giáo hỏi “Ai đang theo học cô N.?” (cô N. là một giáo viên có tiếng dạy học sinh đầu cấp tiểu học rất tốt ở địa phương), một loạt học sinh đứng dậy.
Và số học sinh còn lại sẽ nhận nhiệm vụ về nhà hỏi bố mẹ có đăng ký học thêm ở lớp cô không thì hôm sau trả lời. Bé con nhà tôi đem thắc mắc hỏi về việc các bạn học thêm sao lại nhiều như thế, tôi trấn an con rằng có lẽ các bạn muốn đạt kết quả cao trong học tập. Vài hôm sau hỏi lại con, tôi nhận được tin là hầu hết các bạn hôm trước đều đã theo học tại nhà cô giáo vào ba buổi tối trong tuần.
Chỉ còn lại con và 1, 2 bạn trong lớp được bố mẹ cho “thả cửa” sau hơn mười tiếng ở trường mỗi ngày. Thú thật, lúc đầu tôi cũng lăn tăn chuyện con không đi học thêm có bị cô giáo “đì” không, bởi lâu nay vẫn được mọi người truyền tai nhau nhiều về nạn phân biệt đối xử khi con trẻ không học thêm.
Tôi bèn ướm lời hỏi thử con gái có muốn đến nhà cô giáo học vào buổi tối như các bạn thì nhận được cái lắc đầu chắc nịch của con. Con kể: “Mẹ không biết mỗi ngày con học ở trường bài vở nhiều thế nào đâu. Hết làm toán lại tập viết. Xong vở chính tả lại xoay qua vở tăng tiết. Con quá mệt!”.
Tôi hiểu bọn trẻ mới lớp 1 đã phải gánh áp lực học tập quá lớn mỗi ngày. Chuẩn kiến thức, kỹ năng mà các con phải đạt qua mỗi tiết học cứ thế tăng lên. Các con đã vất vả với bài vở mỗi ngày ở trường. Giờ sau một ngày học lại cắm cúi luyện chữ, làm toán thì tội nghiệp vô cùng. Và thế là hai mẹ con thống nhất sẽ tự học ở nhà.
Nỗi lo con trẻ bị phân biệt cứ canh cánh trong lòng. Và suốt một thời gian dài tôi theo dõi việc học của con, quan tâm hỏi han cách đối xử của cô giáo với các bạn trong lớp rồi thở phào nhẹ nhõm là mọi chuyện vẫn ổn. Giờ thì con đã “tốt nghiệp” lớp 1, cảm ơn cô giáo đầu đời của con đã hết sức công tâm trong nhiệm vụ trồng người của mình.
Mỗi ngày đón con, nhìn con cùng các bạn lại vây quanh cô giáo cũ mỗi khi gặp trên sân trường, tôi nghĩ lòng kính yêu của bọn trẻ là món quà quý nhất mà cô giáo xứng đáng được nhận.
Và khi con lên lớp 2 chưa tròn tháng, cô giáo chủ nhiệm lại gợi ý “cô có dạy thêm ở nhà vào các buổi tối thứ 3, 5, 7. Bạn nào muốn học thêm thì báo bố mẹ đăng ký”. Hai mẹ con tôi lại thống nhất tự học ở nhà. Tôi muốn con được “hít thở” thoải mái chứ không ngụp lặn sớm trong sách vở, bởi con chỉ mới là cô bé lớp 2. Và tôi muốn đặt niềm tin vào tấm lòng của cô giáo lớp 2. Tôi tin cô sẽ đặt chữ “tâm” trong nhiệm vụ giáo dục trẻ.
Quay trở lại nỗi lo của nhiều phụ huynh trong bài viết Thông báo của cô giáo “Sức học của các con còn chậm”, tôi thấy tiếc cho nhiều phụ huynh cứ mãi lăn tăn lo nghĩ nhiều về lời gợi ý của cô. Nếu thấy con trẻ thật sự cần kèm cặp thêm sau giờ học để theo kịp chương trình, theo kịp bạn bè thì hãy đăng ký.
Còn ngược lại, đừng dồn ép trẻ vào lớp học thêm làm tăng áp lực học hành và cũng đừng cả nghĩ về chuyện trẻ bị “ép”, bị “đì” nếu không học thêm. Bởi đâu phải người thầy nào cũng vô tâm, vô tình và thiếu trách nhiệm!
Nguyễn Thùy
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.
Xin trân trọng cảm ơn!