Khi cùng đường phải… vào đại học

(Dân trí) - Ngoài việc thi vào đại học, những con đường khác vô cùng mờ mịt là thực tế mà hầu hết học trò tốt nghiệp THPT phải đối diện. Không thi đại học thì nhiều em không biết sẽ làm gì sau khi học xong cấp 3.

Bế tắc nên vào đại học

Cũng như hầu hết học sinh khác, học xong 12, Nguyễn Văn H.(quê ở Nghệ An) thi vào một trường ĐH ở TPHCM. Kết quả không như mong muốn. Nếu thi lại, khả năng thi đỗ của H. rất cao nhưng cậu chọn con đường theo người quen vào Nam lập nghiệp.

Số đông học sinh học xong lớp 12 đều chọn con đường thi vào đại học
Số đông học sinh học xong lớp 12 đều chọn con đường thi vào đại học

Không nghề nghiệp, không bằng cấp, không định hướng, H. chật vật làm đủ nghề như đi bán băng đĩa dạo, bán kem, làm công nhân… ở khắp các tỉnh phía Nam. H. cũng từng tham gia một số khóa đạo tạo nghề mà rồi không biết rõ mình yêu thích việc gì, khó khăn đủ bề nên việc học đứt gánh giữa đường.

Bế tắc, mới đây, H. quyết định ôn lại để thi ĐH với sự ủng hộ của gia đình. Bản thân H. cũng biết việc thi ĐH không đảm bảo cho mình một điều gì nhưng “chí ít đó cũng là một con đường cụ thể để mình bước đi , bố mẹ lại yên tâm hơn”, H. nói.

Ngoài việc thi vào ĐH, những con đường khác vô cùng mờ mịt là thực tế mà hầu hết học trò tốt nghiệp THPT phải đối diện. Không thi ĐH thì nhiều em không biết sẽphải làm gì sau khi học xong cấp 3.

Trần Ngọc Oanh (quê ở Lâm Đồng vừa dự thi vào hai trường đại học tại TPHCM) cho hay, nếu năm nay chưa đỗ thì em sẽ thi lại ĐH đến lúc đỗ thì thôi. Bởi không thi ĐH thì Oanh không biết sẽ làm công việc gì.

Phụ huynh chờ con trước cổng trường thi trong mùa thi ĐH, CĐ năm nay
Phụ huynh chờ con trước cổng trường thi trong mùa thi ĐH, CĐ năm nay.

“Ngoài việc học, em nó không biết làm gì nữa hết nên chỉ còn cách thi ĐH thôi. Không đi học thì ở nhà cùng đám thanh niên lông bông, lấy chồng hoặc vào thành phố làm công nhân. Tôi nói với con như vậy để cháu lựa chọn”, mẹ của Oanh cho hay.

Tình cảnh của mẹ con Oanh, phải đặt ĐH lên cao nhất khi dường như họ không có lựa chọn nào sáng sủa hơn. Và có lẽ rất nhiều gia đình, nhiều thí sinh, nhất là ở miền quê, cơ hội tiếp cận các ngành nghề khác hạn chế thì chẳng có gì lạ không lạ khi họ đặt ĐH làm là mục tiêu cao nhất.

Chị Thùy Vinh, quê ở Phú Thọ, tốt nghiệp một trường kỹ thuật, hiện làm việc tại một công ty nội thất ở Q.1, TPHCM chia sẻ về điều này: “Tôi thi ĐH đến năm 3 mới đỗ, thấy mình thật kiên trì. Kể cả bây giờ nghĩ lại tôi cũng thấy, nếu không thi ĐH, tôi chẳng biết mình phải làm gì.”.

Giáo dục chỉ… để thi?

Vào ĐH là là một lựa chọn để khẳng định và theo đuổi con đường đam mê là điều đáng khuyến khích. Đáng ngại ở chỗ, nhiều HS thi mà không cần quan tâm, cũng không biết rõ mình có yêu thích, phù hợp không. Miễn sao đậu đã, giải quyết những năm năm trước mắt sau phổ thông đã, có tấm bằng ĐH đã. Còn xin được việc làm hay không, thất nghiệp thì hồi sau hẵng tính.

Con đường vào ĐH vô cùng chông chênh. Không chỉ là một kỳ thi căng thẳng, việc học tốn kém và ra trường có thể thất nghiệp tràn lan như hàng chục ngàn cử nhân đang gặp phải. Đâu phải các bạn trẻ, các phụ huynh không biết điều này nhưng với không ít người vào ĐH không còn là lựa chọn mà như một giải thoát. 

Các em cần được định hướng từ sớm những con đường vào đời
Các em cần được định hướng từ sớm những con đường vào đời

Lý do hàng đầu, theo nhiều chuyên gia, giáo dục hiện nay gần như chỉ định hướng các em thi vào ĐH, CĐ - kể cả những em thật sự không đủ năng lực. Quá trình và kết quả giáo dục chỉ đánh giá trên điểm số, thi cử các môn văn hóa nên học xong để thi ĐH như được lập trình sẵn.

Chương trình giáo dục với một mẫu số chung như vậy nên HS không phát huy được những khả năng khác, không có cơ hội tìm hiểu, khai phá năng lực của mình. Và hiển nhiên khi đó, chẳng có lối nào mở hơn học để thi vào ĐH.

Rồi đến công tác hướng nghiệp phân luồng cũng chưa hiệu quả. Thậm chí, việc hướng nghiệp ở trường học đơn thuần là các trường đến giới thiệu chứ chưa hỗ trợ các em trong việc giúp các em hiểu rõ về bản thân để có lối đi phù hợp.

Thạc sĩ Huỳnh Anh Bình - chuyên gia tư vấn hướng nghiệp ĐH Bình Dương cho hay ngoài những áp lực từ gia đình, xã hội và cả dư luận “đẩy” HS vào ĐH thì công tác hướng nghiệp cũng có nhiều hạn chế. Điều này đòi hỏi cần nâng chất lượng thật sự trong hướng nghiệp để các em sớm nhận ra năng lực của mình ngay từ nhỏ. Từ đó, các em sớm có định hướng đúng cho mình để phát triển toàn diện năng lực bản thân với nghề nghiệp.

Thiếu định hướng từ sớm, những lối đi ngoài ĐH còn mơ hồ cùng với những áp lực của xã hội, gia đình còn nặng nề thì việc HS bất chấp để vào ĐH như hiện nay là điều khó tránh khỏi. Cho dù nó có thể kéo theo nhiều bi kịch cho chính bản thân các em.

Hoài Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm