Khi con có kết quả thi kém, phụ huynh nên nói gì, làm gì?

Diệu An

(Dân trí) - "Cuộc đời không có con đường nào là dễ dàng cả, nhưng cơ hội cũng còn rất nhiều cho những người không bỏ cuộc", một phụ huynh nói.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 diễn ra trong sự hồi hộp, có phần lo lắng của nhiều thí sinh và phụ huynh. Đây cũng sẽ là một trong những bước ngoặt lớn, là thử thách giúp các sĩ tử định hướng được nghề nghiệp phù hợp trong tương lai. 

Hãy chấp nhận khả năng thực tế của con 

Thực tế là có nhiều bậc phụ huynh kỳ vọng và áp đặt lên con trẻ những kết quả và trường học họ mong muốn con sẽ theo học. Nếu chẳng may mọi dự định đi chệch hướng thì họ sẽ có những cảm xúc tiêu cực đối với chính con cái họ, thậm chí có những lời lẽ tiêu cực.

Khi con có kết quả thi kém, phụ huynh nên nói gì, làm gì? - 1

Nhiều người cho rằng mình bỏ công sức, tiền bạc nuôi con ăn học thì con phải đạt được những điều như mình mong muốn (Ảnh: Mạnh Quân).

Nhiều cha mẹ sau khi nhận điểm của con vội vàng dự báo trước tương lai thành công hay thất bại của con. Thậm chí, họ còn tiêu cực cho rằng điểm số này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vị trí xã hội, điều kiện cuộc sống, cơ hội sau này của con cái họ. Họ phản ứng gay gắt khiến các sĩ tử xuất hiện những hành vi như khóc lóc, buồn phiền, không ăn, không uống, đi chơi đêm, uống bia rượu để giải sầu, uất ức, sa vào tệ nạn xã hội…

Trước tâm lý của nhiều bậc cha mẹ, chị Nguyễn Thị Hoa (Hà Tĩnh) hiểu rõ và không phản đối việc phụ huynh kỳ vọng vào con mình nhưng để động lực trở thành áp lực là điều không nên. Chị Hoa nêu quan điểm: "Thay vì tiêu cực với con, phụ huynh hãy gửi gắm những mong muốn đó vào lời động viên, an ủi khi điểm số của con không cao. Sử dụng lời chúc mừng khi con đạt được kết quả tốt, động viên và đồng hành cùng con tự tin theo đuổi ước mơ, nguyện vọng của chính mình".

Khi con có kết quả thi kém, phụ huynh nên nói gì, làm gì? - 2

Việc con không đạt được điểm số như mong muốn sẽ bị đánh đồng với vô giá trị, không được tôn trọng, khiến đứa trẻ xấu hổ, mặc cảm (Ảnh: Thanh Tùng).

Chị Hoàng Thị Huyền (SN 1978) cũng có suy nghĩ, bố mẹ không nên đặt quá nhiều kỳ vọng và tạo áp lực lên con cái. Đặc biệt, bố mẹ không nên có suy nghĩ rằng mình nuôi con vất vả, cho con học hành đàng hoàng thì con phải có trách nhiệm phải thực hiện ước mơ của mình. Nếu bố mẹ làm vậy, chẳng may mọi chuyện của con đi lệch hướng thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của con, thậm chí là làm hỏng cả tương lai của con.

Chính những lúc này, bố mẹ hãy là người ở bên cạnh động viên con, dùng sự từng trải của mình để giúp con cảm thấy nhẹ nhõm hơn, để con biết không phải mọi cơ hội đã kết thúc. Con có thể đi theo một hướng khác, có thể làm lại… vì cuộc sống còn tiếp diễn. Dù thế nào, bố mẹ vẫn sẽ luôn bên cạnh và đồng hành cùng con. 

Chọn trường không quan trọng bằng chọn ngành học

Nhận thấy tầm quan trọng của việc chọn ngành, chọn trường ảnh hưởng đến tương lai của con, nhiều phụ huynh đã tham gia vào quá trình tìm hiểu, định hướng và góp ý cho các con. 

Chị Nguyễn Thị Hoa vừa là một người mẹ, vừa là một giáo viên, chị hiểu và đã cùng con tìm kiếm ngành nghề. Chị Hoa cho biết: "Tôi nghĩ rằng phụ huynh nên để các con lựa chọn ngành nghề phù hợp với khả năng và sở thích của con. Phụ huynh có thể giúp con định hướng, xem xét về những ngành nghề mà con chọn. Cân nhắc cụ thể về cả quá trình học tập cũng như cơ hội việc làm sau này". 

Con gái chị Hoa lựa chọn nối bước nghiệp sư phạm của mẹ khiến chị vô cùng hạnh phúc. Mặc dù biết công việc này cũng có rất nhiều khó khăn, thử thách nhưng chị sẽ luôn ở phía sau, ủng hộ, động viên và đồng hành cùng con trên hành trình này.

Khi con có kết quả thi kém, phụ huynh nên nói gì, làm gì? - 3

Con gái chị Hoa lựa chọn trường Đại học Sư phạm Hà Nội là nguyện vọng đầu tiên, với mong muốn tiếp nối nghề giáo của mẹ (Ảnh: NVCC).

Chị Hoàng Thị Huyền cũng chỉ là người định hướng trong việc lựa chọn ngành nghề của con. Sự định hướng đó được dựa trên năng lực, sở thích của con. "Trong quá trình con lựa chọn, nếu cảm thấy các nguyện vọng chưa phù hợp thì tôi sẽ góp ý cho con, hướng dẫn con tham khảo thêm các kênh thông tin từ sách báo, những người quen biết làm trong lĩnh vực đó để con có quyết định sau cùng phù hợp nhất", chị Huyền chia sẻ. 

Cũng giống nhiều bậc phụ huynh khác, chị Nguyễn Thị Ái Vân (Hà Tĩnh) cũng tôn trọng nguyện vọng và năng lực của con. Chị kể: "Bố của con mong muốn con đi một ngành khác là Dược sĩ nhưng sau tất cả, bố mẹ vẫn quyết định ủng hộ nguyện vọng của con là ngành Công nghệ thông tin, bởi đó là lĩnh vực con yêu thích và có khả năng theo đuổi".

Theo chị Vân, việc chọn trường không quan trọng bằng việc chọn ngành học. Con có thể chọn ngành học mà mình yêu thích, sau đó nộp hồ sơ vào các trường có ngành học đó theo thứ tự điểm chuẩn từ cao tới thấp, cơ hội sẽ mở rộng hơn.

Trong suốt quá trình tìm hiểu và lựa chọn cho đến khi kết thúc, những dự tính vẫn sẽ có khả năng thay đổi tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng nếu con theo học khối ngành khác với dự tính, sở trường của mình. 

Chị Hoa tâm sự: "Đồng hành cùng con trong mọi bước đi là điều tất nhiên tôi sẽ làm. Ngoài ra, tôi sẽ cảm thấy lo lắng và thương con nhiều hơn bởi sự thay đổi này đồng nghĩa với việc con phải vất vả hơn một chút, cố gắng hơn một chút để đối mặt với sự thay đổi trong cuộc sống". 

Bố mẹ nên mở lòng chấp nhận những phương án xấu nhất

Tốt nghiệp THPT là một kỳ thi vô cùng quan trọng. Các bậc cha mẹ cũng tạo điều kiện tốt nhất về thời gian, vật chất, động viên tinh thần giúp các sĩ tử ôn thi hiệu quả.

Để đảm bảo sức khỏe của con trong quá trình ôn thi, chị Vân quan tâm hơn tới chế độ ăn uống của con và đảm bảo chế độ dinh dưỡng phù hợp. "Trời nắng nên tôi ưu tiên các món dễ ăn. Trong tủ lạnh thường xuyên có sữa, sữa chua, kem, chè đậu đen mẹ nấu… Tuy nhiên, nếu con thích ăn gì, mẹ để ý và sẽ mua cho con". Nếu con cảm thấy quá căng thẳng, có những biểu hiện tiêu cực thì các bậc phụ huynh có thể cùng con đi xem phim, đi xe đạp, đi dạo…, để con thả lỏng đầu óc. 

Khi con có kết quả thi kém, phụ huynh nên nói gì, làm gì? - 4

Cha mẹ hãy vừa là cha, là mẹ, là thầy và là bạn của con (Ảnh: Hải Long).

Chị Vân động viên con, chứ không tạo áp lực buộc con phải đạt được một điểm số nhất định. Chị và gia đình mong muốn con sẽ có một tâm lý thoải mái, vui vẻ trước kỳ thi. Nếu không đạt được nguyện vọng thì con có thể tiếp tục ôn thi vào năm sau, bởi theo chị, "cuộc đời không có con đường nào là dễ dàng cả, nhưng cơ hội cũng còn rất nhiều cho những người không bỏ cuộc". 

Đồng ý với chị Vân, chị Huyền nói: "Sau kỳ thi, sẽ có hai khả năng xảy ra; con sẽ đạt được nguyện vọng mong muốn hoặc là không đạt được nguyện vọng mong muốn. Trong trường hợp thứ hai, bố mẹ sẽ phải động viên con, phân tích giúp con để thấy được có nhiều con đường để đi đến thành công. Phía trước còn rất nhiều cơ hội chờ đợi con nỗ lực, cố gắng… quan trọng là con có nghị lực hay không thôi". 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm