Khi cha mẹ lười, “gửi” con cho... game

(Dân trí) - Con không ăn, cha mẹ bật game; con khóc, đưa game dỗ; cần rảnh tay, dí điện thoại vào tay con... Nhiều phụ huynh đã từ từ cho con "uống thuốc độc" gây nghiện mang tên game online.

Đi khu vui chơi, trẻ vẫn bận chơi... game

Phải nói, chưa khi nào mà một đứa trẻ lại dễ dàng tiếp cận sớm với game như lúc này, trước hết bởi sự tiếp tay của cha mẹ. Ngay từ lúc trẻ 2 - 3 tuổi, không ít bố mẹ đã dùng điện thoại, game... để cho con ăn.

Nhiều đứa trẻ được mặc định, nếu không được cầm điện thoại bấm bấm vào các trò chơi thì nhất quyết không ăn. Có những đứa trẻ lớn lắm rồi nhưng chỉ việc ngồi bấm game, sẽ có người đút tận miệng.

Ngay từ bé, bằng từ sự hỗ trợ của chính bố mẹ, nhiều đứa trẻ đã mất kết nối với hoạt động cơ bản nhất của con người là ăn uống. 

Khi cha mẹ lười, “gửi” con cho... game - 1

Người mẹ đút cho con gái tầm 5 - 6 tuổi ăn trong quán khi cháu bận... chơi game 

Game trở thành một công cụ nuôi dạy con của nhiều phụ huynh. Không chỉ là những lúc bí bách cần dùng game "giữ chân" con, hay để "mua chuộc" con mà game bị cha mẹ lạm dụng khủng khiếp đến mức, trong mọi hoàn cảnh, bối cảnh, họ đều dễ dãi "hất" game cho con.

Thật khó để lý giải, có những đứa trẻ khi đi công viên, khu vui chơi cùng bố mẹ nhưng... ngay trong bối cảnh này, các em vẫn được bố mẹ đưa điện thoại ngồi một chỗ để bấm game.

Có những gia đình, ngồi chơi trên bãi cỏ, bố mẹ, con cái, mỗi người cầm một điện thoại. Có đứa bé, dù đi khu vui chơi có đủ trò nhưng lại bận ngồi một góc để chơi game trên điện thoại. 

Những đứa trẻ nghiện game đều trải qua hành trình dài tiếp cận, làm quen với game. Các em ở lứa tuổi mới lớn lao vào game phần lớn đều từ việc "thiếu" bố mẹ ngay trong các sinh hoạt hàng ngày.

Nhiều em, sau giờ học chính ở trường, được bố mẹ thuê xe ôm chở đến các lớp học thêm, trở về nhà chỉ có người giúp việc hoặc thui thủi một mình...

Biết bao nhiêu đứa trẻ, khi bước vào nhà, chúng chỉ có game để làm bạn. Bố mẹ con cái không có bữa ăn chung, không trò chuyện, chứ chưa nói đến các hoạt động khác. Thời gian ít ỏi gặp nhau trong ngày, nhiều em chỉ kịp nghe bố mẹ việc nhắc: Lo học đi!

Các chuyên gia nhấn mạnh, nghiện game online như là thuốc độc, tác động tiêu cực toàn diện đến mọi khía cạnh về sức khỏe, tâm lý, tinh thần, nhân cách... Hàng ngày, có khi chính bố mẹ từng bước "tiêm" cho con liều thuốc này vào người bằng sự thờ ơ của mình.

Con nghiện game, lỗi trước nhất ở cha mẹ 

TS.Thiếu tá Lê Hoàng Việt Lâm, Trường ĐH An ninh Nhân dân cho rằng nghiện game chịu sự tác động của nhiều nguyên nhân khác nhau.

Vậy nhưng, gia đình có lỗi lớn nhất trong việc một đứa trẻ nghiện game. Nghiện game luôn có "bước khởi đầu", bước khởi đầu này đều nằm ở phía gia đình từ những việc "tiện tay" rất nhỏ trong sinh hoạt.

Khi cha mẹ lười, “gửi” con cho... game - 2

Những đứa trẻ trải qua một hành trình dài để đi đến chỗ nghiện game.

"Tôi thấy quá nhiều hình ảnh khi con cái không ăn, cách mà nhiều gia đình thường áp dụng là cho trẻ chơi game để ăn; hay để bố mẹ thư thái khi ngồi uống cà phê, không bị trẻ quấy bằng cách giao hẳn điện thoại cho lũ trẻ; khi trẻ khóc, cách nhiều bố mẹ hay dùng là "để bố/mẹ cho con chơi game nhé", TS Lâm kể và cho hay điều này rất phổ biến, đó chính là "bước khởi đầu" với game của một đứa trẻ.

Một chuyên gia tâm lý tại TPHCM kể, nhiều bố mẹ có con nghiện game đến tư vấn... mà bà thấy tội nghiệp các con vô cùng. Phụ huynh có thể vô tình, thiếu kiến thức nhưng rất nhiều người vì "lười" mà... đẩy con cho game. Bố mẹ không chịu chơi, giao lưu, tương tác cùng con.

Một vòng luẩn quẩn những đứa trẻ quen với việc chơi game, không còn thấy niềm vui, sự kết nối trong ngay trong gia đình thì càng lao vào game. Mà khi con đã nghiện game thì khả năng tương tác với bố mẹ lại càng khó khăn hơn.

"Kể cả khi tìm chỗ cầu cứu vì con nghiện game, nhiều bố mẹ vẫn hỏi có cách nào nhanh nhất, có thuốc nào cắt được cơn nghiện game, tốn kém bao nhiêu cũng được. Nhưng nói dành thời gian cho con thì họ không làm được", chuyên gia tâm lý này cho hay.

TS.Thiếu tá Lê Hoàng Việt Lâm cho biết, cách tốt nhất là bố mẹ phải có cách giáo dục, dạy con khoa học, kiểm soát hợp lý và hiệu quả khi con sử dụng điện thoại, chơi trò chơi trực tuyến.

Một số cách như đặt giới hạn thời gian khi cho con chơi game (nếu con vi phạm cần có hướng xử lý thích hợp); cho con đọc những bài báo, xem những clip nói về tác hại của nghiện game; tuyệt đối không sử dụng những hình thức “khen thưởng” bằng việc cho chơi game.

Ngoài ra, tổ chức gia đình phải có sự gắn kết trong các hoạt động, sắp xếp thời gian đưa con đi chơi những địa điểm, trò chơi bổ ích. 

Ông Lâm bộc bạch: "Bản thân cha, mẹ không chơi game hoặc chơi game, sử dụng công nghệ trong thời gian phù hợp để nêu gương cho con.

Đối với game, bố mẹ cần sớm nhận diện những dấu hiệu nghiện game của con để có cách xử lý kịp thời vì để đến lúc nghiện game là một quá trình".

Hoài Nam 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm