Mã số 1507:
Khâm phục ý chí của thủ khoa lớn lên ở nhà bảo trợ
(Dân trí) - Gặp Đỗ Như Thuần trong nhà bảo trợ học sinh nghèo hiếu học Phú Thượng (huyện Phú Vang, gần TP Huế) khi em đang chuẩn bị vào học đại học, chúng tôi mới thấy được tinh thần vượt khó của cậu học trò vừa đỗ thủ khoa Đại học Huế với tổng điểm 28,5.
Từ ngày về thành phố học cấp 2, Thuần phải ở trọ nhờ cùng một người chị họ. Sau hai năm đầu cùng ăn ở, sinh hoạt cùng chị, năm lớp 8 em phải ở một mình do chị ra trường. Xa ba mẹ, tiền nhà chỉ vừa đủ ăn ở, có lúc Thuần phải nhịn đói đi học buổi sáng để dồn mua sách tham khảo thêm. Lớn lên trong nhiều thiếu thốn khi độ tuổi đang phát triển cần phải bồi dưỡng, trông em rất nhỏ so với các bạn cùng trang lứa. Sang năm lớp 9, trong một lần mẹ em đi chùa, may mắn biết được tổ chức từ thiện và họ giới thiệu cho em vào ở nhà bảo trợ học sinh nghèo Phú Thượng (ở xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, gần sát TP Huế).
Thủ khoa nhà nghèo Đỗ Như Thuần.
Được sự giáo dưỡng rất tốt và kỹ càng của các cô ở nhà bảo trợ, dần dà, Thuần bắt đầu như có một mái ấm thứ hai để em yên tâm ăn học. Thi đậu vào lớp 10 chuyên Hóa Trường THPT Chuyên Quốc học, em cố gắng tối đa từng ngày, từng giờ để rèn giũa việc học của mình. Một năm chỉ có cơ hội lên núi thăm mẹ hai lần. Mỗi lần đi rồi phải chia tay mẹ về lại thành phố, Thuần gạt nước mắt, giấu hình ảnh mẹ, giấu nỗi nhớ vào lòng. Rồi cũng phải không ít lần, em cầm điện thoại rồi lại thôi, không dám điện hay nói nhiều vì sợ nỗi nhớ mẹ làm ảnh hưởng việc học.
“Em quyết tâm học giỏi cho mẹ khỏi buồn, thế nhưng chỉ có 2 năm em đạt HS giỏi. Thấy mẹ đau ốm liên miên, bệnh mẹ khó chữa, em ước mơ phải thành bác sĩ để sau này em sẽ tự lực chữa bệnh được cho mẹ, và chữa cho nhiều người nghèo, người bị bệnh nặng không có điều kiện đi khám sức khỏe” - Thuần hồi tưởng về nguồn động lực sống của mình.
Chính sự lòng vượt khó, chăm học ngày đêm đã đem lại thành công cho Thuần.
Thủ khoa Đỗ Như Thuần và cô Tôn Nữ Quỳnh Dương - người mẹ thứ hai của em ở nhà bảo trợ học sinh nghèo hiếu học Phú Thượng.
Từ năm 2007 đến 2010, chỉ có 5 HS giỏi cấp trường (không có HS giỏi cấp thành phố, tỉnh) ở nhà bảo trợ thì từ 2010 đến nay, con số HS giỏi tăng lên vượt bậc. Như năm 2010, có 8 em HS giỏi cấp tỉnh, huyện và 10 HS giỏi cấp trường. Năm 2011 tăng lên 10 em HS giỏi cấp tỉnh, huyện và 15 HS giỏi cấp trường. Đến 2013 vừa qua có 13 HS giỏi cấp tỉnh, huyện và 20 em HS giỏi cấp trường.
Thuần cho biết, “tiền lương của ba mẹ vừa đủ để ăn uống và dành hết để thuốc men chữa bệnh cho mẹ em. Anh của em đang học ở Học viện Hành chính Huế, phải đi làm thêm để có tiền học. Em vài bữa vô đại học là phải đi tìm việc làm thêm như dạy kèm để có kinh phí trang trải vì học y khoa em nghe nói tốn tiền sách vở lắm anh à. Nhưng em lo chưa biết phải ở chỗ mô vì vài ngày nữa em phải rời nhà bảo trợ rồi. Nhà em đang định xin cho em vào chùa ở”.
Đỗ Như Thuần và bạn bè ở Trường THPT Chuyên Quốc học Huế.
Tâm sự trải lòng với chúng tôi, cô Dương cho biết đang đi xin một số chỗ để cho Thuần vào ở trong những năm đại học nhưng chưa có phản hồi. Vì học y khoa đến 6 năm, mà quy chế nhà bảo trợ trẻ em chi dành cho HS cấp 2, 3 - sau Thuần đi sẽ dành chỗ cho những HS nghèo mới thay vào. Nên rất cần và mong sao có nhà nào có tấm lòng thơm thảo cho em vào ở như con cháu sẽ đỡ đần được cho hoàn cảnh em rất nhiều.
“Có một số em mấy năm đầu chưa có chỗ ở, phải đi làm thêm nhiều để có tiền thuê trọ, mua sách nên ảnh hưởng đến việc học, học lực thấp. Sau khi có người nhận đỡ đầu, các em ấy học lực tăng lên rõ rệt. Tính Thuần tốt và hiền lành, chịu khó học, chịu khó làm chắc sẽ giúp thêm cho các nhà được phần nào nếu được cho vào ở”.
Thuần chỉ bài cho các em ở nhà bảo trợ.
Thuần trò chuyện với các em trong nhà bảo trợ.
Tranh thủ mấy phút để ngồi chơi với các em trong nhà bảo trợ. Có mấy đàn em lứa nhỏ gọi: “anh Thuần, anh Thuần chỉ cho em bài toán này với”, thế là Thuần chạy tới tận tình giúp. Những anh chị em lớp trên, ngoài nhiệm vụ học hàng ngày còn là những “gia sư” chỉ bảo lại lớp dưới. Giờ ăn trưa thật vui vẻ với 3 bàn nhỏ, các em đủ lứa tuổi ngồi quây quần, vui vẻ trò chuyện râm ran, kể cả anh chị gắp đồ ăn cho em nhỏ. Tiếng cười nói vang lên cả không gian nhỏ nhưng tràn đầy tình cảm.
Nhà Bảo trợ trẻ em nghèo hiếu học Phú Thượng được thành lập bởi Hội cựu nữ sinh trường Đồng Khánh hoạt động từ năm 2007. Các thành viên tự nguyện đóng góp tiền của cá nhân, vận động bạn bè thành đạt ở phương xa để thuê đất và nhà - hiện là khu nhà của gần 40 em đang sinh sống trong năm nay. Nhà bảo trợ không thuộc nhà nước, không phải thuộc tổ chức phi chính phủ nào nhưng có xin giấy phép và chịu sự quản lý của Sở LĐ,TB&XH tỉnh Thừa Thiên - Huế. Do những thành viên ngày càng lớn tuổi, khó hoạt động năng nổ và thời hạn hoạt động đến năm 2018 là hết nên đến nay, nhà bảo trợ đã không nhận các học sinh mới vào nữa. Trong lứa 7 học sinh với Đỗ Như Thuần đi thi đại học năm nay, em thấp nhất cũng được 13,5 điểm, nhiều em có điểm số cao như em Nguyễn Thị Nhi (trú thôn Hòa Vang, Lộc Bổn, Phú Lộc) chắc chắn đậu 2 trong 3 trường ĐH, CĐ; em Lê Văn Khỏe gần như chắc đậu ĐH… Nhưng Nhi vì khó khăn nên dù muốn học ĐH cũng chỉ mơ tới học CĐ do kinh phí thấp, năm học ngắn. Em Khỏe thì xin cô Dương vào học lớp bánh mỳ ở Hội An chứ không thể tiếp tục học ĐH vì nhà không có tiền. Lý do là vào đó học vừa được chủ lò bao ăn, ở và trả lương sau khi thành nghề. Thật nhiều hoàn cảnh tuy không phải thủ khoa, á khoa nhưng ước mơ nhỏ nhoi chỉ học ĐH thôi cũng quá khó khăn với mấy em chỉ vì nhà quá nghèo... |
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: 1. Mã số 1507: Em Đỗ Như Thuần, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. ĐT: 0935 277 514 2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí. Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã) Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 Email: quynhanai@dantri.com.vn Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau: * Tài khoản VNĐ tại VietComBank: * Tài khoản USD tại VietComBank: Account Number: 045 137 195 6482 Swift Code: BFTVVNVX Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank) * Tài khoản VNĐ tại VietinBank: * Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội * Tài khoản USD tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Swift Code: MSCBVNVX Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK - MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam) 3. Văn phòng đại diện của báo: VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122 VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725 VP HCM: số 39L đường 11 (Miếu Nổi), phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tel: 0866786885 VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269 |