Khai bút đầu xuân: Giáo sư chọn "chữ vàng" để một năm tốt đẹp, may mắn

Huyên Nguyễn

(Dân trí) - Nét bút đầu tiên trong năm mới Giáp Thìn 2024 thể hiện cho tâm nguyện, kỳ vọng của người khai bút với mong muốn sự nghiệp hanh thông, tân xuân như ý.

Khai bút đầu xuân: Giáo sư chọn chữ vàng để một năm tốt đẹp, may mắn - 1

Khai bút đầu năm trở thành một nét đẹp văn hóa dân tộc (Ảnh: Trang Thu).

Với người Việt, khai bút đầu năm là nghi thức để khởi đầu một năm mới thuận lợi, sự nghiệp hanh thông, mọi điều may mắn, thi cử đỗ đạt và thể hiện sự coi trọng việc học của mỗi người.

Chính vì thế, chọn nội dung và ngày đẹp, giờ tốt để khai bút đầu năm rất quan trọng.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, nhà văn hóa học, cho biết ông rất tâm đắc với hai chữ "Bản lĩnh" và sẽ chọn chữ này để khai bút đầu xuân Giáp Thìn 2024.

Theo giáo sư, con người Việt Nam rất cần bản lĩnh riêng. Lâu nay, chúng ta đang phát huy tốt bản lĩnh tập thể, tính cộng đồng làng xã, những người quen biết, gắn kết với nhau, song, đứng dưới góc độ cá nhân lại phai nhòa.  

Khi xã hội ngày một hội nhập, cuộc sống càng năng động, con người phải di chuyển chứ không ở một chỗ bó hẹp trong làng xã hay quy mô nhỏ nữa, vì thế, bản thân mỗi người phải bản lĩnh trong mọi hoàn cảnh.

Khai bút đầu xuân: Giáo sư chọn chữ vàng để một năm tốt đẹp, may mắn - 2

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm (Ảnh: Huyên Nguyễn).

"Mỗi cá nhân cần sẵn sàng cộng tác với những người khác trên cơ sở lợi ích chung của một xã hội rộng lớn. Mỗi người có bản lĩnh cá nhân thì xã hội mới mạnh. Chúng ta không thể chỉ có bản lĩnh tập thể, đứng cùng mọi người, nói cùng mọi người thì rất mạnh miệng nhưng khi đứng một mình, cần nói ý kiến cá nhân lại lấm lép, nhìn trước nhìn sau", GS Trần Ngọc Thêm lý giải.

Với thói quen làm việc hàng ngày, GS Trần Ngọc Thêm cho biết sẽ khai bút ngay vào sáng mùng Một.

Chọn thời khắc sang canh, sau Giao thừa, PGS.TS Phạm Thị Phương Thái, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên yêu thích chữ "Hòa" (chữ Hán: 和).

Khai bút đầu xuân: Giáo sư chọn chữ vàng để một năm tốt đẹp, may mắn - 3

Chữ "Hòa" được PGS.TS Phạm Thị Phương Thái, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên chọn để khai bút đầu xuân Giáp Thìn (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Với cô Phương Thái, chữ "Hòa" thể hiện sự hài hòa, cân bình giữa âm - dương. Triết học phương Đông trọng chữ "Hòa", đó là sự cân bình, hài hòa trong trời đất, vũ trụ, trong mối quan hệ giữa con người với con người, trong gia đình, đồng nghiệp, xã hội, cộng đồng.

Hòa là cơ sở cho sự phát triển và các cụ xưa vẫn dạy "dĩ hòa vi quý"… Trong phạm vi gia đình, đồng nghiệp, nếu bất hòa thì con người sẽ khó có cảm hứng sáng tạo, cống hiến, đoàn kết, phát triển. Nhìn rộng hơn đối với xã hội, nhân loại, nếu bất hòa, sẽ có thể dẫn đến xung đột, chiến tranh, kéo lùi sự tiến bộ, phát triển.

Khai bút đầu xuân: Giáo sư chọn chữ vàng để một năm tốt đẹp, may mắn - 4

PGS.TS Phạm Thị Phương Thái, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học chọn chữ "Hòa" mở đầu cho một năm mới (Ảnh: NVCC).

Chọn chữ "An" cho đầu xuân năm mới, PGS.TS Thái Bá Cần, Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định, quan niệm rằng trong một thế giới đầy biến động hiện nay con người rất cần một sự an lành.  

"Trải qua một khoảng thời gian bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, thiên tai, xung đột..., con người mong muốn yên ổn. Chữ "An" còn gắn với một loạt những từ ngữ như an lành, an khang, an bình, an lạc, an tâm, an quốc, an dân… Chữ "An" cũng là cái gốc của sự phát triển", PGS.TS Thái Bá Cần chia sẻ.

Chữ "An" trong  bản thân mỗi người mang ý niệm không giành giật, tranh chấp, hơn thua, mâu thuẫn…, "tâm an vạn sự an".

Khai bút đầu xuân: Giáo sư chọn chữ vàng để một năm tốt đẹp, may mắn - 5

PGS.TS Thái Bá Cần, Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Đặc biệt, trong chữ An (chữ Hán: 安) còn thể hiện sự an vui, yên ổn trong gia đình và đó chính là điểm tựa, là gốc rễ cho mỗi con người.

"Gốc rễ gia đình cũng phương châm đón tiếp sinh viên của Trường Đại học Gia Định khi: "Vào Gia Định là về Gia đình. Vì Gia đình ta là Gia Định", PGS.TS Thái Bá Cần nói.

Cô giáo Nguyễn Thu Trang, giáo viên môn ngữ văn, bậc THPT tại TPHCM, cho biết sẽ khai bút với chữ "Đức".

"Đạo đức là gốc rễ của mọi yêu thương, nhân ái, bao dung và lòng trắc ẩn! Đặc biệt với nghề giáo, mỗi thầy cô phải luôn tự rèn giũa nhân cách, tri thức thì mới yêu thương và dạy dỗ được học trò! Trong chữ "Đức", có chữ "Nhân" và chữ "Tâm", cô giáo Thu Trang chia sẻ.

Với phong tục tốt đẹp, người Việt tin rằng, khai bút đầu năm, viết ra những điều mong muốn sẽ mang lại nhiều may mắn trong năm mới. Bởi khai bút là khai chữ, khai trí, khai tâm, khai nghiệp, khai nghề.