Khắc phục tình trạng giáo dục “mọi bệnh nhân uống cùng một loại thuốc”

(Dân trí) - “Trong giáo dục hiện nay còn có tình trạng “mọi bệnh nhân uống cùng một loại thuốc”. Để thực hiện chương trình mới, cần phải phải hướng tới mỗi “bệnh nhân” có cách điều trị khác nhau, có đơn thuốc khác nhau”.

Trên đây là nhận xét của GS Đinh Quang Báo, Phó Giám đốc Kỹ thuật Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (RGEP) tại buổi tập huấn, bồi dưỡng về thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới cho đội ngũ giảng viên các trường Sư phạm chủ chốt, được Bộ GD&ĐT tổ chức từ ngày 1-3/8.

Mỗi “bệnh nhân” cần đơn thuốc khác nhau

Đợt tập huấn này được tổ chức ở các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Huế, Hà Nội, Thái Nguyên, Vinh, TPHCM là nơi có các trường ĐH Sư phạm chủ chốt.

Trong 3 ngày tập huấn, học viên được các báo cáo viên bồi dưỡng các nội dung: Tìm hiểu và hướng dẫn thực hiện chương trình tổng thể và các chương trình môn học; Hoạt động giáo dục, điều kiện tổ chức thực hiện GDPT mới; Phát triển nội dung, tài liệu, phương thức bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình GDPT mới...

Được biết, Bộ GD&ĐT tổ chức đợt tập huấn này nhằm bồi dưỡng nhân sự tham gia phát triển tài liệu và bồi dưỡng giáo viên phổ thông, nâng cao năng lực thực hiện chương trình GDPT mới. Học viên tham gia tập huấn về thực hiện chương trình GDPT mới là 700 giảng viên các trường đại học Sư phạm chủ chốt trên cả nước.

Khắc phục tình trạng giáo dục “mọi bệnh nhân uống cùng một loại thuốc” - 1

Giám đốc Dự án Nguyễn Xuân Thành phân tích các tiêu chuẩn, quy trình biên soạn SGK cũng như những điểm mới của Chương trình Giáo dục phổ thông.

Theo GS. Đinh Quang Báo, chương trình GDPT 2018 được thiết kế theo logic sơ đồ ngược: từ mục tiêu xác định chuẩn đầu ra năng lực, từ đó xác định nội dung, phương pháp, kiểm tra đánh giá,... Việc chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực, nghĩa là phải tổ chức để học sinh làm được gì, chứ không phải phải nắm được những nội dung gì. Nói cách khác, giáo dục tiếp cận năng lực lấy năng lực làm mục tiêu, nội dung là nguyên liệu, là phương tiện để hình thành năng lực.

Về giáo dục tích hợp, GS. Báo nhận định: “Trước đây quan niệm tích hợp chỉ là phương pháp dạy học, điều này không sai nhưng chưa đủ. Giáo dục tiếp cận năng lực có giáo dục tích hợp là phương cách duy nhất để đạt đến năng lực cho học sinh. Tích hợp kết nối ở các phạm vi, mức độ khác nhau, mức độ cao nhất tạo thành môn học mới”.

Với một số môn học mới ở cấp tiểu học như môn Khoa học tự nhiên, GS Báo cũng cho rằng: “Phải khẳng định rằng giáo viên hiện nay đã dạy được môn này, họ chỉ cần được bồi dưỡng thêm để có khả năng tốt hơn trong phối hợp các thành phần của môn học. Nếu đào tạo theo chương trình mới, chắc chắn giáo viên sẽ có trình độ cao hơn hiện nay”.

Giáo sư cũng đưa ra so sánh hóm hỉnh về dạy học phân hóa: “Trong giáo dục hiện nay còn có tình trạng “mọi bệnh nhân uống cùng một loại thuốc”. Để thực hiện chương trình mới, cần phải phải hướng tới mỗi “bệnh nhân” có cách điều trị khác nhau, có đơn thuốc khác nhau,… nghĩa là dạy học cần lưu ý đến tố chất, đặc điểm cũng như mỗi cách học của từng học sinh”.

CTGDPT không chỉ đổi mới tên gọi

Được biết, trước khi tham gia bồi dưỡng tập trung, học viên tự học qua hệ thống đào tạo trực tuyến 3 ngày. Sau đó, học viên tham gia học tập trung 3 ngày với các nội dung: Tìm hiểu và hướng dẫn thực hiện chương trình tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình GDPT 2018; Điều kiện tổ chức thực hiện GDPT 2018...

Kết thúc đợt tập huấn, mỗi trường tham gia tổ chức tập huấn sẽ chọn từ 2 đến 3 giảng viên sư phạm chủ chốt của mỗi môn học để tham gia tập huấn dạy và học các chương trình bồi dưỡng thường xuyên tiếp cận theo năng lực.

Khắc phục tình trạng giáo dục “mọi bệnh nhân uống cùng một loại thuốc” - 2

Chương trình giáo dục phổ thông mới không chỉ thay đổi tên gọi mà đổi mới cả mục tiêu giáo dục. 

Hiểu được nỗi băn khoăn của nhiều giáo viên, Giám đốc Dự án Nguyễn Xuân Thành đã phân tích các tiêu chuẩn, quy trình biên soạn SGK cũng như những điểm mới của chương trình GDPT.

Chẳng hạn như đối với chương trình bậc Tiểu học trong Chương trình GDPT mới, ngoài sự thay đổi ở tên gọi một số môn, mục tiêu của Chương trình cũng có cách thể hiện khác.

Khác với mục tiêu chương trình Tiểu học trong chương trình hiện hành là để học sinh tiếp tục học lên cấp THCS, thì trong chương trình GDPT 2018, mục tiêu của chương trình Tiểu học gắn liền với phát triển năng lực, thực hiện các nhiệm vụ, giải quyết các vấn trong cuộc sống.

Một số môn ở Tiểu học trước đây vẫn có, như Tiếng Dân tộc, Ngoại ngữ 2; nhưng riêng Tiểu học có điểm mới là ở các vùng thuận lợi, học sinh sẽ làm quen với tiếng Anh từ lớp 1 và lớp 2…

Ngay sau đợt tập huấn này, từ ngày 6-10/8, Bộ GD&ĐT tiếp tục tổ chức Hội thảo tập huấn “Dạy và học các chương trình bồi dưỡng thường xuyên tiếp cận theo năng lực” cho 400 học viên, với mục đích bồi dưỡng giảng viên sư phạm, giảng viên quản lý giáo dục chủ chốt về tài liệu hướng dẫn thực hiện chương trình tổng thể và chương trình các môn học/hoạt động giáo dục theo môn học để triển khai bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán nâng cao năng lực thực hiện chương trình GDPT 2018; đồng thời bồi dưỡng giảng viên sư phạm, giảng viên quản lý giáo dục chủ chốt về hoạt động dạy học, kiểm tra đánh giá kết quả người học.

M. Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm