Chương trình phổ thông mới môn tiếng Anh: Học sinh phải tự học nhiều hơn
(Dân trí) - Môn tiếng Anh trong chương trình GD phổ thông mới, yêu cầu học sinh "học đến đâu, thực hành đến đó", ứng dụng ngay vào các tình huống giao tiếp hàng ngày ở trường và ở nhà.
Chương trình vừa đủ
Theo một số giáo viên, có nhiều nguyên nhân nhưng điểm hạn chế dạy/học Ngoại ngữ nói chung và môn tiếng Anh nói riêng trong nhà trường hiện nay: Do sĩ số quá đông, chương trình quá dài với nhiều kiến thức ngữ pháp hàn lâm, trong khi thời lượng 3 tiết/tuần là quá ít.
Chính điều đó, khiến giáo viên không thể tương tác với học sinh, học sinh không được tương tác với nhau nên môn học này đang được đào tạo “chết” trong nhà trường, thiếu tính trao đổi.
Trả lời PV báo Dân trí, ông Nguyễn Xuân Thành - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết, trong Chương trình Phổ thông mới, môn tiếng Anh sẽ được thực hiện theo lộ trình: Với lớp 1 từ năm học 2020-2021; đối với lớp 2 và lớp 6 từ năm học 2021-2022; đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10 từ năm học 2022-2023; đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11 từ năm học 2023-2024; đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12 từ năm học 2024-2025.
Đối với học sinh đang học Chương trình tiếng Anh thí điểm hệ 10 năm theo Đề án Ngoại ngữ quốc gia, sẽ thực hiện được đúng theo lộ trình này.
Đối với các lớp của cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông chưa thực hiện được môn Ngoại ngữ theo lộ trình này, sẽ tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 5 tháng 5 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Chương trình giáo dục phổ thông đến hết lớp 12.
Theo ông Thành, mục tiêu của chương trình học là hình thành và phát triển năng lực đặc thù của môn học là năng lực giao tiếp. Chương trình này giúp người học phát triển đồng đều kỹ năng ngôn ngữ nghe, nói, đọc, viết, và kiến thức ngôn ngữ, ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp.
Trước những băn khoăn của giáo viên về Chương trình và SGK môn Tiếng Anh hiện còn nặng kiến thức hàn lâm và ngữ pháp, ông Thành cho hay, ngữ pháp, từ vựng và các chủ đề trong chương trình môn tiếng Anh mới sẽ được lựa chọn sao cho phù hợp thực tiễn. Từ đó, học sinh dễ vận dụng vào các tình huống trong học tập các môn học khác và trong cuộc sống.
“Do định hướng phát triển năng lực nên nội dung, kiến thức được lựa chọn đưa vào chương trình sgk phải vừa đủ, gắn liền với ứng dụng trong thực tiễn cuộc sống để bảo đảm thực hiện hiệu quả các phương pháp dạy học, tăng cường hoạt động học tích cực, tự lực của học sinh”, ông Thành cho hay.
Tùy vào điều kiện thực tiễn, giáo viên có thể sử dụng các loại phương tiện và học liệu khác nhau để tổ chức hoạt động học cho học sinh, trong đó cần tăng cường hướng dẫn học sinh tự nghiên cứu sách giáo khoa để tiếp nhận và vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
Học sinh phải tự học nhiều hơn?
Trả lời câu hỏi, hiện nhiều gia đình phải đưa con đi học thêm ở các trung tâm vì chương trình tiếng Anh ở nhà trường không đáp ứng nổi, ông Thành cho hay, chương trình tiếng Anh hiện hành là chương trình 7 năm với thời lượng học 3 tiết/tuần, bắt đầu từ lớp 6 đến lớp 12.
Tổng thời lượng môn tiếng Anh trong toàn bộ chương trình chỉ có 700 tiết là quá ít; đồng thời tới lớp 6 học sinh bắt đầu được học tiếng Anh. Đó chính là hạn chế khiến cho năng lực tiếng Anh của học sinh học theo chương trình hiện hành còn hạn chế, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu trong học tập và giáo tiếp.
Quan trọng của việc học tiếng Anh là "học" đến đâu, "hành" đến đấy (Ảnh minh họa)
Thêm vào đó, việc tích hợp, lồng ghép nội dung các môn học khác vào môn tiếng Anh cũng chưa được chú trọng, khiến cho cơ hội thực hành của học sinh ngay trong quá trình học tập còn hạn chế.
Do đó, so với chương trình hiện hành, ông Thành cho rằng, với nội dung, kiến thức đưa vào sao cho vừa đủ và gắn với thực tiễn, các bài học tiếng Anh trong Chương trình mới tạo thuận lợi cho học sinh trong việc ứng dụng vào các tình huống giao tiếp hàng ngày ở trường và ở nhà.
Đó là kênh kết nối quan trọng để “học đến đâu, thực hành đến đó”, giúp cho trình độ tiếng Anh của học sinh phát triển tốt.
Ngoài ra, để triển khai chương trình mới, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức bồi dưỡng giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông đã ban hành.
Tăng cường năng lực cho giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh.
Việc bồi dưỡng sẽ được thực hiện theo phương thức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến, bảo đảm cho giáo viên và học sinh trên mọi miền của đất nước đều được bình đẳng trong tiếp cận nguồn học liệu tiếng Anh, khuyến khích giáo viên, phụ huynh cùng học sinh học ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh.
Ông Thành kì vọng, với một chương trình mang tính thực tiễn cao, việc dạy học được thực hiện theo phương pháp tăng cường hoạt động học và vận dụng kiến thức vào thực tiễn, học sinh tốt nghiệp phổ thông sẽ đạt được năng lực Tiếng Anh bậc 3 theo khung năng lực 6 bậc.
Vẫn có tình trạng đóng tiền học thêm ở trung tâm Ngoại ngữ
“Nhiều gia đình đổ tiền cho con đi học tiếng Anh ở trung tâm vì học ở trường không đủ và không đúng chuẩn.
Theo tôi, kể cả ở chương trình phổ thông mới, cũng khó có thể giải quyết hết được những bất cập này nên để đẩy đủ hơn, tôi nghĩ vẫn có tình trạng các gia đình đóng tiền học thêm bên ngoài để đạt hiệu quả”.
(Ông Nguyễn Quốc Bình, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, Hiệu trưởng Trường THCS& THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội)
Mỹ Hà