Vẫn còn tư duy dạy theo “sách giáo khoa trước mặt”
(Dân trí) - “Cách dạy hiện nay vẫn còn tư duy dạy theo "sách giáo khoa trước mặt", cách này không cần thiết so với tình hình hiện nay nữa. Vì yêu cầu của chương trình mới, giáo viên phải phân tích được chương trình, phải huy động vốn tự có để triển khai”.
Trên đây là ý kiến của GS. TSKH Đỗ Đức Thái, thành viên Ban phát triển Chương trình Giáo dục phổ thông, Chủ biên Chương trình môn Toán, tại hội thảo “Thực hiện hiệu quả công tác bồi dưỡng giáo viên tiểu học đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới”, do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức ngày 8/6.
Nhiều nơi tỉ lệ giáo viên tin học là số 0
TS Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) chia sẻ, trong Chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục tiểu học là cấp học nền tảng, là tiền đề cơ sở cho các cấp học tiếp theo. Đây là một cấp học có vị trí quan trọng, là nền móng giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh.
Chính vì thế, bồi dưỡng cho các cán bộ quản lí và giáo viên tiểu học trên toàn quốc để đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông cần được tổ chức triển khai bài bản, hiệu quả.
Quyền Vụ trưởng cho hay, toàn quốc hiện có khoảng 400.000 giáo viên tiểu học. Tỷ lệ giáo viên trên lớp bình quân cả nước đạt 1,42.
Trong đó, số giáo viên chưa vào biên chế chiếm 15%, rơi vào nhóm dạy môn chuyên như Tin học, Tiếng Anh, Âm nhạc và Mỹ thuật.
"Hiện tại một số địa phương, giáo viên môn Tin học có thể nói là con số 0; môn Tiếng Anh vô cùng thấp; môn Âm nhạc, Mỹ thuật gặp nhiều bất cập.
Điều đáng nói, ở môn Âm nhạc, Mỹ thuật, giáo viên không được đào tạo cho cấp tiểu học. Giáo viên đang dạy các môn này ở bậc tiểu học được đào tạo từ trường đại học sư phạm để giảng dạy cho cấp cao hơn.
Do nhu cầu và điều kiện thực tế, họ chọn dạy ở trường tiểu học. Nhiều người trong số đó có thể rất giỏi kiến thức chuyên môn, nhưng thiếu nghiệp vụ sư phạm, thiếu hiểu biết về tâm lý lứa tuổi”, ông Tài nói.
Về điều này, đại biểu đến từ Sở GD&ĐT Khánh Hoà cho biết thêm, đơn vị này cũng khó khăn ở mảng giáo viên bộ môn Tiếng Anh và Tin học.
“Hiện tỉ lệ giáo viên trên lớp của chúng tôi khoảng 1,7- 1,8 mới đủ chứ tỉ lệ 1,5 chỉ đủ dạy 2 tiết/tuần”, đại biểu này cho biết.
Ông Nguyễn Thúc Sinh, Phó Trưởng phòng phụ trách Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Phú Thọ chia sẻ: “Phú Thọ đang thiếu giáo viên để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt là giáo viên tiếng Anh và Tin học. Giáo viên tiểu học mới chỉ chủ yếu dạy kiến thức đang có ở sách giáo khoa.
Cấp quản lý như hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn…, chỉ mới kiểm tra việc đánh giá giáo viên thông qua việc dạy có hết bài hay không, chưa có động thái kiểm tra dạy phát triển năng lực”.
Giáo viên vẫn dạy theo tư duy “SGK trước mặt”
Tại hội thảo, ngoài các vấn đề về tỷ lệ giáo viên, biên soạn SGK…, 3 vấn đề thu hút nhiều ý kiến đóng góp là tài liệu hướng dẫn Chương trình phổ thông mới, cách thức tập huấn hiệu quả và các vấn đề triển khai sau tập huấn.
GS.TSKH Đỗ Đức Thái cho rằng, để tập huấn cho giáo viên hiệu quả, phải có 2 chiều. Đó là, người nói nói cái gì đến giáo viên là hiệu quả, và chiều ngược lại, người giáo viên tiểu học muốn được nghe cái gì.
"Nếu tôi là người đi tập huấn giáo viên tiểu học về môn Toán, tôi muốn nói đến họ cái gì và nói cái gì tôi cho là hiệu quả. Vì buổi tập huấn không dài.
Việc đầu tiên tôi nói cho họ nghe về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, "ngôi nhà chung" giáo dục phổ thông sau 2020, ý tưởng, triết lý là gì, quan trọng nhất là gì… Sau nội dung này, mới nói về những “căn phòng riêng” là môn Toán.
Tôi rất sợ các thầy trong tập huấn kẻ hai bảng, cột 1 là lớp 1, lớp 6 hiện hành; cột 2 là chương trình phổ thông mới.
Theo đó, các thầy thấy bên tay trái là chương trình thế này, chỗ này thế kia, chỗ kia thêm vào... Tập huấn như thế, chúng ta đã giết chết chương trình Toán từ trong trứng”, GS Thái nói.
Hiện nhiều giáo viên giảng dạy theo tư duy "sách giáo khoa trước mặt" (Ảnh: Minh hoạ).
Cũng theo chuyên gia này, vấn đề không phải nội dung, ko phải chỗ thò ra thụt vào mà là vấn đề chương trình đã được thiết kế theo một ý tưởng khác và giáo viên phải thấy rõ ý tưởng thiết kế.
Qua đợt tập huấn ở Hà Nội vừa qua ông nhận thấy, đội ngũ giáo viên không phải quá kém về vốn hiểu biết trong đầu và kỹ năng dạy học, họ kém hiểu biết về chương trình giáo dục phổ thông mới.
“Cái mà giáo viên muốn nghe là những vấn đề chung về chương trình mới về môn Toán, đặc biệt là bậc tiểu học. Nhưng cách dạy hiện nay vẫn còn tư duy dạy theo "sách giáo khoa trước mặt", cách này không cần thiết so với tình hình hiện nay nữa. Vì yêu cầu của chương trình mới, giáo viên phải phân tích được chương trình, phải huy động vốn tự có để triển khai”, GS Thái cho hay.
Về tài liệu, Trưởng Phòng GD Tiểu học, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh đề nghị, tài liệu bồi dưỡng cho giáo viên phải được thiết kế qua các hoạt động. Việc bồi dưỡng giáo viên không chỉ dừng lại từng đợt mà phải cả quá trình.
Lý giải thêm, GS Nguyễn Minh Thuyết cho hay, hiện nay Bộ đã giao cho một số trường đại học sư phạm trọng điểm, trong đó có ĐH Sư phạm Hà Nội chủ trì xây dựng chương trình bồi dưỡng giáo viên. Ban soạn thảo chương trình cùng với trường ĐH Sư phạm Hà Nội triển khai nhiệm vụ biên soạn tài liệu tập huấn.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cũng khẳng định, trong công tác bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý lần này, ngoài việc bồi dưỡng trực tiếp, cần tăng cường các hình thức bồi dưỡng khác như bồi dưỡng trực tuyến, bồi dưỡng qua mạng.
Về tài liệu phục vụ tập huấn, bồi dưỡng giáo viên thực hiện Chương trình, theo Thứ trưởng, hiện nay Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đang nhận một nhiệm vụ quan trọng mà Bộ giao. Đó là chủ trì biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn thực hiện các Chương trình môn học/hoạt động giáo dục phục vụ cho công tác tập huấn.
Mỹ Hà