Israel: Gian nan tiến trình cải cách giáo dục

Theo các lãnh đạo hiệp hội giáo viên, chính quyền địa phương, một số phụ huynh và giáo viên, cùng dữ liệu của Bộ Giáo dục, việc thực hiện cải cách bước đầu trong ngành giáo dục cách xa những lời hứa màu hồng mà Bộ trưởng Bộ giáo dục Limor Livnat đưa ra hồi đầu năm nay...

Vào tháng Giêng năm ngoái, Bộ trưởng Livnat lần đầu tiên giới thiệu chương trình thay đổi giáo dục và hành chính trên diện rộng mà sẽ là nền tảng cách mạng hoá hệ thống giáo dục. Tuy nhiên cải cách là chuyện không đơn giản. Sau 8 tháng đàm phán gay go với 2 hiệp hội giáo viên, Bộ giáo dục Israel đã tránh được một năm học bị trì hoãn chỉ trước ngày khai giảng (vào tháng 9 năm nay) vài ngày sau khi chấp nhận một bước lùi. Cải cách Dovrat - được đặt tên sau khi thương nhân Shlomo Dovrat được Bộ giáo dục chỉ định chủ tịch uỷ ban cải cách năm 2003 - đã chuyển thành một chương trình thí điểm tại 35 đô thị tự trị và theo cách nói giữ thể diện của Livnat thì đó là “việc thực hiện giai đoạn 1 của cải cách”.

 

3 tháng sau sau khi khởi động thí điểm, thực tế cho thấy còn lâu việc thí điểm mới chuyển thành cải cách toàn quốc được. Một trong những yếu tố quyết định của Cải cách Dovrat và cũng là một trong những điểm bất đồng chính giữa Bộ Giáo dục và hiệp hội giáo viên, là chuyển sang tuần học 5 ngày và ngày học 8 tiếng. Sự chuyển đổi này là một trong những phần chính của cải cách trong giai đoạn một đã được tiến hành. Tuy nhiên có rất ít thay đổi trong hạ tầng trường học đáp ứng cho sự chuyển đổi trên.

 

Theo kế hoạch cải cách, sẽ phải xây dựng các “trạm làm việc” vi tính hoá cho giáo viên để họ có thể chuẩn bị giáo án hoặc xây dựng đề kiểm tra thay vì làm ở nhà, các nhà vệ sinh công cộng ở trường cũng phải được xây thêm vì học sinh phải lưu lại trường nhiều hơn. Tuy nhiên theo số liệu của Bộ giáo dục, chỉ có 11 trong 35 khu vực tham gia trong giai đoạn 1 cải cách mới nhúc nhắc tiến hành thay đổi về mặt cấu trúc này. “Không có lời hứa nào về nâng cấp chất lượng giáo viên và học sinh trở thành sự thực – một giáo viên ở một trường tham gia cải cách nói – Họ đã tô vẽ viễn cảnh một máy tính cho 2 giáo viên trong khi hiện ở trường tôi vẫn là 1 máy tính cho 40 giáo viên”. Cũng ở ngôi trường này, 500 học sinh phải sử dụng 10 phòng tắm chung trong 8 tiếng đồng hồ.

 

Theo Hiệp hội chính quyền các địa phương thì việc xây dựng hạ tầng cho cải cách này sẽ chỉ được khởi động thực sự vào tháng Giêng 2006, khi mà 4 tháng học đã trôi qua. Shmuel Har-Noy, chủ tịch cơ quan thực hiện cải cách Bộ giáo dục thì cho rằng việc chậm trễ trên là thuộc trách nhiệm địa phương và rằng sự tiến triển cải cách nhanh hay chậm là phụ thuộc nhiều vào tâm nguyện của chính quyền địa phương những nơi thí điểm cải cách.

 

Đáp lại ý kiến trên, tiếng nói từ địa phương qui trách nhiệm lên vai Bộ giáo dục. Theo họ, ngân sách cho cải cách hạ tầng trường học “là quá thấp để cho phép xây dựng theo các tiêu chuẩn 2005” và ngân sách cải cách cần phải tăng gần gấp đôi.

 

Về cấu trúc ngày học 8 tiếng mới, phụ huynh và giáo viên đã kêu ca rằng trẻ mệt mỏi khó tập trung vì thời gian ở trường quá dài, trẻ cũng vẫn bị giao bài tập về nhà.

 

Một đặc điểm quan trọng khác của giai đoạn khởi đầu cải cách là tách các tiết học khoa học, số học và tiếng Do thái cổ ở lớp 1 và lớp 2 thành 2 nhóm được dạy bởi 2 giáo viên khác nhau. Điều trớ trêu là điều kiện để tiến hành việc tách lớp này là phải có phòng học riêng thì lại chưa có và thực tế biến thành kiểu cải cách nửa vời lợi bất cập hại. Chính Bộ giáo dục thừa nhận rằng ước tính có một nửa trong tổng số lớp 1 và 2 tham gia thí điểm, trẻ học theo nhóm riêng nhưng vẫn ngồi cùng trong một lớp. Trong điều kiện này, rất khó để trẻ em tiếp thu được khi mà 2 giáo viên cùng lên lớp trong một căn phòng. Một số trường “chữa cháy” bằng cách tách nửa lớp ra học ngoài hành lang.

 

Bữa trưa nóng hổi trong trường học, một đặc trưng quan trọng khác trong giai đoạn cải cách thứ nhất chỉ có trong trường học nhiều tuần, thậm chí vài tháng sau khi năm học bắt đầu. Hiện tại, theo dữ liệu của Bộ giáo dục, chỉ 2/3 khu vực tham gia cải cách thực hiện đầy đủ việc này, số còn lại mới chỉ thực hiện được một phần. Bữa trưa này đã khiến không ít giáo viên phàn nàn rằng học sinh phải ăn ngay trên bàn học, đặc biệt ở các khối lớp 1 và 2, giáo viên trở thành bảo mẫu, họ phải soạn đồ ăn, cho học sinh ăn và dọn dẹp. Đó là chưa kể những lời phàn nàn về chất lượng thực phẩm, rất ít thực phẩm tươi mà đa số được chế biến sẵn mất sự tươi ngon.

 

Về phía Bộ giáo dục vẫn bảo vệ quan điểm rằng mặc dầu tiến trình cải cách chậm nhưng trong xu thế làm thay đổi diện mạo giáo dục và đang từng bước đặt nền móng cho những cải cách sâu rộng hơn.

 

Theo Bảo Chi

Giáo Dục Thời Đại/Jerusalem Post