Bạn đọc viết:

Hướng đi nào cho trường cao đẳng sư phạm địa phương?

(Dân trí) - Trường sư phạm là "máy cái" của giáo dục vì thế sau khi các trường cao đẳng nghể, dạy nghề chuyển về Bộ LĐ-TB-XH quản lý, Bộ GD-ĐT chỉ còn quản lý các trường cao đẳng sư phạm (CĐSP). Tuy nhiên các trường CĐSP địa phương phần lớn lại trực thuộc Sở GD-ĐT.

Trường CĐSP trực thuộc Sở GD-ĐT có thuận lợi trong việc quản lý con người, quản lý ngân sách, Sở GD-ĐT có quyền chỉ định Hiệu trưởng, can thiệp vào việc bổ nhiệm các trưởng phòng chức năng, và điều động giáo viên (GV) CĐ chuyển về dạy bậc phổ thông (PT), chuyển GV ở bậc trung học về dạy ở CĐ.

Tuy nhiên, theo tôi, Trường CĐSP trực thuộc Sở GD-ĐT có nhiều bất cập.

Bất cập thứ nhất: Do siết chặt biên chế, Sở GD-ĐT quy định trường CĐSP không được tuyển mới GV nhưng phải nhận GV trung học do Sở điều động về mà không cần ý kiến của trường CĐ xem có phù hợp với yêu cầu chuyên môn hay không.

Bất cập thứ hai là: Trường CĐSP đào tạo có chức năng đào tạo GV mầm non, tiểu học, THCS và bồi dưỡng nghiệp vụ Quản lý giáo dục cho hiệu trưởng trường mầm non (MN), tiểu học, THCS nhưng trường SP lại ít hoặc không được Sở GD-ĐT xem như một chủ thể trong việc cập nhật, bồi dưỡng việc đổi mới chương trình, phương pháp dạy học ở trường MN và PT, vì thế trường SP đứng ngoài cuộc trong việc đổi mới GD ở MN và PT. Tình hình này có thể cải thiện và phụ thuộc vào mối quan hệ của lãnh đạo nhà trường với lãnh đạo Sở GD-ĐT và các phòng chức năng của Sở.

Bất cập thứ ba là sự chỉ đạo kế hoạch năm học của Sở. Sở GD-ĐT xem trường CĐSP như một trường THPT trực thuộc Sở nên Sở GD-ĐT chỉ đạo trường CĐSP khai giảng, kết thúc năm học, thi HK, kế hoạch xét thi đua v.v... trong khi đó trường CĐSP thuộc hệ thống trường Đại học theo Luật Giáo dục và chịu sự chỉ đạo kế hoạch đào tạo của Vụ Đại học Bộ GD-ĐT. Vì vậy trường CĐ không xét thi đua cho CB-GV vào cuối tháng 3 thì mất quyền lợi, trong khi đó tháng 6-7 trường CĐ mới kết thúc năm học.

Bất cập thứ tư là khi trường CĐSP xây dựng chương trình kế hoạch bồi dưỡng GV MN, TH và THCS trong hè thì thường bị Sở gạt bỏ vì nội dung bồi dưỡng không phù hợp, lạc hậu, không bám sát tình hình đổi mới GD ở địa phương, từ đó Sở tự triển khai bồi dưỡng thường xuyên cho GV hoặc thuê các trường ĐH có khoa SP thực hiện.

Trong nội bộ trường CĐSP, chất lượng đào tạo ngày càng có chiều hướng đi xuống. Về chương trình đào tạo phải theo chương trình của Bộ mặc dù chương trình đào tạo đã lạc hậu nhưng không được thay đổi, vả lại nếu muốn thay đổi thi không phải trường CĐSP nào cũng đủ nguồn lực để thực hiện và còn vướng cơ chế xin-duyệt-cho của Vụ GD đại học. Đội ngũ GV trường CĐSP ở địa phương phần lớn có trình độ cử nhân, số có học vị thạc si, tiến sĩ ít và nhiều người đã đến tuổi hưu, số GV trẻ hoặc mới tốt nghiệp đại học hoặc đang theo học cao học nên kinh nghiệm GD còn yếu. Điểm yếu của đội ngũ GV CĐSP là năng lực nghiên cứu nói chung và NCKH sư phạm ứng dụng, nhiều thạc sĩ có điểm luận văn tốt nghiệp Giỏi nhưng khi về trường công tác không làm nổi một đề cương NCKH, hoặc một bài báo khoa học đăng trên tập san khoa học của trường. Đội ngũ GV SP thì xa rời thực tiễn phổ thông, không biết hoặc không hiểu rõ những đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục ở PT, vì thế không đủ năng lực và kinh nghiệm đế thiết kế nội dung và chương trình bồi dưỡng thường xuyên và huấn luyện cho GV trong hè.

Nguyên nhân của tình trạng này là nhiệm vụ NCKH đối với GV bị xem nhẹ, người làm tốt cũng chẳng được gì hơn, người không hoàn thành nhiệm vụ NCKH thì lấy giờ dạy trên lớp, giờ kiêm nhiệm công tác Đảng, Đoàn, Công đoàn, GVCN thay thế nên vẫn hoàn thành nhiệm vụ NCKH, người không hoàn thành nhiệm vụ khoa học thì cùng lắm xem như không đạt lao động tiên tiến là xong, lương thì vẫn tăng đúng kỳ hạn, khi xem xét thi đua thì chỉ số NCKH không được tính tới. Một nguyên nhân nữa là ở một số bộ môn có số giờ dạy nhiều như bộ môn Lý luận chính trị, Tiếng Anh, TL-GD, Thể dục thì GV có số giờ dạy vượt chuẩn 200% giờ định mức. Vì vậy GV cũng không còn thời gian để NCKH, tìm hiểu thực tiễn phổ thông và nâng cao chất lượng bài giảng. Họ sẵn sàng chịu trừ vài chục tiết trong số giờ vượt định mức là xem như hoàn thành nhiệm vụ NCKH.

Tình hình này kéo dài hàng chục năm rồi, đã qua nhiều lần đổi mới GD, thay sách giáo khoa, các trường SP địa phương vẫn đứng ngoài cuộc, cứ dạy SV những gì mình có, vẫn chương trình cũ từ thập niên 80.

Với yêu cầu đổi mới toàn diện GD-ĐT và chương trình GDPT mới hiện nay, tôi thấy Bộ GD-ĐT vẫn làm theo cách cũ như nhiều lần đổi mới trước, các máy cái của GD ở các địa phương vẫn “bình chân như vại”, Bộ có triển khai góp ý chương trình GDPT thì cũng chỉ đến Sở GD-ĐT, còn trường CĐSP địa phương thì không được Sở mời tham gia, trường CĐSP cũng nhân cơ hội ấy mà xem như Sở không mời không làm mà không thấy chính trường SP phải lăn vào việc này đế nắm bắt những thay đổi, nhằm đổi mới chương trình, giáo trình, giáo án, phương pháp... đáp ứng yêu cầu của GDPT.

Cho dù chương trình GDPT mới có hay đến đâu chăng nữa nhưng các trường SP địa phương vẫn chưa thay đổi cả về nhân lực và chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo, đội ngũ GV vẫn không được đào tạo lại, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục vẫn tư duy quản lý cũ không được thanh lọc, thì thiết nghĩ công cuộc đổi mới giáo dục lần này sẽ vẫn lăn theo vết xe cũ mà thôi.

Mới đây Nghị quyết của Đảng về đổi mới GD cũng quy định, GV trong hệ thống GD phải có trình độ đại học, vậy thì số phận các trường CĐ sẽ như thế nào? Nếu nâng lên đại học để tồn tại độc lập thì lực bất tòng tâm và không nằm trong quy hoạch mạng lưới đại học của Chính phủ. Theo tôi, giải pháp cho trường CĐSP địa phương là sáp nhập vào khoa SP ở những nơi có trường Đại học để làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng GV cho địa phương và khu vực. Việc sáp nhập là cơ hội để sàng lọc GV ở cả trường CĐ và ĐH, những GV có kỹ năng SP giỏi, có năng lực chuyên môn và NCKH đáp ứng yêu cầu mới được giữ lại. Ở những địa phương không có trường đại học thì giải thể trường SP và liên kết đào tạo, bồi dưỡng GV với các trường đại học SP hoặc có khoa SP. Đó là cách nâng cao chất lượng đào tạo GV và giảm biên chế.

Nguyễn Xuân Hải

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm