Trường có yếu tố nước ngoài:
HS tiểu học đóng khoản thu đầu năm học trên 100 triệu đồng
(Dân trí) - Đó là các khoản thu học phí, phí ghi danh, phí giữ chỗ, quỹ hỗ trợ phát triển trường, tiền ăn, tiền xe…của học sinh trưởng tiểu học Việt - Úc Hà Nội. Các bậc học cao hơn khoản thu sẽ cao hơn nữa.
Không giấu giếm các khoản thu, trường tiểu học, THCS,THPT Việt - Úc Hà Nội đã thông báo các khoản thu đầu năm học 2011- 2012 tới các phụ huynh. Cụ thể, tiền học phí 10 tháng ở bậc Tiểu học là 61.950.000 đồng; Lớp 6, lớp 7 và lớp 8 là 72.275.000 đồng; Lớp 9 là 74.340.000 đồng; Lớp 10, 11 là 80.535.000 đồng; Lớp 12 là 82.600.000 đồng.
Trường liệt kê các khoản phí bắt buộc khác, phí ghi danh, tiểu học là 1.032.500 đồng, THCS, THPT là 2.065.000 đồng; Phí giữ chỗ, tiểu học là 10.325.000 đồng; THCS và THPT là 10.325.000 đồng; Quỹ hỗ trợ phát triển trường (tính theo năm học), tiểu học là 7.227.500 đồng; THCS và THPT là 8.260.000 đồng; Tiền ăn (tính theo năm học), tiểu học là 14.455.000 đồng; THCS và THPT là 18.585.000 đồng.
Với các khoản phí không bắt buộc cũng cao không kém như tiền xe (tính theo năm học), bậc tiểu học là 17.552.500 đồng; bậc THCS và THPT là 19.617.500 đồng; Tiền nội trú (tính theo tháng) bậc THCS và THPT là 7.227.500 đồng. Các khoản phí nêu trên chưa bao gồm: tiền đồng phục và tiền sách giáo khoa (đối với tiểu học); tiền đồng phục, tiền sách giáo khoa, tiền bảo hiểm y tế, tiền lệ phí thi nghề và thi tốt nghiệp (đối với THCS và THPT). Trường cũng đưa ra yêu cầu, các khoản phí không thanh toán đúng hạn sẽ chịu lãi với lãi suất 10%/năm kể từ ngày đến hạn nhưng không được chậm quá 30 ngày.
Trường tiểu học quốc tế Brendon cũng đã thông báo học phí năm học 2011 - 2012. Theo đó, phí đăng ký nhập học 1 triệu đồng, Phí xây dựng trường là 2 triệu đồng; Học phí mỗi kỳ là 18 triệu đồng, cả năm là 36 triệu đồng, tiền ăn 1 triệu đồng/tháng; Tổng học phí và các khoản theo tháng là 4,6 triệu đồng. Ngoài ra, trường thu đồng phục: 250.000đ/bộ mùa hè hoặc bộ thể dục hè. Các chi phí bảo hiểm, sách giáo khoa, và phí tham quan dã ngoại sẽ được tính theo phát sinh thực tế.
Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, mỗi tháng học sinh tiểu học đóng gần 5 triệu đồng. Riêng các lớp có yếu tố nước ngoài mức đóng gấp đôi. Trường tiểu học Lê Quý Đôn, năm học 2011-2012 cũng áp dụng mức học phí mới là 2.200.000 đồng/tháng. Ngoài ra, PHHS còn phải đóng tiền bán trú 1 triệu đồng/tháng, tiền quỹ đầu tư, phát triển nhà trường 2 triệu đồng/năm, quỹ khuyến học 200.000 đồng/năm, quỹ hoạt động Sao-Đội… Cộng các khoản, chi phí đều tăng so với năm trước.
Mức thu cao, chất lượng có cao?
Chương trình học của các trường có yếu tố nước ngoài này đều phải thực hiện theo chương trình của Bộ GD-ĐT. Điểm khác biệt, giữa các trường này với các trường công lập đó là dịch vụ và chương trình học tiếng Anh. Những phụ huynh gửi con vào học các trường này đều thuộc gia đình khá giả và con của họ được phục vụ tận “răng”. Mức thu cao liệu chất lượng có cao?
Chị T.Hà ở Hà Nội có con đang theo học tiểu học tại trường tiểu học Việt - Úc Hà Nội cho biết: “Mặc dù học phí quá cao nhưng tôi vẫn cố cho con theo học bởi trường dạy học cả ngày, học sinh không phải đi học thêm. Đặc biệt, chương trình tiếng Anh tốt, có nhiều hoạt động ngoại khóa, lớp học chỉ dưới 20 học sinh nên cô giáo có nhiều thời gian quan tâm tới học sinh. Quan hệ giữa nhà trường, phụ huynh rất chặt chẽ. Các ngày lễ, tết trường tổ chức rất chu đáo cho học sinh. Đó là những điều chúng tôi an tâm nhất”.
Còn chị T.Hiền ở Ninh Bình, năm học này cũng đã gửi con tới trường THCS Việt - Úc học. Chị nhẩm tính cả năm các khoản phí hết hơn 100 triệu đồng. Cùng tâm tư với chị T.Hà, chị T.Hiền cho hay: “Tôi muốn con được học lớp ít học sinh, ở bán trú được nhà trường chăm sóc tốt. Đặc biệt, học tiếng Anh vì hướng gia đình muốn cho cháu học xong THPT tại Việt Nam để đi du học”.
Về mức học phí cao, liệu chương trình đào tạo chất lượng có cao? Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Tiến Trường, trưởng Phòng Giáo dục có yếu tố nước ngoài - Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: “Với những trường có yếu tố nước ngoài được Sở GD-ĐT cấp giấy phép hoạt động thì đều thuộc quản lý của Sở. Sở trực tiếp giám sát 2 việc là thực hiện việc cử giáo viên nước ngoài sang giảng dạy tại Việt Nam có thực hiện như đề án đưa ra không và thăm dò ý kiến của phụ huynh. Mấy năm qua chúng tôi chưa phát hiện những tiêu cực hay đơn thư tố cáo nào của phụ huynh, học sinh. Nhìn chung hệ thống các trường có yếu tố nước ngoài này đều thực hiện như trong cam kết ban đầu”.
Ông Trường cho hay: “Việt Nam đang mở cửa hội nhập quốc tế thì việc mở cửa để giáo dục các nước tham gia vào đào tạo là việc cần phải làm. Ưu thế của các trường này là cơ sở vật chất tốt, lớp học chỉ từ 25 học sinh trở xuống, trả lương cao hơn cho giáo viên. Điểm khác biệt của các trường này là chương trình dạy bằng tiếng Anh rất tốt bởi họ nhập chương trình từ nước mình sang để áp dụng vào dạy”.
Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều phụ huynh, hiện nay trên địa bàn Hà Nội có rất nhiều trường học có yếu tố nước ngoài “treo đầu dê bán thịt chó” mà Sở GD-ĐT Hà Nội chưa kiểm soát được.
Hồng Hạnh