"Hot mom" Phan Hồ Điệp và 7 nguyên tắc giúp con thích đọc
(Dân trí) - Không chỉ đọc những cuốn sách, hãy tận dụng cơ hội để đọc cho con về biển quảng cáo, hướng dẫn nấu ăn, hướng dẫn dùng máy giặt, tin nhắn, bưu thiếp… Niềm yêu thích con chữ sẽ có thể bắt đầu từ đó.
Trên đây là chia sẻ của "hot mom" Phan Hồ Điệp, giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, mẹ Đỗ Nhật Nam, để giúp con thành đứa trẻ thích đọc.
Với mong muốn giúp các bậc phụ huynh đang đau đầu trong việc tìm cách dạy con sao cho đúng, làm sao để có thể nuôi dạy trẻ phát triển hoàn thiện bản thân, kết hợp vừa chơi vừa học mà không đánh mất tuổi thơ của mình, chị Phan Hồ Điệp cũng có nhiều chia sẻ từ kinh nghiệm nuôi dạy con của bản thân.
Những chia sẻ của chị rất nổi tiếng, được nhiều bậc cha mẹ áp dụng thành công như: Quy tắc bàn tay giúp con giỏi tiếng Anh, phương pháp phát triển ngôn ngữ theo độ tuổi, 4 nguyên tắc dạy con tự lập, 5 bí quyết để trẻ đối mặt với web xấu, 8 bước dạy con khi 3 tuổi, cách dạy con tích hợp 15 phút mỗi ngày…
Mới đây, chị tiếp tục chia sẻ 7 nguyên tắc giúp con thành đứa trẻ thích đọc. Theo "hot mom" này, bạn nhỏ nào cũng thích đọc sách và nghe đọc sách, nếu được tiếp cận đúng cách.
Thứ nhất, đọc (thành tiếng) cho con nghe ngay cả khi con đã biết đọc. Khi đọc cho con nên chọn những truyện hơi khó hơn so với trình độ hiểu biết của con. Điều này sẽ hình thành nên nhu cầu đọc thầm của con.
Trẻ cũng thường thích đọc một chương của một câu chuyện dài trước giờ đi ngủ. Đó có thể là "mảnh đất" để con mơ mộng, tưởng tượng trước khi chìm vào giấc ngủ.
Thứ hai, trong quá trình đọc khuyến khích con lắng nghe, chia sẻ, nhận xét, đặt câu hỏi.
Thứ ba, hãy dũng cảm bỏ những cuốn sách con thấy không hấp dẫn.
Thứ tư, trẻ con muốn đọc những gì khiến chúng cười, khóc, run rẩy, hồi hộp. Chúng thích được phiêu lưu cùng các nhân vật.
Chúng cũng thích những câu chuyện có ngôn ngữ vui tươi, hài hước, những câu nói kiểu "ngốc xít". Đối với trẻ em, đọc sách chỉ có ý nghĩa khi chúng thực sự "thưởng thức".
Vì thế nên để con được chọn câu chuyện con thích, dù có thể con đã đọc cuốn đó rất nhiều lần.
Thứ 5, đừng chỉ đọc cho con những cuốn sách, hãy tận dụng cơ hội để đọc cho con về biển quảng cáo, hướng dẫn nấu ăn, hướng dẫn dùng máy giặt, tin nhắn, bưu thiếp… Niềm yêu thích con chữ sẽ có thể bắt đầu từ đó.
Thứ 6, đôi khi sự yên lặng (có chủ đích) của bạn trong quá trình đọc, ví dụ dừng lại lâu hơn ở một bức hình hoặc khi hết một trang sách lại có giá trị hơn câu hỏi bạn định đặt cho trẻ.
Điều quan trọng cuối cùng, hãy là một trẻ em khi đọc để cùng cười, cùng vui, cùng nhố nhăng và ngớ ngẩn. Trẻ con không thích một giờ học trong một giờ đọc sách.