Bạn đọc viết:

Họp phụ huynh cần thiết thực và ý nghĩa hơn

(Dân trí) - Trải qua hai buổi họp đầu năm học ở hai cấp học khác nhau (tiểu học và THCS), tôi thấy nội dung các buổi họp vẫn lặp lại như một kịch bản sẵn có và tiếng nói của phụ huynh trong các buổi họp rất mờ nhạt, gần như không có sự tương tác giữa giáo viên và phụ huynh.

Với những phụ huynh lần đầu nhận giấy mới đi họp chắc hẳn đều rất chờ đợi xem cô giáo sẽ nhận xét như thế nào về tình hình học tập, nền nếp của con sau khoảng 2 tuần học chính thức. Song, điều đó rất ít có trong các cuộc họp phụ huynh hoặc chỉ xuất hiện một cách hời hợt, chung chung nhất. Với những phụ huynh đã có kinh nghiệm đôi ba lần trở lên thì chắc hẳn khi đi họp phụ huynh sẽ nhớ mang theo một khoản tiền để nộp luôn các khoản quỹ lớp, quỹ trường đầu năm.

Một buổi họp phụ huynh thường có hai phần nội dung, phần đầu do giáo viên chủ nhiệm phụ trách, trong đó bao gồm nội dung thông báo tình hình chung, thành tích của nhà trường và tình hình học tập, nền nếp của lớp; phần sau là Ban đại diện Cha mẹ học sinh (CMHS) của lớp làm việc, thông báo các khoản cần chi tiêu cho lớp và các con trong các dịp lễ, tết, các hoạt động tập thể để thống nhất một khoản thu gọi là quỹ lớp.

Phụ huynh mong gì trong buổi họp phụ huynh? Tất nhiên sẽ không mong nhận được những thông tin chung chung như trường có bao nhiêu lớp, bao nhiêu thầy cô, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn là bao nhiêu hay cơ sở vật chất gồm những gì. Thậm chí có cô còn giới thiệu cả địa chỉ, số điện thoại, website nhà trường... Khi cho con đi học, ít nhiều phụ huynh đã nắm được những thông tin đó rồi và không nhất thiết cuộc họp nào cũng phải nhắc đi nhắc lại theo kiểu “đọc báo cáo” chi li đến từng con số rất nhàm chán.

Điều tôi luôn mong sẽ được nhận từ những buổi họp phụ huynh đầu năm là cô giáo chủ nhiệm hãy cho tôi biết tình hình học tập cụ thể của con ra sao. Nếu con học tốt, tôi yên tâm, nếu con có nhiều hạn chế tôi sẽ phải có biện pháp giúp con tiến bộ. Có thể không cần quá sâu sát, cụ thể nhưng thời gian từ khi còn nhập học, thường bắt đầu từ tháng 8 hoặc đầu tháng 9, có lẽ đã đủ để mỗi giáo viên có thể rút ra những đánh giá cơ bản nhất về mặt tích cực, hạn chế của từng học sinh.

Tôi nghĩ rằng những nhận xét chung chung kiểu như: “đa phần các con ngoan nhưng một số bạn hiếu động và nghịch ngợm”, “phần lớn các con trong lớp đều viết khá đẹp, vở sạch, tuy nhiên vẫn còn một số bạn viết sai chính tả, chữ không đều”, hay “một số bạn hay quên sách vở, đồ dùng học tập”, “một số bạn hay nói chuyện trong lớp”, “các con ăn ngủ tốt nhưng vẫn còn một số bạn ăn ít, ngủ khó”...

Tôi nghĩ những nhận xét chung chung đó nên được thay bằng những nhận xét cụ thể về từng học sinh cả mặt tích cực và hạn chế. Vì họp phụ huynh là thông báo tình hình học tập của con để phụ huynh biết và phối hợp với giáo viên tốt hơn trong việc giáo dục con nên không có lý do gì cần phải nói chung chung hay vòng vo.

Để biết tình hình cụ thể của con ra sao, sau buổi họp thường có rất đông phụ huynh nán lại để hỏi han cô giáo, những phụ huynh không đủ thời gian thì ra về với suy nghĩ sẽ gặp cô giáo vào buổi khác hoặc gọi điện hỏi cô sau. Điều đó khiến cả cô giáo và phụ huynh đều mất thêm thời gian.

Từ việc chỉ nhận được những thông tin chung chung nên các buổi họp phụ huynh ít có sự tương tác, trao đổi ý kiến. Rốt cuộc phụ huynh sẽ chỉ lắng nghe và hoàn thành những thủ tục giấy tờ theo yêu cầu của nhà trường. Khi ra về, nếu được người thân hỏi hôm nay đi họp cho con tình hình ra sao thì cũng không biết trả lời thế nào…

Thiết nghĩ, mỗi cuộc họp phụ huynh là một cơ hội hiếm để phụ huynh và giáo viên được gặp gỡ, trao đổi, tương tác với nhau một cách thân thiện và hiệu quả nhất. Bởi không phải bố mẹ nào cũng có đủ thời gian để mỗi lần đến đón con lại gặp riêng cô chủ nhiệm “tâm sự” và cô giáo cũng không thể lúc nào cũng đủ thời gian để trao đổi riêng hết phụ huynh này đến phụ huynh khác. Vậy thì, giáo viên hãy “làm mới” nội dung buổi họp phụ huynh, hãy lấy học trò làm trung tâm để các câu chuyện, những nhận xét trở nên cụ thể, thiết thực và bổ ích hơn.

Những thông báo về tình hình chung của trường lớp, thành tích, giải thưởng, chỉ tiêu phấn đấu của trường, của lớp chỉ cần ngắn gọn thay vì liệt kê và đọc chính xác từng con số. Thay vào đó cô giáo hãy nhận xét chi tiết về từng học sinh và trao đổi những vấn đề bố mẹ cần quan tâm để phối hợp với nhà trường dạy dỗ con tốt hơn. Khi cô giáo gợi mở ra các vấn đề liên quan trực tiếp đến con em mình, phụ huynh sẽ nhiệt tình đóng góp ý kiến, tương tác với cô giáo. Như vậy cả cô và bố mẹ đều hiểu con hơn, biết rõ những điểm mạnh cũng như hạn chế của con.

Nếu được, các thầy cô giáo nên giới thiệu cho phụ huynh nắm được chương trình học của con trong năm học sẽ có những kiến thức gì, các con cần phải chú ý và đạt được những yêu cầu như nào ở từng môn học… Ngoài ra, giáo viên có thể chia sẻ với phụ huynh cả phương pháp kèm con học bài ở nhà để đạt hiệu quả cao và phù hợp với cách học trên lớp.

Cách đây vài năm, tôi đã được trải nghiệm buổi họp phụ huynh với những nội dung thiết thực khi con vào lớp 4, lớp được coi là khó nhất của bậc tiểu học. Cô giáo chủ nhiệm đã dành gần như toàn bộ thời gian buổi họp để trao đổi với phụ huynh về những kiến thức mà các con sẽ được học trong chương trình lớp 4, về những kiến thức mà bố mẹ cần quan tâm để có thể hỗ trợ con khi làm bài ở nhà.

Cô giáo còn viết lên bảng từng ví dụ cụ thể cách giải một số bài tập môn Toán và Tiếng Việt để phụ huynh hiểu được phương pháp học của con hiện nay. Qua đó phụ huynh cả lớp đều cảm thấy thật thú vị và bổ ích, có thể vận dụng vào việc kèm con học ở nhà.

Cũng có cô giáo đã nhận xét về đặc điểm của từng học sinh khiến bố mẹ rất cảm động vì cô nhận xét “chuẩn”, hơn cả là vì sự quan tâm của cô với học trò. Thật tiếc là những buổi họp phụ huynh như thế này chưa có nhiều!

Thiết nghĩ, những buổi họp phụ huynh không thể thiếu được trong mỗi năm học nên mong rằng sẽ có những sự đổi mới, sáng tạo để họp phụ huynh trở nên thiết thực và ý nghĩa hơn chứ không chỉ là một buổi báo cáo thành tích trường lớp khô khan hay các khoản đóng góp đầu năm…

Đỗ Quyên

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn .

Xin trân trọng cảm ơn!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm