Hồng Kông: Trẻ 1 tuổi phỏng vấn vào mẫu giáo

(Dân trí) - Ở Hồng Kông (Trung Quốc) nhiều phụ huynh thậm chí còn làm mọi cách để con vào được một trường mẫu giáo tốt, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc một đứa trẻ chưa tròn 2 tuổi phải tham gia những khóa học dạy kỹ năng trả lời phỏng vấn.

Hồng Kong: Trẻ 1 tuổi phỏng vấn vào mẫu giáo

Yoyo Chan đang chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn quan trọng đầu tiên trong cuộc đời. Cô bé mới chỉ được 1 tuổi rưỡi. Bố mẹ Yoyo Chan muốn cho con gái vào học mẫu giáo khi cô bé vừa tròn 2 tuổi, tuy nhiên các ngôi trường danh tiếng rất kén chọn học sinh và tỷ lệ cạnh tranh cũng rất cao. Chính vì vậy mà Yoyo Chan cần phải được chuẩn bị kỹ lưỡng cho buổi phỏng vấn.

Phần lớn ở Hồng Kông mọi người đều tin rằng vào được một trường mẫu giáo tốt sẽ tạo bước đệm cho việc được nhận vào một trường tiểu học danh tiếng; và một trường tiểu học danh tiếng sẽ giúp đứa trẻ vào được một trường trung học “điểm” và cứ như vậy cho đến Đại học. Vậy nên, những ngôi trường mẫu giáo danh tiếng nhất ở Hồng Kông đôi khi có thể nhận được đến gần 1000 đơn xin nhập học, dù cho số lượng tuyển sinh chỉ có khoảng vài chục. Nắm bắt được nhu cầu của các vị phụ huynh, nhiều trung tâm gia sư cung cấp thêm dịch vụ dạy kỹ năng phỏng vấn cho các em bé còn chập chững.

Chẳng hạn như, ở một buổi học, Yoyo Chan sẽ được hướng dẫn cách chào và giới thiệu bản thân. Sau đó gia sư giao cho cô bé hoàn thành một chuỗi các nhiệm vụ, bao gồm xây nhà với những viên gạch đồ chơi, vẽ tranh, dán hai con mắt vào đúng vị trí trên gương mặt, phân biệt các loại hoa quả.

Tuy ban đầu có hơi nhút nhát nhưng Yoyo dần hòa nhập nhanh chóng và bắt đầu tỏ ra thích thú trong lúc thực hiện các nhiệm vụ với đồ chơi.

Mẹ Yoyo, cô Emma nói rằng: “Những buổi học như thế này và buổi phỏng vấn sắp tới là không dễ dàng, tuy nhiên tôi muốn con bé được chuẩn bị tốt nhất. Phần lớn các vị phụ huynh đều muốn con cái mình có một điểm khởi đầu thuận lợi.

Trường mẫu giáo mà Emma đang nhắm tới hiện đang có hơn 100 ứng cử viên cho buổi phỏng vấn tuy nhiên sẽ chỉ có 9 bé được chọn, vậy nên Emma nói rằng cô sẽ làm tất cả những gì có thể để con gái được nhận vào học.

Yoyo còn có một cậu em trai nhỏ mới chỉ được vài tháng tuổi, tuy nhiên bố mẹ hai bé đã dự định cho cậu bé tham dự phỏng vấn khi nào cậu tròn 8 tháng. 

Cha mẹ và các bé ở một
buổi học kỹ năng phỏng vấn
Cha mẹ và các bé ở một
buổi học kỹ năng phỏng vấn
Cha mẹ và các bé ở một buổi học kỹ năng phỏng vấn

Một gia sư ở trung tâm, cô Terasa Fahy nói rằng: "Chúng tôi cố gắng dạy trẻ thông qua các hoạt động âm nhạc và lồng ghép vào các hoạt động những nội dung của buổi phỏng vấn sắp tới”.

Tuy nhiên, vấn đề đau đầu cho các vị phụ huynh đó là các trường mẫu giáo khác nhau thì đặt ra những yêu cầu khác nhau trong tuyển sinh. Nhiều trường quan sát cách trẻ chơi đồ chơi để nhận định về các kỹ năng vận động của trẻ và cách trẻ tương tác với bạn bè cùng lứa. Cách trẻ tham gia vào các hoạt động nhóm như hát hoặc di chuyển theo nhạc cũng sẽ được quan sát kỹ lưỡng. Người phỏng vấn cũng trò chuyện với trẻ để xem trẻ thể hiện bản thân thế nào, giao tiếp bằng mắt ra sao. Một số, nhưng không phải tất cả sẽ yêu cầu trẻ phân biệt màu sắc, hình dạng hoặc giải thích một tình huống trong cuốn sách tranh.

"Những câu hỏi phỏng vấn ngày một khó hơn" Fahy nói: "Nhiều nơi thậm chí còn hỏi trẻ những câu phức tạp như “đôi mắt con dùng để làm gì?” hoặc “đây là loại trứng gì?”

Cha mẹ và các bé ở một
buổi học kỹ năng phỏng vấn

"Người phỏng vấn cũng có thể kiểm tra cách xử sự của trẻ bằng cách cho trẻ kẹo vào cuối buổi phỏng vấn. Đứa trẻ nên nhận một cái kẹo và nói cảm ơn. Lấy nhiều kẹo quá là biểu hiện của sự tham lam, trong khi từ chối nhận kẹo là bất lịch sự”.

Nhiều phụ huynh chỉ tập trung vào việc dạy trẻ phân biệt màu sắc, hình dạng- tuy nhiên những người phỏng vấn chẳng hề ấn tượng bởi kỹ năng này. "Đó là những kiến thức mà trẻ sẽ được dạy sau khi chính thức nhập học” - một giáo viên của một trường mẫu giáo danh tiếng nói.

Thậm chí, dù nhiều phụ huynh không biết điều này nhưng nhiều giáo viên quan sát họ còn kỹ lưỡng hơn quan sát trẻ. "Bạn sẽ muốn biết mình đang làm việc với kiểu phụ huynh nào. Nếu đó là loại người hách dịch và kiêu ngạo thì câu trả lời của tôi ngay lập tức là KHÔNG”.

Và nếu phụ huynh mang đến một tập hồ sơ liệt kê những hoạt động, lớp học và thậm chí cả những nơi trẻ đã từng ghé thăm trong kỳ nghỉ thì 90% các giáo viên sẽ chẳng thèm ngó tới.

Tập xếp hàng trong buổi phỏng vấn

Tập xếp hàng trong buổi phỏng vấn

Trên thực tế, theo một gia sư thì những lớp dạy phỏng vấn như thế này cũng hữu ích trong việc giảm căng thẳng, bỡ ngỡ cho trẻ trong ngày đầu đến lớp.

Tuy nhiên Leung Wai-fan, Hiệu trưởng trường mẫu giáo King Shing nói rằng, người phỏng vấn có thể nhận biết khá rõ ràng một đứa trẻ đã qua “luyện tập”. "Chúng tôi có thể nhận ra một đứa trẻ cư xử tự nhiên hay không. Không khó để một đứa trẻ lặp lại những gì được dạy, tuy nhiên chúng chẳng hiểu mình đang nói gì. Khi bạn hỏi về một điều gì đó khác thì chúng bỗng nhiên trở nên nhút nhát.

Những đứa trẻ trả lời câu hỏi một cách tự tin thường ghi được nhiều điểm hơn. Nhút nhát là một nhược điểm lớn, ngay cả ở những đứa trẻ mới chỉ có 1 hay 1 tuổi rưỡi. “Lời khuyên của tôi dành cho các phụ huynh là dành nhiều thời gian chơi với trẻ và khuyến khích trẻ giao tiếp, tương tác với nhiều người”, bà Leung nói.

“Con là con trai hay con gái?” cũng
là một câu hỏi phỏng vấn phổ biến

“Con là con trai hay con gái?” cũng là một câu hỏi phỏng vấn phổ biến

Năm ngoái, báo chí đăng tin có những vị phụ huynh “cắm trại” bên ngoài trường mẫu giáo King Shing suốt 2 đêm để đảm bảo có trong tay một tờ đơn đăng ký nhập học của trường này.

Bà Leung  lo lắng rằng giáo dục quá sớm là không tốt cho sự phát triển của trẻ. Nhiều cha mẹ thậm chí còn đăng ký cho con mình học thêm tiếng Anh và Tiếng Trung.

"Đó không phải là cách để dạy trẻ, chúng tôi cố gắng làm cho các phụ huynh hiểu rằng giáo dục là cả một chặng đường dài chứ không thể giải quyết ngay lập tức” - Đây là quan điểm được chia sẻ bởi Lam Ho Cheong, trợ lý giáo sư chuyên ngành Giáo dục mầm non ở Viện Giáo dục Hồng Kông.

“Một mặt, bạn cần phải phát triển các kỹ năng của trẻ, mặt khác, bạn cần giúp trẻ có hứng thú học tập”

"Nếu bạn ép trẻ học quá nặng, trẻ có thể trở nên ghét học. Ví dụ như, số liệu cho thấy khả năng đọc của trẻ em Hong Kong cao so với mặt bằng chung của thế giới, tuy nhiên tỷ lệ có sở thích đọc sách lại rất thấp".

Một vài giáo viên tranh luận rằng, thay vì đăng ký cho trẻ vào các lớp dạy thêm thì cha mẹ nên dành nhiều thời gian chơi với trẻ. "Tôi nghĩ tuyệt nhất là cha mẹ có thể dành thời gian chơi với trẻ và đọc cho trẻ nghe. Tôi không khuyến khích nhồi nhét trẻ với những kiến thức của lớp dạy phỏng vấn, việc này có thể gây ra tác dụng ngược".

Tuy nhiên năm nay, lượng tuyển sinh vào các lớp mầm non sẽ khó khăn hơn gấp nhiều lần so với các năm khác. Năm 2012-2013 là năm Rồng, năm được người Hồng Kông coi là tốt lành, do đó số lượng trẻ sinh ra tăng vọt. Đối với trẻ em sinh ra năm này, đây sẽ là thử thách lớn đầu tiên, để vào được các trường mẫu giáo tốt.

Thuỳ Linh Hà (theo BBC)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm