Hơn 62.000 TS thay đổi nguyện vọng: Tránh thay đổi tùy tiện, nên dựa vào năng lực
(Dân trí) - Các thí sinh nên tận dụng quyền được thay đổi nguyện vọng theo quy chế năm nay. Tuy nhiên, tránh thay đổi tùy tiện, mà vẫn phải dựa chính vào năng lực và sở trường cá nhân cũng như tìm hiểu về nhu cầu xã hội, việc làm đối với ngành nghề mình dự kiến học.
Thông tin từ Bộ GD&ĐT cho biết, tính đến ngày 16/7 có hơn 62.000 thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển, trong đó chủ yếu là điều chỉnh bằng hình thức trực tuyến.
Về việc điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh, ông Nguyễn Khắc Khiêm, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Hàng Hải Việt Nam cho biết, thí sinh được phép thay đổi nguyện vọng sau khi có kết quả thi là một ưu điểm của kỳ thi năm nay. Do đó, các thí sinh nên tận dụng quyền được thay đổi nguyện vọng theo quy chế năm nay.
Tuy nhiên, ông Khiêm cho rằng, thí sinh tránh thay đổi tùy tiện, mà vẫn phải dựa chính vào năng lực và sở trường cá nhân cũng như tìm hiểu về nhu cầu xã hội, việc làm đối với ngành nghề mình dự kiến học.
Trên cơ sở kết quả điểm thi + năng lực, sở trường của cá nhân về ngành nghề mong muốn + tìm hiểu về nhu cầu xã hội với ngành nghề mong muốn+ điều kiện gia đình và bản thân: thí sinh nên lựa chọn 1 số trường ĐH cùng có đào tạo ngành mà mình mong muốn học, sau đó tìm hiểu mức điểm chuẩn trong vòng một vài năm gần đây, nhất là năm 2016 để tham khảo, sau đó, trong nguyện vọng đăng ký sẽ xếp thứ tự từ trường có điểm chuẩn ngành đó cao đến trường có điểm chuẩn thấp.
Ông Khiêm lưu ý, để tránh trượt, thí sinh cần lưu ý năm nay phổ điểm cao, nên điểm chuẩn dự báo sẽ cao hơn các năm trước, do vậy, phải có những nguyện vọng dự phòng (nguyện vọng thấp) hợp lý (Ví dụ: chọn nguyện vọng thấp ở Trường có điểm chuẩn năm 2016 thấp hơn điểm thi năm nay của mình 3-4 điểm để đảm bảo an toàn…).
"Thí sinh nên xin ý kiến tham khảo của bố mẹ, người thân, nhất là những người công tác trong ngành nghề mình dự kiến học, người đang công tác ở trường mình dự kiến học, hay các anh chị sinh viên đang học ở trường mình dự kiến học. Thông tin trên báo chí, nhất là báo điện tử hiện nay cũng là những kênh thông tin nhanh và hữu ích cho thí sinh" - ông Khiêm chia sẻ.
Xét bằng điểm sàn của Bộ cho an toàn
Về nhiều trường tốp trên lấy ngưỡng điểm xét tuyển bằng điểm sàn của Bộ GD&ĐT 15,5, có làm khó cho các trường tốp giữa và dưới? ông Nguyễn Khắc Khiêm, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Hàng Hải cho biết, việc các Trường tự quyết định điểm xét tuyển cho Trường hoặc các ngành thuộc Trường là đúng thẩm quyền, không vi phạm quy chế, cho dù là điểm xét tuyển cao hay thấp.
Theo ông Khiêm, phương thức xét tuyển từ năm 2016 và đến 2017 tạo tỷ lệ ảo cao và từng trường riêng lẻ rất khó xác định chính xác tỷ lệ ảo. Năm 2016, nhiều trường tốp trên tuyển không đủ chỉ tiêu mặc dù điểm chuẩn rất cao, dẫn đến tâm lý cần đảm bảo an toàn cho năm 2017. Việc định điểm sàn đối với các trường hiện vẫn chỉ là “phỏng đoán” do hiện nay, các Trường vẫn chưa có dữ liệu điểm thi THPTQG của thí sinh đăng ký xét vào Trường.
Việc công bố điểm xét tuyển của các Trường mới chủ yếu dựa vào số lượng thí sinh đăng ký và phổ điểm thi chung toàn quốc nên để tránh dự đoán sai, các trường chọn điểm xét tuyển bằng điểm sàn chung cho an toàn.
Việc định điểm xét tuyển của các Trường tốp trên sẽ ảnh hưởng lớn đến thí sinh ít hơn do năm nay, điểm mới của quy chế là cho phép thí sinh đăng ký nguyện vọng không hạn chế, không đạt nguyện vọng cao lại tự động được xét nguyện vọng thấp, các nguyện vọng lại có thể nằm ở nhiều Trường.
Do vậy, điểm sàn cho từng trường cụ thể không còn quan trọng với thí sinh như trước nữa, mà thí sinh sẽ chọn xếp nguyện vọng theo khả năng điểm chuẩn sẽ từ cao xuống thấp, chủ yếu dựa trên tham khảo điểm chuẩn của các năm trước, chứ không để ý nhiều đến điểm sàn của từng trường.
Tuy nhiên, ông Khiêm cho rằng số lượng các trường tốp trên không nhiều, trong khi đại đa số là các trường ở tốp giữa – tốp trung bình. Nếu các trường tốp trung bình xác định rõ điểm xét tuyển từng ngành thì sẽ có định hướng tốt cho thí sinh trong thời gian được phép thay đổi nguyện vọng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, các trường tốp giữa có xu hướng chọn điểm sàn của Bộ để đảm bảo an toàn.
Ông Khiêm đề xuất, nếu năm tới (2018) Bộ GD&ĐT còn duy trì phương thức thi và xét như năm nay, đề nghị Bộ GD&ĐT có thể cung cấp ngay kết quả thi của thí sinh theo từng trường để các Trường chủ động và chính xác hơn trong việc định điểm xét tuyển vào Trường hoặc vào từng ngành của Trường, từ đó định hướng cho thí sinh được tốt hơn.
Hồng Hạnh