TP.HCM:
Hơn 6 triệu USD xây dựng thành phố thân thiện với trẻ em
(Dân trí) - UBND TP.HCM thống nhất phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF)) triển khai “Sáng kiến thành phố thân thiện với trẻ em” giai đoạn 2017-2021. Tổng vốn dự kiến của dự án này khoảng 6.008.886 USD.
Tại Hội thảo tham vấn chương trình hợp tác giữa TP.HCM và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc diễn ra ngày 18/7, nhiều đại biểu đều cho rằng TP.HCM hội đủ những điều kiện và thách thức để tiến tới xây dựng Thành phố thân thiện với trẻ em.
Theo báo cáo của đại diện TP.HCM, TP này hiện có khoảng gần 4 triệu trẻ em trong đó 1/4 số trẻ là dân nhập cư. Trước áp lực tăng dân số, TP.HCM đang đứng trước nhiều thách thức về môi trường sống, đặc biệt là với trẻ em.
Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc cho rằng, hiện trẻ em nhập cư tại thành phố này vẫn gặp những khó khăn trong việc bình đẳng học tập, tiếp cận các dịch vụ y tế và phải đối mặt với nguy cơ mất an toàn do có thể bị xâm hại, bóc lột sức lao động… Do vậy, việc triển khai xây dựng một thành phố thân thiện với trẻ em là nhu cầu cấp thiết.
Với “Sáng kiến thành phố thân thiện với trẻ em”, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc mong muốn TP.HCM từng bước bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực và đảm bảo tiếp cận công bằng với các dịch vụ xã hội. Bên cạnh đó, việc gắn kết quy hoạch đô thị với phân bổ ngân sách cho trẻ em cũng cần được ưu tiên. Với sự quan tâm đồng bộ của các cấp, trẻ em trong mô hình thành phố thân thiện không chỉ được sống trong môi trường an toàn, bền vững mà còn được lắng nghe, thấu hiểu để phát triển toàn diện. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2021, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc sẽ phối hợp với TP.HCM xúc tiến nhiều hoạt động nhằm sớm hình thành mô hình này trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm từ 52 quốc gia đã triển khai thành công “Sáng kiến thành phố thân thiện với trẻ em”.
Cũng tại hội thảo này, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng TP.HCM còn nhiều việc phải làm để nhanh chóng đưa sáng kiến này vào thực tế. “Muốn giải quyết những vấn đề về trẻ em và đảm bảo thực hiện quyền trẻ em thì TP.HCM cần phải tiếp tục sắp xếp, bố trí và ổn định nguồn nhân lực từ cấp thành phố đến cấp cộng đồng dân cư. Đặc biệt thành phố cần quan tâm đến những vấn đề liên quan đến đầu tư cho trẻ em. Bao gồm đầu tư nguồn lực, đầu tư về cơ sở hạ tầng để phát triển các dịch vụ về y tế, giáo dục, các dịch vụ về bảo vệ trẻ em cũng như các dịch vụ về văn hóa, vui chơi, giải trí”.
Được biết, dự án về "Sáng kiến Thành phố thân thiện với trẻ em” sẽ thực hiện các vấn đề như thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng, mở rộng các dịch vụ xã hội cho trẻ em yếu thế và bảo vệ tất cả trẻ em không bị bạo lực; nâng cao tiếng nói và sự tham gia của trẻ bị thiệt thòi, dễ tổn thương sống trong môi trường đô thị; thúc đẩy môi trường đô thị an toàn và bền vững cho trẻ em…
Lê Phương