Hơn 300 đại biểu hiếu học sẽ dự “Ngày khuyến học Việt Nam”
(Dân trí) - Ngày 2/10 tới, Hội Khuyến học Việt Nam sẽ tổ chức ‘Ngày Khuyến học Việt Nam’. Dự kiến sẽ có hơn 300 đại biểu là đại diện các ban ngành TW, MTTQ, hội viên Hội Khuyến học Hà Nội và 11 tỉnh thành phía Bắc, các doanh nghiệp và 20 trường ĐH.
Trên 6 triệu người tham gia tổ chức Hội
Ngày 2/10/1996, Hội khuyến khích và hỗ trợ phát triển giáo dục Việt Nam: gọi tắt là Hội Khuyến học Việt Nam đã được thành lập. Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà giáo nhân dân, Giáo sư Nguyễn Lân. Chủ tịch danh dự của Hội là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong 12 năm qua, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn được suy tôn là Chủ tịch danh dự của Hội. Phong trào khuyến học, khuyến tài trong 12 năm qua đã phát triển và mở rộng không ngừng, đến nay đã lan toả trên mọi địa bàn dân cư trong cả nước.
Sự lãnh đạo chặt chẽ của các cấp uỷ Đảng, sự quản lý và chỉ đạo sâu sát của chính quyền từ Trung ương tới địa phương, sự hợp tác và hỗ trợ của các Bộ, ban, ngành và các tổ chức xã hội… đã giúp cho Hội Khuyến học phát triển mau chóng. Từ chỗ có khoảng 100.000 hội viên (năm 1996) đến nay Hội đã có trên 6.000.000 người, sinh hoạt trong hơn 250.000 Chi hội ở các thôn bản, trường học, doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà chùa v.v… Hội tích cực hỗ trợ giáo dục trong nhà trường bằng những học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo, những phần thưởng dành cho học sinh giỏi, những khoản trợ cấp cho các thầy, cô giáo gặp hoàn cảnh khó khăn.
Trong 5 năm lại đây, tính từ năm 2003 đến năm 2008, mỗi năm các quỹ khuyến học của các cấp Hội đã chi trung bình từ 250 tỷ đồng đến 300 tỷ đồng vào những việc nói trên. Mỗi năm có khoảng 2-3 triệu học sinh, sinh viên được hưởng sự giúp đỡ của các quỹ: Quỹ khuyến học của Trung ương Hội, quỹ Vòng tay đồng đội (dành cho em thương binh, liệt sĩ và bộ đội có hoàn cảnh khó khăn), Quỹ các tỉnh Thành, Thành Hội, Quỹ của các dòng họ khuyến học.
Thực hiện xây dựng Xã hội học tập từ cơ sở
Để có lực lượng nòng cốt trong các cuộc vận động nhân dân tham gia học tập ở hệ thống giáo dục thường xuyên. Hội đã phát động thi đua xây dựng “Gia đình hiếu học” và “Dòng họ khuyến học”. Gia đình hiếu học là một danh hiệu dành cho những gia đình đạt 3 tiêu chuẩn: a) Con em học khá trở lên, không lưu ban bỏ học, không mắc những tiêu cực xã hội; b) Các thành viên trong gia đình đều tham gia những hình thức học tập thường xuyên. c) Gia đình tích cực tham gia phong trào khuyến học.
Hội khuyến học Việt Nam, chủ trương xây dựng xã hội học tập từ cơ sở. Theo chủ trương đó, Hội đã phối hợp với Bộ Giáo dục và đào tạo xây dựng các trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn xã, phường. Cho đến nay, trong cả nước đã có trên 9000 trung tâm. Chỉ riêng năm học 2007-2008, đã có trên 9.000.000 người học các lớp chuyên đề của hệ thống các trung tâm này.
Trong khi Hội khuyến học tập trung vào việc phát triển các Trung tâm học tập cộng đồng thì Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ LĐTBXH, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Liên đoàn lao động Việt Nam, Hội PNVN, Đoàn TNCS, nhiều tổ chức xã hội, nhiều doanh nghiệp… cũng tổ chức rất nhiều loại hình trường, lớp học như các lớp Bổ túc văn hoá, các trung tâm học tập từ xa, các trung tâm bồi dưỡng tin học và ngoại ngữ, các lớp học tại chức trình độ trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng hoặc đại học, các lớp học nghề và truyền nghề tại các làng nghề truyền thống hay làng nghề mới, các trường lớp dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Những trường lớp đó đã đào tạo và bồi dưỡng cho trên 6.000.000 lao động, 36000 trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi hoặc không nơi nương tựa.
Phong trào Khuyến học - Khuyến tài đã và đang tiếp bước phong trào Truyền bá quốc ngữ, phong trào Bình dân học vụ, phong trào Bổ túc văn hoá trước đây với khẩu hiệu “Giáo dục suốt đời cho mọi người”.
Với ý nghĩa đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã Quyết định số 1271/QĐ-TTg lấy ngày 2/10 làm “Ngày Khuyến học Việt Nam”.
Hồng Hạnh