Hơn 20 triệu HS, SV bước vào năm học mới
(Dân trí) - Hôm nay 5/9, hơn 20 triệu HS, SV cả nước chính thức bước vào năm học mới 2012 - 2013. Đây là năm học thứ 2 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam.
Theo dự báo của của Bộ GD-ĐT, năm học mới 2012-2013 có hơn 4 triệu trẻ mầm non, 15 triệu học sinh (HS) phổ thông các cấp, hơn 610.000 HS trung cấp chuyên nghiệp và hơn 2 triệu sinh viên (SV) đại học, cao đẳng.
Cô và trò Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội trong lễ khai giảng năm học mới. (Ảnh: Nguyễn Hùng)
Năm học này cũng là năm học toàn ngành tổ chức quán triệt thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020. Đây cũng là năm học đầu tiên thực hiện Luật Giáo dục Đại học mới được Quốc hội thông qua. Toàn ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo” và đẩy mạnh, phát huy những kết quả đã đạt được của phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; chú trọng các giải pháp để nâng cao chất lượng dạy và học; Tăng cường giáo dục đạo đức, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, ý thức trách nhiệm công dân, rèn luyện kỹ năng sống cho HS, SV.
Năm học mới cũng sẽ đẩy mạnh đổi mới quản lý giáo dục, tăng cường phân công, phân cấp, tăng quyền tự chủ gắn với nâng cao trách nhiệm trong quản lý giáo dục các cấp. Huy động các nguồn lực tăng cường đầu tư và phát triển giáo dục, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện tốt chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với HS, SV giỏi, nghèo, khuyết tật, con em gia đình có công với cách mạng, dân tộc thiểu số, giáo viên công tác ở những vùng khó khăn.
Bên cạnh đó, xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, trong đó, chú trọng công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức và năng lực sư phạm cho đội ngũ thầy, cô giáo; Triển khai thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện các trường sư phạm, đặc biệt là các trường đại học sư phạm trọng điểm nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo đội ngũ giáo viên chất lượng cao cho toàn ngành.
Trước thềm năm học mới, Bộ GD-ĐT đã tổ chức họp báo để trao đổi những giải pháp nhằm chấn chỉnh những bức xúc của xã hội đối với các vấn đề lạm thu, dạy thêm học thêm, quá tải… Thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường thanh tra giám sát, ban hành các quy định chặt chẽ để tiến tới xóa bỏ những bức xúc này.
Nhân dịp năm học mới, vào ngày 31/8, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có thư gửi các cán bộ, giáo viên, các bậc phụ huynh và HS, SV cả nước. Trong thư, Chủ tịch nước đã đánh giá cao nỗ lực của ngành GD-ĐT, đặc biệt là các thầy cô giáo tâm huyết, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp trồng người và cố gắng của các em HS, SV vượt lên hoàn cảnh khó khăn để học tập tốt.
Đến dự khai giảng năm học mới tại trường THPT Trần Phú sáng nay, ông Nguyễn Xuân Anh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chúc thầy trò nhà trường bước vào năm học mới, bắt đầu những tình bạn mới và hiểu biết thêm nhiều kiến thức mới đầy phấn chấn và gặt hái thêm nhiều thành tích. Đồng thời, nhấn mạnh các mục tiêu trọng tâm của năm học mới 2012 - 2013 như tiếp tục đẩy mạnh phong trào học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tập trung nhiệm vụ năm thứ 2 thực hiện đề án không có HS bỏ học đến năm 2015, chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm và đạo đức nhà giáo liên quan đến vấn đề này, tăng cường giáo dục về chủ quyền lãnh thổ quốc gia và nuôi dưỡng tình yêu biển đảo quê hương… Ông Nguyễn Xuân Anh bày tỏ mong muốn mỗi học sinh đều có những ước mơ, hoài bão đẹp để phấn đấu học tập tốt và có một tương lai tươi sáng.
Gắn bảng tên cho các HS đại diện khối lớp 10 mới vào trường, ông Nguyễn Quang Long - hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú nhắn nhủ các học trò: “Mỗi HS đến trường học mang theo niềm tin yêu, kỳ vọng của cha mẹ. Ai cũng mong con em mình được giáo dục tốt, được nên người. Vì vậy, các em HS ngồi đây, được đến trường học các em phải có gắng học tập, rèn luyện đạo đức để không phụ lòng cha mẹ, và cho chính tương lai của các em. Các em HS lớp 10 vừa vào trường, cũng là vừa bắt đầu bước vào tuổi mới lớn, mong rằng các em sẽ có nhận thức mỗi ngày hoàn thiện hơn, học tập và gặt hái kiến thức bằng chính sức mình. Các em HS lớp 11, 12 hãy là những tấm gương sáng cho lớp đàn em mới vào trường”.
Tại trường tiểu học Phù Đổng (Đà Nẵng), lễ khai giảng năm học mới rộn ràng trong không khí “trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Ngay sau lễ khai giảng được tổ chức trang trọng, nhà trường đã tổ chức cho HS vui chơi để bước vào một năm học mới đầy niềm vui. Các em HS khối 4, khối 5 đã tham gia các trò chơi vận động kéo co trong tiếng hò reo, cổ vũ củ các thầy cô giáo, các bạn học cùng khóa và các em nhỏ mới vào trường.
Trường THPT chuyên Lam Sơn ngày nay là kế tục và phát triển từ trường Collège de Thanh Hoa (thành lập năm 1931), sau đó là Collège Đào Duy Từ (1943 - 1950). Từ năm 1950, trường mang tên Lam Sơn.
Trường THPT Chuyên Lam Sơn là một trong những trường chuyên đầu tiên của cả nước và là trường chuyên duy nhất ở Thanh Hóa, luôn là lá cờ đầu của ngành giáo dục Thanh Hóa, là đơn vị Anh hùng trong thời kỳ đổi mới.
Phát huy truyền thống hiếu học, trên nền tảng giáo dục toàn diện, chất lượng, mũi nhọn, nhà trường đã có 44 HS dự thi Olympic quốc tế, trong đó có 35 học sinh dự thi quốc tế ở 5 môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin; có 29/35 học sinh dự thi quốc tế đạt giải, gồm 3HCV, 11 HCB, 12 HCĐ và 3 giải khuyến khích.
Tại buổi lễ khai giảng, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đồng chí Tô Huy Rứa đã biểu dương những thành tích mà ngành giáo dục Thanh Hóa cũng như thầy và trò trường THPT chuyên Lam Sơn đã đạt được trong thời gian qua.
Đồng chí Tô Huy Rứa nhấn mạnh: “Xứ Thanh nổi tiếng là vùng đất học, đã sản sinh và nuôi dưỡng nhiều tấm gương hiếu học tiêu biểu, trở thành những bậc hiền tài, là niềm tự hào của quê hương, đất nước để lại cho đời những di sản trí tuệ quý giá.
Là trung tâm giáo dục chất lượng cao và là vườn ươm những tài năng trẻ của tỉnh Thanh Hóa, tôi mong rằng, thầy và trò trường THPT chuyên Lam Sơn cần nỗ lực hơn nữa, phát huy cho được truyền thống dạy tốt, học tốt của các thế hệ đi trước, giữ vững danh hiệu cao quý “Anh hùng lao động”, xứng đáng với niềm mong đợi của nhân dân Thanh Hóa”.
Nhân dịp năm học mới, đồng chí Tô Huy Rứa đề nghị các ngành các cấp tỉnh Thanh Hóa: Tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm đường lối của Đảng, Nhà nước, khẳng định giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu; tập trung trí tuệ, tâm huyết, đầu tư công sức thực hiện tốt nhất nhiệm vụ đã được Đại hội XI của Đảng xác định là đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, khắc phục bằng được những thiếu sót, hạn chế, tạo chuyển biến thực sự về chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương đất nước.
Thực hiện lời dạy của Hồ Chủ tịch “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt”, tạo mọi điều kiện để con em các dân tộc trong tỉnh được học tập đạt kết quả cao nhất; chú trọng con em gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, con em các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; đồng thời quan tâm phát hiện, bồ dưỡng học sinh năng khiếu góp phần đào tạo nhân tài cho quê hương, đất nước.
“Nhân tố quyết định sự nghiệp giáo dục đào tạo là đội ngũ giáo viên; vì vậy, mỗi thầy cô giáo cần ra sức, kiên trì vượt qua khó khăn, tự rèn luyện, học tập nâng cao trình độ, đổi mới phương pháp giảng dạy, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của một trung tâm giáo dục chất lượng cao”, đồng chí Tô Huy Rứa nhấn mạnh.
Em Lô Thị Ánh Minh là một trong 12 HS của khu tái định cư thủy điện Bản Vẽ tại xã Ngọc Lâm (Thanh Chương, Nghệ An) rời bản làng của mình xuống Vinh theo đuổi giấc mơ con chữ. “Em vui lắm, đây là lần đầu tiên em được xuống thành phố, được tham dự lễ khai giảng cùng với các bạn”. Cùng chung niềm vui của Minh, em Hờ Y Rê - HS dân tộc Mông ở rẻo cao Huồi Tụ (Kỳ Sơn) cũng không dấu được xúc động bởi lần đầu tiên Rê rời xa bản làng, xa bố mẹ và các em để xuống xuôi đi học. Nhà Rê nghèo lắm, bố mẹ làm rẫy, cuộc sống hết sức khó khăn nhưng 4 chị em Rê đều được bố mẹ cho đi học. “Em sẽ cố gắng học thật giỏi để không phụ lòng cha mẹ, thầy cô”, Rê cho biết
Sau khi đánh trống khai trường, đồng chí Lê Văn Ngọ - Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An mong muốn: “Trong lúc chờ trường mới được xây dựng thì cán bộ, giáo viên, học sinh của trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT số 2 của tỉnh cần khắc phục những khó khăn trước mắt, ổn định công tác giảng dạy, tạo mọi điều kiện tốt nhất để đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào dân tộc thiểu số, con em các dân tộc định cư lâu dài các địa bàn góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho các địa phương miền núi, phục vụ phát triển KT-XH, an ninh, quốc phòng vùng dân tộc”.
Sáng ngày 5/9, Trường THPT Trần Quốc Tuấn tổ chức lễ khai giảng năm học 2012-2013 cho gần 2.000 HS. Qua báo cáo kết quả đạt được trong năm học 2011-2012, Trường THPT Trần Quốc Tuấn có 82 HS giỏi toàn diện (chiếm 48,1%), 139 HS giỏi cấp tỉnh, 4HS giỏi cấp quốc gia. Điều đặc biệt, đây là ngôi trường duy nhất trong toàn tỉnh với 2 năm liền đạt HS giỏi quốc gia môn Văn và Toán. Tỷ lệ HS đạt tốt nghiệp THPT năm học 2011-2012 là 100%.
Nhân dịp lễ khai giảng, Hội phụ huynh nhà trường tặng 4 suất quà cho 2 HS đạt thủ khoa vào ĐH (2 triệu đồng/suất) và 2 HS đạt điểm thi ĐH cao trên 27 điểm (1 triệu đồng/suất). Bên cạnh đó, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín - chi nhánh Quảng Ngãi tặng 8 suất học bổng "Ươm mầm cho những ước mơ" cho 8 HS khá, giỏi có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất 1 triệu đồng.
Sáng 5/9, hơn 160 ngàn học sinh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đến trường dự lễ khai giảng năm học mới 2012 - 2013 trong cơn mưa nặng hạt. Do trời mưa lớn, nhiều trường buộc phải tổ chức lễ khai giảng ngay trong hội trường hoặc trên hành lang nhà trường.
Ông Hoàng Đức Thắm - giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị cho biết, để tạo điều kiện cho HS bước vào năm học mới, Sở đã chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, trường học phối hợp với các cấp chính quyền địa phương triển khai có hiệu quả chương trình kiên cố hóa trường, lớp học; xây dựng mới và sửa chữa các phòng học, công trình vệ sinh, nước sạch, làm vệ sinh khuôn viên nhà trường sạch, đẹp, tiếp tục củng cố và hoàn thiện cơ sở vật chất đảm bảo điều kiện tốt nhất cho năm học mới. Đặc biệt, tại các huyện miền núi khó khăn, tận dụng mọi sự hỗ trợ để triển khai có hiệu quả chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà bán trú cho HS, nhà công vụ cho GV. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, nhu cầu về nhà bán trú cho HS miền núi vẫn là điều bức thiết nhất.
Bước vào năm học mới, Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định xác định 4 nhiệm vụ trọng tâm: tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục; chăm lo, đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; chú trọng công tác kế hoạch, tài chính.
Ngoài ra, Sở cũng chủ trương giữ nguyên mức học phí của các trường công lập. Theo đó, đối với khu vực thành phố, mức thu học phí cao nhất học sinh THPT là 85.000 đồng; tiếp đến khối THCS là 50.000 đồng; mức thu học phí nhà trẻ là 75.000 đồng; mẫu giáo 60.000 đồng/tháng/HS. Riêng HS học nghề ở cấp THCS, mức học phí là 20.000 đồng và học nghề ở HS THPT là 30.000 đồng/tháng/HS.
Đối với khu vực đồng bằng, mức thu học phí THPT 45.000 đồng; THCS 25.000 đồng; mẫu giáo là 25.000 đồng; khối nhà trẻ 30.000 đồng; học nghề bậc THCS 15.000 đồng; học nghề bậc THPT 20.000 đồng/tháng/học sinh.
Đối với khu vực miền núi, xã bán đảo và xã đảo, mức học phí nhà trẻ là 15.000 đồng; mẫu giáo 15.000 đồng; THCS 15.000 đồng; THPT 25.000 đồng; học nghề bậc THCS 10.000 đồng; học nghề bậc THPT là 15.000 đồng/tháng/học sinh.
Trong năm học này, Quảng Nam có 10.607 lớp học (giảm 138 lớp so với năm học 2011-2012) với 765 trường (tăng 6 trường so với năm học trước). Tính đến đầu năm học này, toàn tỉnh có 20.359 GV các cấp. Trong đó, có 539 GV là người dân tộc thiểu số. Năm học này, Sở cũng đã tiến hành luân chuyển 52 GV thuộc các đơn vị trực thuộc theo đề án luân chuyển GV từ miền núi về các huyện đồng bằng và thành phố; đồng thời luân chuyển 12 GV ở các huyện đồng bằng, thành phố lên công tác tại các huyện miền núi.
Tại Trường THPT Buôn Ma Thuột (TP Buôn Ma Thuột), HS tề tựu đông đủ tham dự lễ khai giảng. Đây là một trong những ngôi trường giàu truyền thống hiếu học ở tỉnh Đắk Lắk, có nhiều thành tích xuất sắc trong những năm qua. Năm học 2011-2012, Trường THPT Buôn Ma Thuột có 42 HS đạt giải HS cấp tỉnh; 1 HS giỏi quốc gia; toàn trường có 79 HS giỏi toàn diện (chiếm tỷ lệ 4,1%); 1.273 HS khá (chiếm 66,75%); trường có 100% HS đỗ tốt nghiệp THPT năm học 2011-2012; tỷ lệ HS đỗ ĐH trên 70% (điểm thi ĐH trung bình toàn trường là 14,50 điểm). Trong đó, có em Nguyễn Hải Linh là tân thủ khoa Trường ĐH Tây Nguyên khi đạt 27 điểm...
Thầy Phan Văn Vinh - hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong năm học 2012-2013, nhà trường sẽ phấn đấu giữ vững nằm trong tốp 200 trường THPT có thành tích tốt trong kỳ thi ĐH, đồng thời phấn đấu có HS giỏi quốc gia. Năm học này, nhà trường tiếp tục chú trọng công tác giáo dục cho HS năng lực tự học, kết hợp giữa học trên lớp và học ở nhà; tiếp tục bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ GV, tạo môi trường thân thiện giữa GV - HS để giáo dục các em.
Theo báo cáo tổng kết năm học 2011-2012 của Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk, kết quả xét tuyển tốt nghiệp THCS có 30.338/31.114 HS tốt nghiệp, đạt tỷ lệ 97,5% (tăng 0,2%); kết quả tốt nghiệp THPT có 20.360/20.889 HS tốt nghiệp, đạt tỷ lệ 97,46% (tăng 8,36%). Sau phúc khảo có 20.396 HS đỗ tốt nghiệp, đạt 97,63%.
Kết quả tốt nghiệp bổ túc THPT có 2.199/3.059 HS đỗ tốt nghiệp bổ túc THPT (71,88%). Tỷ HS bỏ học trong năm học 2011-2012 giảm 0,20%.
Tính đến nay, Đắk Lắk có 41/184 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi (22,28%). Có 179/184 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi (97,28%). Trong năm học 2011-2012, Đắk Lắk có 30 trường được công nhận trường chuẩn quốc gia; tính đến nay toàn tỉnh Đắk Lắk có 204/912 trường chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 22,37%.
Về công tác dạy tiếng Ê-đê, hiện có 85 trường tiểu học và 15 trường PTDTNT triển khai học tiếng Ê-đê; có 110 GV đồng bào dân tộc dạy tiếng Ê-đê.
Năm học 2012-2013, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có gần 600 trường học với 20.000 cán bộ, GV quản lý. Ngành GD đã được tỉnh quan tâm đầu tư 170 tỷ đồng để xây dựng mới thêm 370 phòng học và gần 10.000 bộ bàn ghế mới. Bên cạnh đó, ngành còn có nguồn vốn mục tiêu quốc gia và vốn từ ngành với 21 tỷ dành để mua 500 máy tính, bảng tương tác thông minh… trang bị cho các phòng học bộ môn. Toàn ngành đã cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học khi không có tình trạng thiếu phòng học.
Một số chỉ tiêu cơ bản của giáo dục Huế đặt ra là: Trẻ mẫu giáo 5 tuổi vào nhà trẻ đạt tỷ lệ tối thiểu 98%; có từ 50-60% phường xã, thị trấn đạt phổ cập Mầm non 5 tuổi và 100% đạt chuẩn phổ cập Tiểu học đúng độ tuổi và 100% THCS; Tỷ lệ tốt nghiệp THPT, THCS đạt 98% trở lên, trong đó tỷ lệ khá giỏi đạt hơn 30%; HS giỏi quốc gia, cấp tỉnh tăng 5-10%, có HS được chọn vào đội tuyển quốc tế, học sinh thi đỗ đại học tăng 5-10% (Huế là địa phương tăng 4 bậc từ vị trí 20 lên vị trí 16 trong các tỉnh thành cả nước có đỗ đại học cao nhất kỳ thi tuyển sinh ĐH 2012 vừa qua); Tỷ lệ HS bỏ học: Tiểu học 0,1%, Trung học 0,5%...
Tại Bắc Ninh, sáng nay 5/9, hơn 260 nghìn HS của 491 trường, trung tâm giáo dục và trên 8.000 lớp học cùng hàng vạn thầy, cô giáo, cán bộ quản lý ngành giáo dục trong toàn tỉnh Bắc Ninh đã tưng bừng tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2012 - 2013. Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, các ban ngành tỉnh Bắc Ninh và lãnh đạo các huyện, thị, thành phố đã cùng đến tham dự lễ khai giảng ở các trường còn nhiều khó khăn để động viên, khuyến khích thầy cô và học sinh dạy tốt học tốt.
Năm học 2011 - 2012, cùng với sự phấn đấu, nỗ lực không ngừng của toàn thể thầy, trò và cán bộ quản lý ngành giáo dục tỉnh Bắc Ninh, Bắc Ninh được đánh giá là một trong 10 tỉnh có phong trào học tập đứng đầu trong cả nước. Bắc Ninh là tỉnh đầu tiên hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non lớp 5 tuổi, có 27 HS đỗ thủ khoa, á khoa đại học, nhiều HS đạt giải cao trong kỳ thi HS giỏi quốc gia...
Lễ khai giảng năm học 2012 - 2013 ở Bắc Ninh được xác định với chủ đề “Năm học xây dựng kỷ cương và nâng cao chất lượng”, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh; Đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáolà một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” cùng phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Bà Nguyễn Thị Hương Trang - Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Ninh cho biết: Năm học 2012-2013, nghành GD&ĐT Bắc Ninh tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, tiếp tục nâng cao hiệu lực công tác quản lý hoạt động giáo dục, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục của từng bậc học, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, tăng cường cơ sở vật chất trường học và nâng cao hiệu quả xã hội hoá giáo dục.
ông Đỗ Văn Thuấn - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh khẳng định: Những trọng tâm của ngành giáo dục tỉnh Quảng Ninh năm học 2012 - 2013 được xác định là: Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục; chăm lo, đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục… hứa hẹn gặt hái được nhiều thành tích mới, tiêu biểu hơn trong sự nghiệp giáo dục - đào tạo.
Sáng 5/9, ngày lễ khai giảng của trường THPT chuyên Hạ Long là một ngày hội tưng bừng, quyết tâm giành nhiều thành tích trong năm học sắp tới của tất cả các thày cô giáo và học sinh nhà trường. Năm học 2011 - 2012, thầy và trò Trường PTTH Chuyên Hạ Long đã gặt hái nhiều thành tích đáng tự hào. Chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn được duy trì. Trong năm học trước, toàn trường có 186 học sinh giỏi cấp tỉnh; 50 học sinh đạt giải quốc gia về văn hóa; 3 học sinh đạt giải quốc gia về lĩnh vực thể thao; tỷ lệ đỗ đại học là 97,81% (nguyện vọng 1 là 85,12%).
Tại trường THPT Chuyên Thái Nguyên, năm học 2012-2013, nhà trường xác định tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy; đổi mới phương pháp dạy học; tăng cường cơ sở vật chất; ngiêm túc thực hiện các cuộc vận động gắn với các phong trào thi đua… Riêng năm học 2011-2012 nhà trường có 52 học sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia; tỷ lệ học sinh xếp loại giỏi gần 60%; tỷ lệ tốt nghiệp lớp 12 đạt 100%...
Tại Bắc Giang, năm học 2012- 2013, tỉnh Bắc Giang có 24.586 trẻ vào lớp 1 (đạt 99,99%); 24.249 HS được tuyển vào lớp 6 (đạt 99,99% so với học sinh hoàn thành chương trình tiểu học); tuyển 14.525 học sinh vào lớp 10 THPT công lập, đạt 63,5% so với HS tốt nghiệp THCS. Tổng số HS mầm non, phổ thông là hơn 350.000 HS.
Cơ sở vật chất được sửa chữa, bảo dưỡng: xây mới 274 phòng học, 15 nhà công vụ, 113 phòng chức năng; mua mới 7.154 bộ bàn ghế, 684 bộ máy tính... sẵn sàng cho năm học mới.
Cùng với các địa phương cả nước, sáng 5/9, lễ khai giảng năm học mới 2012 -2013 đã sôi nổi diễn ra ở các huyện, thị, thành phố của tỉnh Khánh Hòa. Gần 26 vạn HS, trên 18 ngàn cán bộ, giáo viên đã bước vào ngày khai giảng.
Năm học 2012 - 2013, tỉnh Khánh Hòa có gần 500 trường từ mầm non đến THPT. Đến ngày khai giảng, việc huy động HS ra lớp đã cơ bản hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch. Toàn tỉnh có hơn 19 nghìn HS vào lớp 1. Tỉnh đã đầu tư hơn 167 tỷ đồng xây mới hơn 400 phòng học, 12.450 m2 phòng chức năng, nhà công vụ và gần 20 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị phục vụ năm học mới.
Ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã đến dự lễ khai giảng tại trường chuẩn quốc gia THPT Lý Tự Trọng - Nha Trang. Năm học vừa qua, gần 85% HS của trường đỗ Đại học, đứng thứ nhì trong toàn tỉnh.Trong ngày khai giảng, nhà trường đã đón nhận bằng khen của Tổng Liên Đoàn Lao động Việt Nam. Bước vào năm học mới, nhà trường quyết tâm giữ vững danh hiệu lá cờ đầu, xây dựng mũi nhọn, tạo thương hiệu chất lượng cao.
Lễ khai giảng tại Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn có sự tham dự của ông Lê Đức Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Trường là nơi đào tạo nhân tài cho tỉnh Khánh Hóa, năm học 2011 - 2012, tỷ lệ HS đỗ Đại học của trường đạt gần 96%. Trường cũng đạt 22 giải trong kỳ thi HS giỏi quốc gia, 72 giải cấp tỉnh và 38 huy chương tại kỳ thi Olympic các tỉnh phía Nam. Đây là một trong 5 trường ở Khánh Hòa được trao học bổng "Sacombank - Ươm mầm cho những ước mơ", với tổng trị giá 50 triệu đồng. Ngay trong lễ khai giảng, 10 HS giỏi có hoàn cảnh khó khăn đã được trao học bổng, với giá trị mỗi suất 1 triệu đồng.
Cũng trong ngày khai giảng, Hội đồng tỉnh Morbihan - Cộng hoà Pháp tài trợ cho Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi 20 suất học bổng, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng cho 20 HS lớp song ngữ tiếng Pháp, học lực khá, giỏi, hạnh kiểm tốt và có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Đây là năm thứ 4 nhà trường tiếp nhận học bổng này.
Ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở GD-DT Khánh Hòa cho biết: "Bước vào năm học 2012 -2013, giáo dục Khánh Hòa tập trung một số công việc: hạn chế tỷ lệ lưu ban bỏ học giữa chừng đối với HS đồng bào dân tộc. Đối với giáo dục mũi nhọn, không chỉ tập trung cho trường THPT chuyên mà tập trung cho các bậc học, cấp học ở các huyện thị thành phố, tạo đà để ngành GD-ĐT Khánh Hòa lấy lại vị thế trước đây với truyền thống thủ khoa các trường đại học cũng như giải quốc gia, quốc tế".
Theo ông Lê Xuân Thân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa: "Năm nay tỉnh vẫn tiếp tục chỉ đạo, Trường Sa, cũng như là các huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, các xã miền núi của các huyện đồng bằng, làm thế nào đó để đảm bảo được cơ sở vật chất, trường lớp học, đặc biệt là đội ngũ giáo viên, chế độ chính sách đối với giáo viên và đối với cả HS. Để làm thế nào đó động viên khích lệ tinh thần học tập và bảo đảm được chất lượng giáo dục đào tạo của tỉnh nhà trong năm học mới".
Báo cáo Sở GD-ĐT tỉnh An Giang cho biết đã có 792 trường học trên địa bàn huy động được 396.386 HS ra lớp, đạt tỷ lệ 97,57% so với kế hoạch huy động 406.700 HS. Trong đó, tổng số HS lớp 6 huy động được so với HS tốt nghiệp tiểu học là 33.072/34.077 em, HS lớp 10 huy động được so với kế hoạch đạt 91,83% (17.948/19.545 HS). Riêng HS ngoài công lập có tỷ lệ huy động đạt thấp hơn (chỉ được 6.550 HS), chiếm 83,7% so với kế hoạch ở các cấp học (7.826 HS).
Ngoài ra, ngành giáo dục tỉnh cũng cho biết từ nguồn vốn ngân sách, tỉnh đã đầu tư 70 tỷ đồng để xây dựng, sửa chữa một số trường THPT với các hạng mục như: Nghiệm thu và đưa vào sử dụng 76 phòng học, 18 phòng học bộ môn, 828 bộ bàn ghế HS, 36 bộ bàn ghế giáo viên, 36 tấm bảng… kịp thời đưa vào sử dụng khai giảng năm học mới.
Đối với các cấp học khác, ngành dành gần 13 tỷ đồng để chỉnh trang trường lớp, trong đó, sử dụng vốn ngân sách trên 11,1 tỷ đồng, còn lại do các nhà hảo tâm, phụ huynh HS đóng góp. Hầu hết các trường đều chỉnh trang lớp học, đường đi, sân chơi… nhằm tạo cảnh quan môi trường sư phạm xanh - sạch- đẹp. Đồng thời, tiến hành tu bổ 2.221 phòng học, 142 phòng học bộ môn, sửa chữa 22.790 bộ bàn ghế HS, 1.863 bộ bàn ghế giáo viên, 31.178 m2 tường rào, sắp xếp lại các thiết bị dạy học…
Bên cạnh chuẩn bị khá đầy đủ cơ sở vật chất cho năm học mới, ngành giáo dục dự kiến trong năm nay, sẽ đầu tư, cải tạo 4 điểm trường theo hướng trường đạt chuẩn quốc gia với tổng kinh phí 13,6 tỷ đồng. Hiện nay, các đơn vị đang lập hồ sơ thiết kế. Riêng Trường THPT Dân tộc nội trú An Giang đang triển khai xây dựng theo dự án đã phê duyệt…