Bạc Liêu:
Trường "nghèo" mừng, tủi ngày khai giảng
(Dân trí) - Một năm học mới đã bắt đầu, những trường “nghèo” đón ngày khai giảng cũng lắm nỗi niềm, vừa mừng vừa tủi.
Ngày khai giảng của thầy và trò Trường Tiểu học Phong Thạnh (xã Phong Thạnh A, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) năm nay có phần phấn khởi hơn. Bởi theo lãnh đạo nhà trường cho biết, trước ngày khai giảng, trường đã cho sửa chữa lại những chỗ hư hại để có một năm học mới tươm tất.
Trường Tiểu học Phong Thạnh được xem là một trường “nghèo” nhất của huyện Giá Rai. Lãnh đạo trường cho hay, cơ sở vật chất của trường đã xuống cấp, khuôn viên hẹp, thiếu thốn nhiều trang thiết bị phục vụ giảng dạy. Năm nay, trường được tạo điều kiện để sửa lại cột, lót nền mới ở điểm trung tâm và các điểm lẻ…nên thầy và trò rất mừng. “Thầy và trò chúng tôi tạm thời không lo lắng nhiều nữa mà sẽ tập trung vào việc dạy tốt học tốt”, thầy phó hiệu trưởng Huỳnh Văn Tuấn chia sẻ.
Lãnh đạo nhà trường cho hay, hiện việc sửa chữa lại cơ sở vật chất ở bên ngoài chỉ là tạm thời vì nhìn chung toàn bộ phòng học, phòng thiết bị đã xuống cấp nặng nề. Sau năm học này, cũng chưa biết trường sẽ chắc chắn đến đâu nếu như không xây được sớm trường mới kiên cố. Quả thật, chỉ nhìn thầy và trò của trường cùng dự khai giảng trong một khuôn viên chật hẹp khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng.
Trường Tiểu học Giá Rai C (thị trấn Giá Rai, huyện Giá Rai) cũng là một trong những điểm trường còn nhiều khó khăn. Không khí khai giảng năm học mới năm nay tại trường cũng sôi nổi nhưng đâu đó vẫn còn những nỗi lo lắng của lãnh đạo nhà trường về cơ sở vật chất và những thiếu thốn khác.
Trong buổi khai giảng, trường tổ chức đón các em học sinh lớp 1 vào trường trong niềm vui chung của thầy và trò cùng các phụ huynh tham dự. Trường cũng nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà hảo tâm trong và ngoài địa phương hỗ trợ học bổng, quà, tập vở…trong năm học mới.
Thầy Trần Văn Út - Phó hiệu trưởng nhà trường cho hay, một trong những nỗi lo của trường là trường có số lượng học sinh nghèo rất đông, trong đó các em là người dân tộc Khmer chiếm số lượng đáng kể. Học sinh nghèo nên việc học tập của các em cũng gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, nhà trường cũng chưa thể hỗ trợ được nhiều cho các em.
Ngoài ra, cơ sở vật chất của trường cũng thiếu thốn, trang thiết bị chưa được đầy đủ phục vụ việc dạy và học; đường vào trường nhỏ hẹp lại không đươc mở rộng… “Năm học mới mừng thì có mừng nhưng cũng lắm nỗi lo là làm sao có đầy đủ những thứ cần thiết nhất để phục vụ cho công tác giảng dạy”, thầy phó hiệu trưởng bộc bạch.
Cùng dự khai giảng, PV Dân trí thấy các em học sinh ngồi chen chúc nhau trong một khoảng sân nhỏ, các em cho biết vui vì năm học mới đã đến nhưng có em cũng bày tỏ mong muốn là năm tới có sân rộng hơn để vui chơi, có phòng học thoáng mát, thậm chí là được học trường lầu như những ngôi trường “giàu” khác.
Huỳnh Hải