Hơn 110 nhà khoa học góp mặt tại Hội nghị Giao lưu khoa học Việt - Nhật lần thứ 11
(Dân trí) - Hội nghị Giao lưu khoa học Việt Nhật lần thứ 11 – VJSE 2018 đã được tổ chức thành công tại trường Đại học Tohoku, Thành phố Sendai, Nhật Bản vào ngày 15/9 vừa qua. Hội nghị được đồng tổ chức bởi hội Thanh niên – Sinh viên Việt Nam tại Sendai, Nhật Bản (VYSA-Sendai); VYSA toàn quốc và Mạng lưới Học thuật Việt Nam tại Nhật Bản (VANJ).
VJSE (Vietnam Japan Scientific Exchange Meeting) là hội nghị thường niên của các nhà khoa học người Việt đang làm việc tại các trường đại học, viện nghiên cứu, các công ty cùng các bạn sinh viên đang theo học các chương trình đại học, cao học và tiến sỹ tại Nhật Bản. Hội nghị cũng thu hút sự tham gia của các giáo sư đầu ngành từ các trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu Nhật Bản.
Năm nay, hội nghị VJSE 2018 được tổ chức với 1 phiên toàn thể, 6 phiên báo cáo chuyên đề và triển lãm poster. Với 8 bài báo cáo chủ đạo, 12 bài phát biểu từ khách mời, 45 bài thuyết trình của các tác giả đến từ 5 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau, VJSE 2018 là một sự kiện khoa học công nghệ mang tính học thuật cao,với nội dung thảo luận đa dạng và phong phú bao gồm những nghiên cứu mới nhất trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, kĩ thuật điện tử, công nghệ vật liệu, nano, nông nghiệp, môi trường và kinh tế.
Sự kiện vinh dự tiếp đón Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy; Giáo sư Noriko Osumi, Phó hiệu trưởng trường Đại học Tohoku, Nhật Bản; Ông Bùi Việt Khôi, Tham tán, Trưởng bộ phận Khoa học & Công nghệ tại Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản; Ông Nguyễn Đức Minh, Phó Vụ trưởng, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Khoa học và công nghệ.
Mở đầu hội nghị, Tiến sỹ Trương Quang Đức (Đại học Tohoku), đồng trưởng ban tổ chức Hội nghị đã có phát biểu khai mạc, báo cáo số lượng người tham gia và số bài phát biểu của hội nghị năm nay, gửi lời cảm ơn tới các nhà tài trợ.
Tiếp theo đó, Giáo sư Noriko Osumi có bài phát biểu chúc mừng sự thành công của hội nghị và nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế Việt - Nhật trong giáo dục và khoa học công nghệ.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết Chính phủ thông qua Sáng kiến mạng lưới sáng tạo Việt Nam rất quan tâm tới việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và tạo điều kiện để các nhà khoa học phát huy cao độ tư duy sáng tạo và tài năng thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ của nước nhà.
Trong phần phát biểu tham luận tại phiên toàn thể, Giáo sư Mitsuo Kaku (Đại học Tohoku và tổ chức y tế thế giới WHO) đã có bài phát biểu về đề tài ngăn chặn các bệnh truyền nhiễm.
Giáo sư Hitoshi Tanaka trình bày về những nghiên cứu về quá trình xói mòn bờ biển tại Hội An và Đà Nẵng. Ông Trần Ngọc Phúc, CEO Công ty Metran giới thiệu về về máy thở nhân tạo dùng cho trẻ sinh non đã được triển khai sản xuất 30 năm qua tại Nhật.
Trong phiên toàn thể thứ 2, Giáo sư Takahito Ono thuyết trình về hệ thống cơ điện tử và kết nội vạn vật (IoT), Giáo sư Phạm Tuấn Anh nói về bảo mật internet trong mối liên hệ với sự phát triển của quantum computing ngày nay, GS Harukazu Nakamura trình bày nghiên cứu về sự hình thành của não.
Trao đổi thảo luận trong phiên toàn thể
Trong lễ tổng kết Hội nghị, Ban tổ chức đã chọn ra 4 giải Bài thuyết trình xuất sắc nhất dành cho các bài trình bày tốt nhất trong từng phiên báo cáo chuyên đề và 4 giải Poster xuất sắc nhất cho các nhóm tác giả trình bày Poster tại Hội nghị. Phần thưởng cho các báo cáo viên được tài trợ bởi Hiệp hội giao lưu kinh tế văn hóa khoa học Miyagi-Vietnam. Cụ thể:
STT | Tênbài | Tác giả | Đơnvị | Giải thưởng |
1 | TNF receptor-associated factors 5 expressed in non-hematopoietic cells augments acute colonic damage induced by dextran sufate sodium | Hai The Phung, Hiroyuki Nagashima, Shuhei Kobayashi, TomoakiMachiyama, Atsuko Asao, Yuko Okuyama, Naoto Ishii, and Takanori So | Tohoku University and University of Toyama, Japan | Bài thuyết trình xuất sắc nhất |
2 | Controlling process of tablet by manufacturing using raman spectrum combined with PCA and PLS analyses | Bui Van Dat, Vu Thanh Hien, Nguyen Thi Hien, Nguyen Thi Minh Hieu, Nguyen Thi Nga, and Nguyen Duc Thien | Hanoi University of Pharmacy, Vietnam | Bài Poster xuất sắc nhất |
3 | Global maximum power point tracking algorithm for photovoltatic systems operated in shading condition with variation of irradiation and temperature | JiradaGosumbonggot and Goro Fujita | Shibaura Institute of Technology, Japan | Bài thuyết trình xuất sắc nhất |
4 | Development of active rectifier in solid state transformer by using embedded coder toolbox | FatinIlyani, Muhammad Syahir, Nguyen Duy Dinh, and Goro Fujita | Shibaura Institute of Technology, Japan | Bài Poster xuất sắc nhất |
5 | High-resolution ARPES study of TIBi(S,Se,Te)2 | C. Trang, S. Souma, T. Sato, Z. Wang, K. Segawa, Y. Ando, and T. Takahashi | Tohoku University, Japan, University of Köln Germany, and Kyoto Sangyo University, Japan | Bài thuyết trình xuất sắc nhất |
6 | Analysis of potential reduction I installed cost for Vietnam wind power | Nhu Anh Quynh Hoang and JusenAsuka | Tohoku University, Japan | Bài thuyết trình xuất sắc nhất |
7 | Controlling purple spot disease on green asparagus (asparagus officinalis) by herbal extract | Nguyen Xuan Duy, Tran Thi My Hanh, and Nguyen Anh Tuan | Faculty if Food Technology, Vietnam | Bài Poster xuất sắc nhất |
8 | 1-butyl-3-methylimidazolium hexafluorophosphate ionic liquid ion source for chemical etching enhancement in focused ion beam applications | Nguyen Van Chinh, Le Van Minh, Takahito Ono, and Hiroki Kuwano | Tohoku University, Japan | Bài Poster xuất sắc nhất |
Trao giải Bài thuyết trình xuất sắc nhất (ảnh: Hoàng Chu).
Khép lại Hội nghị, ban tổ chức xin gửi lời cám ơn chân thành đến ban cố vấn, quý vị khách mời, và toàn thể thành viên tham dự đã đem lại sự thành công của hội nghị. Lời cảm ơn cũng được gửi tới các nhà tài trợ đồng hành cùng VJSE: Bộ khoa học và Công nghệ, Trung tâm Spintronics đại học Tokyo, Công ty BAP IT, Tokyo, Hiệp hội Du lịch và Quốc tế Sendai, Hiệp hội Vietnam-Miyagi. Và đặc biệt xin chân thành cám ơn hội đồng khoa học, chủ trì các phiên báo cáo, các nhà nghiên cứu duyệt bài và các tác giả gửi bài đã tạo nên chất lượng khoa học và tính chuyên nghiệp của Hội nghị.
VYSA-Sendai
Từ Nhật Bản