Hội thảo quốc tế về tiếng Trung Quốc quốc tế trong thời đại mới

Văn Hiền - CTV

(Dân trí) - Sáng 19/12, trường Đại học Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học quốc tế "Giáo dục tiếng Trung Quốc quốc tế trong thời đại mới".

Hội thảo do trường Đại học Hà Nội phối hợp cùng Trung tâm giao lưu hợp tác về ngôn ngữ với nước ngoài thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc (CLEC) và Trường Đại học Sư phạm Quảng Tây tổ chức.

Tham dự hội thảo có hơn 40 nhà nghiên cứu trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc, các chuyên gia Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan nhằm thúc đẩy đổi mới trong giáo dục ngoại ngữ nói chung, và giáo dục tiếng Trung Quốc tại Việt Nam nói riêng.

Hội thảo tập trung vào 6 nhóm vấn đề: Biên phiên dịch và Giáo dục tiếng Trung Quốc trong thời đại mới; Văn tự, Văn học và Văn hóa; Ngữ pháp tiếng Trung Quốc; Giáo trình tiếng Trung Quốc; So sánh ngôn ngữ Việt - Trung; Học và Dạy tiếng Trung Quốc.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Lương Ngọc Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội chia sẻ: "Hội thảo quốc tế lần này còn có ý nghĩa thúc đẩy việc nâng cao trình độ giảng dạy tiếng Trung Quốc quốc tế tại Việt Nam. Đây là cơ hội để các thầy, cô, các nhà nghiên cứu mở rộng giao lưu học thuật và nghiên cứu, cập nhật thêm kiến thức mới, nhằm nâng cao trình độ và năng lực nghiệp vụ".

 Hội thảo quốc tế về tiếng Trung Quốc quốc tế trong thời đại mới - 1

TS Lương Ngọc Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội phát biểu tại hội thảo. 

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Trần Nam Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường cho hay, hội thảo góp phần quan trọng trong việc tăng cường sự hợp tác, giao lưu văn hóa, kinh tế giữa hai quốc gia, thắt chặt tình hữu nghị giữa hai đất nước.

Theo ông Nam, quan hệ Việt Nam và Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác giáo dục và đào tạo.

Cụ thể, Việt Nam là một trong 10 nước có số lượng lưu học sinh tại Trung Quốc đông nhất, với khoảng 13.000 người. Số lưu học sinh Trung Quốc học tập, nghiên cứu tại Việt Nam cũng ngày càng tăng, khoảng trên 4.000 người.

Tại Việt Nam hiện có hơn 30 cơ sở giáo dục đại học đào tạo chuyên ngành Ngôn ngữ Trung Quốc, có 27 chương trình liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục Trung Quốc và Việt Nam được Bộ GD&ĐT cấp phép.

 Hội thảo quốc tế về tiếng Trung Quốc quốc tế trong thời đại mới - 2
Ông Bành Thế Đoàn, Tham tán Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam.

Ông Bành Thế Đoàn, Tham tán Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam khẳng định: "Các ý kiến đóng góp tại hội thảo vô cùng có ý nghĩa, nhất định sẽ thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục tiếng Trung Quốc tại khu vực và Việt Nam. Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam nguyện đồng lòng nỗ lực chung sức cho sự phát triển này".

Tại hội thảo, GS.Su Gui Fa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Quảng Tây, Trung Quốc đã chỉ ra "6 điểm mới" của nền giáo dục tiếng Trung quốc tế. Cụ thể đó là: nhu cầu mới, ý tưởng mới, phương pháp mới, con đường mới, mô hình và sự phát triển mới của việc giảng dạy tiếng Trung quốc tế trong bối cảnh bình thường hóa dịch Covid-19.

 Hội thảo quốc tế về tiếng Trung Quốc quốc tế trong thời đại mới - 3
GS.Su Gui Fa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Quảng Tây, Trung Quốc.

TS Đinh Thị Thanh Nga, Khoa Tiếng Trung Quốc, Trường Đại học Hà Nội trong bài báo cáo "Chương trình đào tạo và hiện trạng giảng dạy tiếng Trung Quốc tại Khoa Tiếng Trung Quốc, Đại học Hà Nội" đã nhấn mạnh: "Chuyên ngành tiếng Trung Quốc của Đại học Hà Nội đã có hơn 60 năm lịch sử, những sinh viên tốt nghiệp đều đang làm việc tại các trường đại học, các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp trên cả nước. Cùng với sự phát triển không ngừng của xã hội, lượng người theo học tiếng Trung ngày càng đa dạng không chỉ dừng lại ở sinh viên. Hiện nay, khung chương trình đào tạo của khoa tiếng Trung Quốc đã hoàn thiện, luôn chú trọng bồi dưỡng năng lực thực tiễn của người học".

 Hội thảo quốc tế về tiếng Trung Quốc quốc tế trong thời đại mới - 4
TS Đinh Thị Thanh Nga, Khoa Tiếng Trung Quốc, Trường Đại học Hà Nội.

Với tiêu đề "Nghiên cứu về giáo dục tiếng Trung Quốc quốc tế trong đại dịch Covid-19", bài báo cáo của GS. TS Zhao Yan Hua, Trường Đại học Sư Phạm Quảng Tây, Trung Quốc đã chỉ ra rằng: "Trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đứng từ góc độ khác thì đây là một cơ hội mới cho sự nghiệp giảng dạy tiếng Trung quốc quốc tế. Giới học thuật, các chuyên gia, giáo viên đều có chung một quan điểm là cần tăng cường, chú trọng về việc bồi dưỡng nhân tài tiếng Trung quốc quốc tế và xây dựng 1 đội ngũ giáo viên có trình độ cao".

Theo GS. TS Zhao Yan Hua việc xây dựng mô hình giảng dạy trực tuyến cần chú trọng vào 3 yếu tố: tương tác - hình thức giảng dạy sẽ là phát trực tiếp và học thông qua các video ghi hình.

Tiếp đó là tạo hứng thú cho người học thông qua các nội dung, phương thức như: tạo ra các trò chơi liên quan đến bài học. Chú trọng sự cảm nhận của người học về nội dung giảng dạy, chú trọng về văn hóa truyền thống và xen kẽ các yếu tố văn hóa của khu vực

GS. TS Furukawa Yutaka, Trường Đại học Osaka, Nhật Bản đã chỉ ra "Vấn đề tam giáo trong việc giảng dạy tiếng Trung Quốc ở nước ngoài" trong đó: "3 vấn đề chính trong giảng dạy tiếng Trung: Dạy cái gì? Dạy như thế nào? Tại sao phải dạy?"

"Dạy cái gì? Là cần phải căn cứ vào trình độ của học sinh để đưa ra chương trình, nội dung giảng dạy cho phù hợp nhất. Dạy như thế nào? Chính là phương pháp giảng dạy cần chú ý nâng cao niềm vui thích trong học tập và mục đích học tập. Tại sao phải dạy tiếng Trung Quốc? Để chúng ta có thể hiểu biết hơn về xã hội Trung Quốc từ con người, văn hóa, xã hội", GS. TS Furukawa Yutaka nói.

Thông qua việc xác định 3 vấn đề chính đó sẽ giúp cho giáo viên xây dựng khung chương trình thích ứng với đại dịch Covid-19 cho nên yếu tố văn hóa truyền thống ngôn ngữ sẽ giúp cho sinh viên không bị áp lực, góp phần nâng cao năng lực của người học đặc biệt là người nước ngoài.

PGS. TS Nguyễn Hoàng Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng trình bày với hội thảo về "Thực trạng và triển vọng về giảng dạy tiếng Trung Quốc bậc phổ thông ở Việt Nam".

 Hội thảo quốc tế về tiếng Trung Quốc quốc tế trong thời đại mới - 5
PGS. TS Nguyễn Hoàng Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Anh cho hay: "Xu thế việc giảng dạy tiếng Trung Quốc ở cả ba cấp bậc của Việt Nam đang tăng lên nhất là ở các tỉnh thành phố giáp biên giới. Tiếng Trung Quốc đang dần trở thành một môn học tự chọn ở bậc tiểu học, việc pháp triển của giảng dạy tiếng Trung Quốc có sự liên quan mật thiết đến giáo dục ở các tỉnh và thành phố.

Trong bối cảnh Covid-19 thì việc ứng dụng các khoa học kỹ thuật mới đã và đang thu hút ngày càng nhiều người học tiếng Trung Quốc, đặc biệt là học sinh bậc phổ thông, độ tuổi của người học tiếng Trung Quốc đang dần trẻ hóa".

Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu và chuyên gia đã trình bày, phân tích và đánh giá được những nội dung trọng tâm liên quan đến việc dạy và học tiếng Trung Quốc trong thời đại mới và đưa ra được các giải pháp cụ thể.