Hội nhập kiểu gì khi ngoại ngữ kém

Theo Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, thanh niên nước ta còn nhiều hạn chế so với thanh niên các nước, nhất là về ngoại ngữ. Quá trình học ngoại ngữ mất nhiều thời gian, phải học đi học lại càng nhiều, càng tốt. Thanh niên sẽ rất khó hội nhập nếu ngoại ngữ kém.


Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan phát biểu tại tọa đàm.

Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan phát biểu tại tọa đàm.

Chiều 24/3, T.Ư Đoàn tổ chức tọa đàm trực tuyến “Thanh niên Chủ động hội nhập quốc tế”. Tham dự và chủ trì tọa đàm có anh Đặng Quốc Toàn, Bí thư T.Ư Đoàn và nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan. Chương trình có 10 điểm cầu trực tuyến trên cả nước.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, anh Đặng Quốc Toàn, Bí thư T.Ư Đoàn cho biết, thanh niên cần chủ động, sáng tạo hơn nữa để phát triển và hội nhập quốc tế. TS Nguyễn Bá Hải (Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM) cho rằng, cần nhận diện đam mê để khởi nghiệp. Theo TS Hải, đam mê chính là cái mà dù có lúc khỏe hay lúc ốm, lúc bận hay nhàn rỗi, lúc có điều kiện hay thiếu thốn, con người ta vẫn thấy “cháy” và có thể “cháy” hết mình khi nghe, khi làm, thậm chí cả khi nghĩ về điều đó.

Chị Đỗ Thị Tú Anh, Tổng thư ký Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội cho rằng, hiện nay, thanh niên có những lợi thế nhất định. Đó là lực lượng đông đảo, năng động, sáng tạo, sức trẻ và tinh thần đoàn kết cao. tuy nhiên, hiện còn một bộ phận không nhỏ học sinh, sinh viên luôn tìm kiếm một công việc mang tính an toàn và có nỗi sợ thất bại khi kinh doanh. Tuy nhiên, ít bạn nghĩ rằng bài học thất bại sẽ giúp nhìn thấy thành công.

TS Nguyễn Bá Hải - Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM chia sẻ quá trình khởi nghiệp tại tọa đàm.
TS Nguyễn Bá Hải - Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM chia sẻ quá trình khởi nghiệp tại tọa đàm.

Theo chị Tú Anh, không phải bạn sinh viên nào cũng dám nói là mình thất bại, họ tránh đề cập đến tiêu cực, sai lầm. Đó là lý do phần lớn ý tưởng kinh doanh, khởi nghiệp đều thất bại hoặc gặp khó khăn. Bởi vậy, các bạn trẻ cần học cách thất bại, làm sao để thất bại một cách nhẹ nhàng nhất; đồng thời chuẩn bị, xác định mức rủi ro tối đa kinh doanh là gì... Nếu làm được như vậy, các bạn sẽ vượt qua được thất bại.

“Các mô hình hỗ trợ khởi nghiệp ở nước ta hiện nay đều được du nhập, học hỏi từ nước ngoài và đã tạo ra nhiều giá trị hỗ trợ cho cộng đồng khởi nghiệp. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có một mô hình khởi nghiệp hoàn chỉnh, tập hợp được hầu hết nguồn lực khởi nghiệp phong phú và mô hình đó chưa chắc đã phù hợp với điều kiện kinh tế - văn hóa Việt Nam”, chị Tú Anh chia sẻ.

Đồng thời chị Tú Anh thẳng thắn: “Đại sứ Hoa Kỳ từng nói: các doanh nghiệp, các nhà lãnh đạo thử rời bàn làm việc ra thị trường xem họ hoạt động thế nào. Điều đó sẽ giúp các bạn có cái nhìn sáng trong kinh doanh và xúc tiến đầu tư. Hoặc, chúng ta thử trình bày trước những người trẻ tuổi đôi mươi, nếu chúng không đứng dậy, không nhìn đi chỗ khác mà đứng nghe chúng ta nói thì khả năng diễn đạt của bạn mới đủ thuyết phục nhà đầu tư”.

Anh Đặng Quốc Toàn, Bí thư T.Ư Đoàn phát biểu.
Anh Đặng Quốc Toàn, Bí thư T.Ư Đoàn phát biểu.

Cần sự mới mẻ, khác biệt

“Để thanh niên khởi nghiệp hội nhập quốc tế, cần xác định rõ khởi nghiệp là gì? Phải bắt đầu từ cái mới mẻ, khác biệt, vượt trội”, ông Vũ Khoan nói. Theo ông Khoan, có hai cái mới mà các bạn trẻ cần quan tâm. Thứ nhất, cái mới từ xã hội đang cấp bách mà chưa ai làm, chưa ai tìm ra. Ví dụ như hiện nay hạn hán, nước mặn đang xâm lấn làm ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của bà con và có ảnh hưởng lớn đến một nền nông nghiệp lúa nước có từ lâu đời… Vậy câu hỏi đặt ra là các bạn trẻ cần phải làm gì để thay đổi hoàn toàn nền nông nghiệp? Nếu không trồng lúa nữa thì chúng ta sẽ làm thế nào?…

Cái mới thứ hai chính là cần tìm ra trên thế giới chỗ nào có kẽ hở để có thể sáng tạo, phát triển. Ví dụ, lĩnh vực công nghệ thông tin rất mênh mông, nhưng thanh niên cần tìm những gì mà thế giới chưa làm để mình làm. “Hiện nay, hội nhập quốc tế đã len lỏi vào mỗi ngõ ngách trong mỗi gia đình, nó quyết định đến hành vi của mỗi cá nhân. Vậy câu hỏi đặt ra khi thanh niên chủ động hội nhập quốc tế thì vào khi nào? bằng cách nào? lĩnh vực nào? hội nhập quốc tế ở đâu?”, nguyên Phó Thủ tướng nói

Cũng theo ông Vũ Khoan, thanh niên nước ta còn nhiều hạn chế so với thanh niên các nước, nhất là về ngoại ngữ. Quá trình học ngoại ngữ mất nhiều thời gian, phải học đi học lại càng nhiều, càng tốt. Thanh niên sẽ rất khó hội nhập nếu ngoại ngữ kém.

“Mừng là thanh niên Việt Nam sẽ có hướng đi mới; lo vì thực tế Việt Nam từ trước có rất nhiều khái niệm bay bổng. Như khái niệm Hội nhập. Khắp nước nói hội nhập nhưng nhiều người lại không biết khái niệm hội nhập là gì, không biết làm thế nào để hội nhập. Khái niệm Khởi nghiệp cũng vậy, hiện nay được nói nhiều nhưng lại không biết làm thế nào, tìm đề tài khởi nghiệp nào cho phù hợp”, ông Khoan nói.

Theo Nguyễn Hoan - Nguyễn Hiền

Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm