Hội nghị Thường vụ TƯ Hội Khuyến học VN: Đưa khuyến học gần hơn với người dân
(Dân trí) - Hội nghị Ban Thường vụ TƯ Hội Khuyến học Việt Nam lần thứ 4 – khóa V đã nghe báo cáo tổng kết công tác khuyến học, khuyến tài năm 2017 và phương hướng nhiệm vụ của Hội năm 2018. Mục tiêu năm qua của Hội là giữ vai trò chủ chốt trong việc triển khai và hoàn thành tốt Chỉ thị 11 – CT/TW, đưa khuyến học gần hơn với người dân trên cả nước.
Vai trò của Hội trong kết nối nhân dân
Tại hội nghị, GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học đã điểm lại thành công của Hội trong năm qua. Thực hiện thành công 10 nhiệm vụ của Đại hội V, Hội Khuyến học Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai địa trà nhiệm vụ xây dựng mô hình “gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “ Đơn vị học tập theo quyết định 89/QĐ-TTg và 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã hội học tập đạt nhiều thắng lợi.
Năm 2017, Hội đã thực hiện thành công tổng kết Chỉ thị 11 – CT/TW của Bộ Chính trị trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Trong đó Hội Khuyến học luôn giữ vai trò chủ chốt trong việc triển khai và hoàn thành tốt chỉ thị, đưa khuyến học gần hơn với người dân trên cả nước.
Ngay tại phiên thảo luận, GS Doan đã chỉ ra, theo báo cáo về hoạt động trung tâm học tập cộng đồng của Bộ là 3% số người dân tham gia, còn của Hội là hơn 30%. Vậy cần rà soát lại số công dân đi học tại các trung tâm đó có đúng hay không và trung tâm Cộng đồng học tập cấp xã nên đánh giá như thế nào để chính xác hơn?. TƯ Hội và các tỉnh, thành phố nên đánh giá lại tiêu chí này.
Đưa “gia đình văn hóa” và “gia đình học tập” về thành một
Ông Lê Duy Vị, Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh Thái Nguyên, phát biểu dưới góc độ cụm trưởng cụm thi đua Đông Bắc gồm 8 tỉnh để minh chứng cho việc hoạt động khuyến học với các tỉnh .
Năm 2017 là năm có nhiều khởi sắc, tổ chức hội ngày càng mạnh mẽ và đang hướng vào các cơ quan đơn vị. Số hội viên các tỉnh phía Bắc khó khăn như Cao Bằng, Điện Biên… đã tăng trên 20%; các tỉnh Thái Nguyên, Quảng Ninh thì lại có số cao hơn 60%. Là những con số đáng mừng, từ đó cần để Khuyến học đi sâu hơn nữa vào các hoạt động của các cơ quan doanh nghiệp, đơn vị Nhà nước cao hơn.
Ông Vị đề xuất, làm sao phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch để lồng ghép chương trình Khuyến học với chương trình Gia đình văn hóa, khu văn hóa. Từ đó ta có thể bình xét trên tiêu chí gia định văn hóa phải là gia đình học tập hoặc ngược lại để nâng cao hơn nữa chất lượng các gia đình, cộng đồng, xã, huyện học tập toàn diện về mặt tổ chức và phong trào.
Bà Nguyễn Thị Kim Hải, Chủ tịch Hội khuyến học Phú Thọ
Đồng ý với đề xuất trên, bà Nguyễn Thị Kim Hải, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ rất mong muốn Ban thường vụ Hội sẽ thảo luận, đề xuất và kí kết với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để thực sự đưa khuyến học tới gần hơn với người dân theo chỉ thị chung của Bộ Chính trị.
Bà Kim Hải cho rằng, chỉ khi ta nhất thế hóa được 2 phong trào thi đua đó thì người dân mới thực sự hiểu được thế nào là toàn xã hội học tập, từng người, từng nhà học bằng nhiều phương thức khác nhau. Nếu làm được điều đó, làn sóng học tập và công dân học tập sẽ rất dễ dàng đi vào thực tế đời sống.
TƯ liên kết với các Hội khác giúp cho việc thực hiện mô hình học tập suốt đời cùng với các tổ chức chính trị xã hội được tốt, làm tiền đề để các đơn vị địa phương chiếu theo đó mà thực hiện đồng bộ và chấp thuận kí kết giữa các đơn vị được dễ dàng hơn. Các tỉnh vừa đảm bảo việc khuyến học, khuyến tài, công tác học tập suốt đời, vừa xây dựng nhiều mô hình mới.
Muôn vài điểm khó trong chính sách
Bên cạnh những thành công, nhiều ủy viên Ban thường vụ đã đưa ra các ý kiến về việc cụ thể hóa chính sách hơn nữa để phù hợp với thực tế hoạt động cơ sở.
Ông Lê Minh Thanh, Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh Tây Ninh cho biết điểm khó lớn nhất của các Hội Khuyến học miền Đông Nam Bộ về mặt kinh phí hoạt động và quyền lực bị hạn chế. Các cán bộ khuyến học địa phương tham gia với tiêu chí “3 có”: “Có nhiệt tình, có tâm huyết và có tuổi” là thực trạng lớn đăt nguồn về mặt nhân lực ra tại các địa phương cơ sở.
Ông Thanh nêu một thực tế đang đặt ra ở nhiều xã ở trong tỉnh Long An, tỉnh Tây Ninh…các đơn vị hội khuyến học do xã quản lí là không phù hợp, phải là đơn vị do huyện quản lí mới phát huy được đúng vai trò và vị thế làm việc của Hội cơ sở.
Cho nên TƯ Hội phải có văn bản hướng dẫn cụ thể, để làm căn cứ xin huyện công nhận quản lí, cụ thể hóa hơn và có hiệu lực hoạt động hơn, không thể kiểu “áo gấm đi đêm” mãi được. Nhiều xã đã hoàn thành chỉ tiêu xã học tập, đợi hoàn thành huyện học tập nhưng không được các cấp công nhận thì không thể tạo ra phong trào mạnh.
Bà Phạm Thị Bích Lựa, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Quảng Bình
Bổ sung thêm về những điểm bất cập trong chính sách Ban thường vụ Hội cần lưu ý, bà Phạm Thị Bích Lựa, Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh Quảng Bình, vấn đề huy động nguồn lực giáo viên tới dạy bổ túc ở các trung tâm văn hóa cộng đồng, như chỉ tiêu thi đua của Hội là không hợp lí.
Bởi vì, hiện nay biên chế đang tinh giảm, Sở Nội vụ quản lí lương và nhân sự, Hội Khuyến học không thể vận động được các giáo viên nếu không có hỗ trợ. Cho nên buộc lòng phải nhờ vào UBND các tỉnh làm việc với sở Nội vụ để cụ thể hóa chính sách này.
Kiện toàn Bộ máy nhân sự Hội
Chủ trì phiên thảo luận của Ban Thường vụ Hội, GS.TS Nguyễn Thị Doan hoan nghênh các báo cáo, các đóng góp của các đại biểu “đã đằm vào thực tế”, nhìn từ cơ sở mà đề xuất bổ sung những thiếu xót cho Hội trong việc tổ chức và hoạt động.
GS Doan giải đáp luôn các đề xuất của đại biểu tại hội nghị: Mô hình học tập tại quận và huyện sẽ làm rõ trong trường hợp. Nếu 100% các đơn vị trong huyện đạt tiêu chí đơn vị học tập thì mới đạt được huyện học tập. Đồng thời Hội sẽ kiến nghị đưa các hội khuyến học xã về cho huyện quản lí, tạo sự đồng nhất và tính toàn diện cao hơn.
Về việc kết hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch về nhất thể hóa các danh hiệu thi đua giữa “gia đình văn hóa” và “gia đình học tập”, Hội hứa sẽ kết nối và thực hiện lên kế hoạch trong đầu năm 2018. Đồng thời, các tỉnh, huyện vẫn cứ đồng hành cùng các đơn vị này như từ trước, trong khi chờ TƯ Hội ký kết.
Kết thúc phiên làm việc của Ban Thường vụ Hội Khuyến học, các đại biểu đã 100% nhất trí cho 02 đồng chí trong Ban Thường vụ và 05 đồng chí trong Ban chấp hành Hội xin nghỉ và biểu quyết thông qua bổ sung thêm 02 đồng chí vào Ban thường vụ, 05 đồng chí vào Ban Chấp hành Hội. Các chức danh cụ thể sẽ được công bố trong Hội nghị Ban chấp hành Hội Khuyến học Việt Nam vào sáng ngày 28/12./.
Hà Cường