Hội nghị quốc tế về hợp tác nghiên cứu khoa học Việt Nam - Ba Lan lần thứ 4
(Dân trí) - Hội thảo Quốc tế Lần thứ 4 về Hợp tác Nghiên cứu Khoa học giữa Việt Nam và Ba Lan trong các lĩnh vực như: các Khoa học về Trái đất, Công nghệ vật liệu, Vật lý ứng dụng và Khoa học xã hội đã diễn ra tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ AGH Kraków, Ba Lan (AGH-UST) trong 3 ngày từ 20 - 22/11 vừa qua.
Về phía Ba Lan có GS. TSKH Tadeusz Słomka - Hiệu Trưởng Trường AGH-UST, ThS Marta Foryś Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế của Trường AGH-UST cùng các giáo sư, tiến sĩ, các cán bộ của Trường AGH và NCS Ba Lan.
Đến với Hội nghị từ Việt Nam có PSG.TS Trần Thanh Hải - Hiệu phó Trường Đại học Mỏ Địa Chất Hà Nội (HUMG), ThS. Hồ Chí Hưng- Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt-Ba Lan, TS Trần Tú Ba - Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Mỏ - Vinacomin, PGS.TS Nguyễn Văn Giảng – Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện Vật lý địa cầu - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, ThS. Ngô Bá Bạt - Công ty Vận tải đường biển Việt Nam cùng nhiều cán bộ giảng dạy của HUMG và các trường đại học khác của Việt Nam.
Hội nghị còn có GS. TSKH Mai Xuân Lý – Chủ tịch CLB Lê Quý Đôn tại Ba Lan, TSKH Ngân Như Kim Hoa Tarnawska, GS UP Kraków và đông đảo các nghiên cứu sinh, thực tập sinh và sinh viên Việt Nam đang theo học ở Ba Lan tham dự.
Khai mạc Hội nghị, Hiệu trưởng trường AGH-UST Tadeusz Słomka và Hiệu phó trường ĐH Mỏ Địa chất Trần Thanh Hải đã nêu nên tính quan trọng và những hiệu quả thiết thực của sự hợp tác trong nghiên cứu khoa học (NCKH) giữa các cơ quan khoa học của hai Nước. Đặc biệt trong bài diễn văn của GS Hiệu trưởng T. Słomka đã khẳng định sự tiến bộ trong khoa học có được phần lớn phải nhờ vào sự trao đổi khoa học qua sự hợp tác Quốc tế.
Hội nghị Ba Lan - Việt Nam lần thứ 4 có 82 báo cáo trong đó có 56 báo cáo oral và 26 poster được chia thành 12 tiểu ban như Địa chất, Địa Du lịch, Địa Vật lý, Vật lý ứng dụng, Vật liệu nano, Trắc địa Công trình, Trắc địa Mỏ, Khai thác Mỏ, Kỹ thuật khoan, Bảo vệ môi trường, Khoa học xã hội, Giáo dục và Hợp tác Quốc tế. Hầu hết các báo cáo đều có liên quan trực tiếp đến các đề tài nghiên cứu của VN và Balan và các lĩnh vực mang tính thời sự như Vật lý Vi sinh, Vật liệu nano. Trong số các báo cáo có nhiều báo cáo của các nghiên cứu sinh và thực tập sinh Việt Nam đang theo học ở Ba Lan.
Có thể nói, Hội nghị như một cầu nối trao đổi rất bổ ích cho tất cả cán bộ khoa học và đặc biệt là cho những các cán bộ trẻ mới bước vào con đường nghiên cứu khoa học.
Việc hợp tác, trao đổi nghiên cứu khoa học giữa hai trường AGH-UST và HUMG đã giúp rất nhiều cho sự phát triển khoa học kỹ thuật không những cho những cán bộ của hai Trường mà còn cho các cơ quan, doanh nghiệp của hai nước Balan và Việt nam.
Dương Hào - Đình Châu