Hội nghị giao ban 5 Sở GD-ĐT “đầu tàu”

(Dân trí) - Sáng nay 25/11, tại Cần Thơ diễn ra Hội nghị giao ban lần nhất năm học 2008-2009 của 5 Sở GD-ĐT thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TPHCM và Cần Thơ (vùng 7).

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội nghị.

 

Theo báo cáo giao ban, các Sở GD-ĐT tiếp tục thực hiện triển khai các cuộc vận động và cụ thể hóa những nhiệm vụ của mỗi cấp học, bậc học thành những tiêu chí thi đua phù hợp với ngành nghề sư phạm và chủ đề của năm học như: Hà Nội đặt mục tiêu “Kỷ cương nghiêm, chất lượng thực, hiệu quả cao”; Hải Phòng với mục tiêu “6 điểm tư cách và 6 lời thề của người làm nghề dạy học”; Đà Nẵng thực hiện “Trường thân thiện - Thầy tích cực - Trò sáng tạo - Nền nếp tốt - Chất lượng cao”; TPHCM với mục tiêu “Sống có trách nhiệm, năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị”; Vùng 7 “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới cơ chế quản lý tài chính và triển khai phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

 

Các cuộc vận động đã đi vào hoạt động thực tiễn của toàn ngành, được xã hội quan tâm và đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên vẫn còn khó khăn là nhận thức của một bộ phận cán bộ, giáo viên còn chưa kịp với sự chuyển biến của giáo dục hiện nay. Các vùng miền thuộc thành phố, đặc biệt vùng sâu, vùng xa, giáo viên, học sinh còn có sự chênh lệch về nhận thức trong quá trình thựcn hiện cuộc vận động.

 

Về tình hình học sinh bỏ học sau hè, nhìn chung các sở giáo dục tích cực vận động được nhiều em trở lại lớp. Trong đó, riêng ngành giáo dục Hà Nội không có học sinh bỏ học. Hải Phòng có 143 học sinh THPT bỏ học, chủ yếu ngoài công lập. Đà Nẵng có 3 học sinh Tiểu học, 186 học sinh THCS và 84 học sinh THPT bỏ học. TPHCM có tỷ lệ học sinh Tiểu học là 0,06%; THCS tỷ lệ 0,45%; THPT tỷ lệ 0,94% bỏ học. Cần Thơ có tỷ lệ học sinh Tiểu học là 0,60%; THCS là 3,51% và THPT là 2,40% bỏ học. Nguyên nhân chủ yếu là do các em có học lực yếu kém không có khả năng lên lớp hoặc tốt nghiệp cấp học; do hoàn cảnh gia đình khó khăn; do xa trường, đi lại không thuận tiện…

 

Qua việc thực hiện các cuộc vận động, trong năm học này, tỷ lệ học sinh yếu kém giảm đáng kể và chưa phát hiện học sinh nào ngồi sai lớp.

 

Về phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, mỗi Sở Giáo dục đều chọn nội dung ưu tiên phù hợp với điều kiện thực tế và nhu cầu như mỗi trường phổ thông đều có nhà vệ sinh, thường xuyên đảm bảo sạch sẽ; mỗi trường đều nhận chăm sóc và phát huy giá trị một di tích văn hóa, lịch sử, cách mạng; dạy và học có hiệu quả, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi của học sinh, giúp các em tự tin…

 

Hội nghị giao ban 5 Sở GD-ĐT “đầu tàu” - 1

Các Sở Giáo dục ký kết giao ước thi đua dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng cùng các Cục, Vụ, Viện ngành giáo dục. 

 

Về việc thực hiện đề án kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên ngành Giáo dục Hà Nội thực hiện nguồn vốn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ năm 2008 đã phân bổ cho 53 trường. Ngành Giáo dục Cần Thơ xây dựng được 8 công trình phòng học (44 phòng học) và 11 công trình xây dựng nhà công vụ giáo viên (60 căn). Ngành Giáo dục Hải Phòng được Trung ương hỗ trợ 2 tỷ 500 triệu đồng, Sở đã phân bổ cho 3 trường. Ngành Giáo dục Đà Nẵng được Trung ương hỗ trợ 2 tỷ 100 triệu đồng, Sở đã phân bổ cho 2 trường.

 

Triển khai xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin vào đổi mới phương pháp dạy học, vào quản lý giáo dục các Sở đã lập kế hoạch và đẩy mạnh triển khai trong ngành nhằm thực hiện chủ đề của năm học.

 

Các Sở cũng đã thực hiện việc quyên góp, ủng hộ học sinh, giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Hà Nội quyên góp được trên 2 tỷ đồng; Hải Phòng quyên góp hơn 300 triệu đồng; Đà Nẵng quyên góp được 400 triệu đồng… và nhiều hiện vật khác.

 

Các Sở cũng đã có những kiến nghị như cần tăng mức học phí và các khoản thu khác; có chính sách về phát triển và xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý và cải các chế độ tiền lương; nghiên cứu đề xuất việc không trích 40% nguồn thu học phí cho cải cách tiền lương đối với ngành giáo dục; điều chỉnh thực hiện làm việc 40h/tuần đối với giáo viên các trường THPT; ban hành quy trình thực hiện chuyển đổi mô hình các trường Dân lập sang trường Tư thục; việc quản lý các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài khá phức tạp nên cần có sự thống nhất quản lý giữa các cấp, ban, ngành; cần có cơ chế quản lý phù hợp đảm bảo chất lượng đào tạo và cơ hội được học nghề, chuyển đổi nghề trong xã hội…

 

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các Sở Giáo dục cần hình thành mạng liên kết để tạo kho tài nguyên, bài giảng điện tử tham khảo chung; cần đưa văn hóa đời sống vào nhà truờng; mỗi quận, huyện phải có ít nhất 1 trường đăng ký trường học thân thiện; cần có những buổi thảo luận sâu phương pháp giảng dạy 3 môn văn - sử - địa…

 

Phó Thủ tướng yêu cầu việc thu học phí không gây quá tải cho người học vì nhiều nơi còn rất khó khăn; đối với các trường có yếu tố nước ngoài và học phí các trường ngoài công lập cần phải công khai chất lượng, tài chính để phụ huynh lựa chọn cho con em mình vào học. 

 

Phó Thủ tướng còn yêu cầu 5 Sở Giáo dục cần tạo cơ chế tốt phát triển giáo dục tạo mọi điều kiện cho ngành giáo dục phát triển, tạo nên bài học cho các địa phương khác phát triển.

 

Huỳnh Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm