Bình Định:

Hội nghị đầu tiên tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành

(Dân trí) - Sáng nay 12/8, tại TP Quy Nhơn (Bình Định), tỉnh Bình Định phối hợp với Hội Gặp gỡ Việt Nam (Pháp) và Bộ Khoa học & Công nghệ tổ chức khánh thành giai đoạn I, Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE).

Về dự có Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị; ông Nguyễn Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, địa phương cùng 200 nhà khoa học đến từ 30 quốc gia vùng lãnh thổ. Đặc biệt là sự có mặt của 5 giáo sư đoạt giải thưởng Nobel.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại lễ khánh thành Trung tâm ICISE.
a
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại lễ khánh thành Trung tâm ICISE.

Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành do Giáo sư Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam đầu tư, được xây dựng trên diện tích 18,4 ha thuộc phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Đến nay dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 với 1 hội trường lớn, 1 hội trường nhỏ, 2 phòng hội thảo, các phòng làm việc.

GS Trần Thanh Vân chia sẻ: “Hôm nay tôi rất vui mừng vì sự quan tâm của Đảng Nhà nước, Bộ ban ngành, lãnh đạo tỉnh Bình Định và sự hiện diện của hàng trăm nhà khoa học và 5 nhà Nobel trên thế giới về đây dự lễ khánh thành Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành. Sự ra đời của trung tâm sẽ là nơi để các nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới hội tụ để thông báo những kết quả khám phá khoa học mới nhất”.

5 Giáo sư đoạt giải thưởng Nobel cùng GS. Ngô Bảo Châu (ngoài cùng) dự lễ.
5 Giáo sư đoạt giải thưởng Nobel cùng GS. Ngô Bảo Châu (ngoài cùng bên phải) dự lễ.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết: “Sự kiện khánh thành Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành và Hội nghị Quốc tế với chủ đề “Cửa sổ nhìn ra Vũ trụ” tại TP Quy Nhơn đã đặt thêm một dấu mốc quan trọng với sự nỗ lực của cộng đồng các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam, của Hội Gặp gỡ Việt Nam, của lãnh đạo các ban ngành, tỉnh Bình Định và của cá nhân vợ chồng GS. Trần Thanh Vân trong việc hỗ trợ đắc lực, cụ thể cho các nhà khoa học Việt Nam nói chung và các nhà khoa học trẻ nói riêng”.

Phát biểu tại lễ khánh thành, Phó Thủ tướng cho biết thêm, trong Chiến lược phát triển KH & CN Việt Nam đến năm 2020, Chính phủ quan tâm, đó là thực hiện dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ vì sự phát triển đất nước. Bên cạnh đó, Đảng ta cũng nhấn mạnh việc chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để cập nhật trí thức khoa học và công nghệ tiên tiến trên thế giới, thu hút nguồn nhân lực và chuyên gia người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài tham gia các dự án KH & CN của Việt Nam. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập viên sau khi đào tạo ở nước ngoài về nước nhà làm việc.

Phó Thử tướng Nguyễn Thiện Nhân tặng quà lưu niệm cho các nhà Nobel và các giáo sư.
Phó Thử tướng Nguyễn Thiện Nhân tặng quà lưu niệm tới các nhà Nobel và các giáo sư.

Về phía lãnh đạo tỉnh, ông Lê Hữu Lộc - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định phấn khởi cho biết: “Việc ra đời Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành là niềm vinh dự cho nhân dân tỉnh Bình Định. Đây không chỉ là phục vụ cho nhu cầu giao lưu, gặp gỡ giữa các nhà khoa học trong ngoài nước mà còn là đầu mối liên kết giữa các nền khoa học trẻ Châu Á với những trung tâm lớn trên thế giới”.

Giáo sư Nobel Glasshow nói: “Tôi cảm thấy vinh dự khi được mời đến từ nửa vòng trái đất để phát biểu vài lời trong khoảnh khắc tốt lành và trang trọng tại lễ khánh thành Trung tâm. Hôm nay là một ngày của đỉnh cao, ngày là giấc mơ của những người bạn, người đồng nghiệp thân mến của tôi - GS. Trần Thanh Vân và GS. Lê Kim Ngọc, những người mà tôi quen biết quý mến. Trung tâm kỳ diệu này được xây dựng dành cho giáo dục, nơi truyền cảm hứng sáng tạo cho các thế hệ sinh viên, nhà khoa học trẻ Việt Nam và các nước láng giếng châu Á. Những khám phá khoa học mới sẽ được thông báo thường xuyên ở đây nhằm khuyến khích những nghiên cứu thông qua hợp tác và trao đổi thông tin quốc tế, đó là cách các nước trên thế giới làm việc cùng nhau. Hãy để cho các cánh cửa nhìn ra vũ trụ mở toang…!”.

Nhà Nobel Shedon Lee Glashow trình bày báo cáo trong hội nghị Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ sáng nay.
Nhà Nobel Shedon Lee Glashow trình bày báo cáo tại hội nghị Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ sáng nay.

Cũng trong sáng và chiều nay tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành, Hội Gặp gỡ Việt Nam khai mạc Hội nghị khoa học quốc tế về Vật lý với chủ đề “Cửa sổ nhìn ra Vũ trụ”. Tại hội nghị này, hai Giáo sư đạt giải Nobel sẽ trình bày hai báo cáo chuyên đề về Vật lý năng lượng cao và Vật lý Nano - nền tảng của những ứng dụng. Hội nghị thông báo những kết quả mới nhất về Vật lý hạt, Vật lý thiên văn và Vũ trụ học.

Một số hình ảnh tại buổi lễ tại khánh thành Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành và Hội nghị "Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ":

Nhà Nobel Shedon Lee Glashow trình bày báo cáo trong hội nghị Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ sáng nay.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao quà lưu niệm tới GS. Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam.

GS Shedon Lee Glashow tươi cười nhận hoa và quà lưu niệm.
GS Shedon Lee Glashow nhận hoa và quà lưu niệm.

GS. Ngô Bảo Châu giới thiệu bức hình tranh cát với nhà Nobel Vật lý 
GS. Ngô Bảo Châu (bên phải) giới thiệu bức hình tranh cát với nhà Nobel Vật lý Georges Smoot.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân trao quà kỷ niệm đến nhà Nobel người Mỹ 
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân trao quà kỷ niệm đến nhà Nobel người Mỹ Jack Steinberger.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân trồng cây lưu niệm tại Trung tâm.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trồng cây lưu niệm tại Trung tâm ICISE.

GS. Ngô Bảo Châu trồng cây lưu niệm tại Trung tâm.
GS. Ngô Bảo Châu trồng cây lưu niệm tại Trung tâm ICISE.
 
Doãn Công