Hội đồng Quốc gia Giáo dục họp phiên đầu tiên về giáo dục phổ thông

Nhật Hồng

(Dân trí) - Ngày 13/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì Phiên họp đầu tiên của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2022-2026.

Tại Phiên họp, ông Chu Đức Nhuận, Vụ trưởng Vụ Khoa giáo - Văn xã, Văn phòng Chính phủ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2022-2026. Theo đó, Chủ tịch Hội đồng là Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. Phó Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.

27 Ủy viên gồm đại diện lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng một số trường đại học, phổ thông...

Hội đồng Quốc gia Giáo dục họp phiên đầu tiên về giáo dục phổ thông - 1

27 thành viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2022-2026 họp phiên đầu tiên.

Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực có nhiệm vụ tư vấn giúp Thủ tướng những vấn đề liên quan đến đổi mới giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực hay việc triển khai các luật về giáo dục, Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, Khung trình độ giáo dục quốc gia, các đề án lớn hay chiến lược phát triển giáo dục, giáo dục nghề nghiệp.

Hội đồng này cũng sẽ nghiên cứu, tư vấn Chính phủ, Thủ tướng trong việc đưa ra quyết định các chính sách, biện pháp quan trọng về giáo dục; góp ý kiến xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách, đề án quan trọng và những vấn đề chuyên môn khác do Thủ tướng yêu cầu.

Bộ GDĐT là cơ quan thường trực của hội đồng. Văn phòng - cơ quan giúp việc cho hội đồng - đặt tại Bộ GDĐT, có biên chế công chức thuộc Bộ, làm việc theo chế độ chuyên trách, kiêm nhiệm hoặc biệt phái.

Đổi mới kiểm tra, đánh giá trong giáo dục phổ thông

Chuyên đề được thảo luận trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực là về công tác đổi mới kiểm tra, đánh giá trong giáo dục phổ thông. Thay mặt cơ quan thường trực Hội đồng, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ đã trình bày báo cáo nêu rõ thực trạng về kiểm tra, đánh giá; giải pháp đổi mới kiểm tra, đánh giá và một số nội dung xin ý kiến Hội đồng.

Theo đó, trong quá trình chỉ đạo triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2006 và chương trình GDPT 2018, Bộ GDĐT đã ban hành hệ thống văn bản pháp lý để chỉ đạo kiểm tra, đánh giá học sinh; chỉ đạo và triển khai một số hoạt động trong phương thức kiểm tra, đánh giá kết quả dựa trên chuẩn kiến thức, kỹ năng hoặc theo năng lực của học sinh; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng tăng cường năng lực cho đội ngũ giáo viên về năng lực triển khai các hoạt động kiểm tra, đánh giá.

Việc kiểm tra, đánh giá học sinh được triển khai ở các cấp học trong chương trình GDPT được cải tiến theo từng giai đoạn trên cơ sở tiếp thu về khoa học đo lường đánh giá, kinh nghiệm triển khai kiểm tra, đánh giá của các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới và đúng theo quy định của Luật Giáo dục về nội dung giáo dục, phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động giáo dục và kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục ở mỗi lớp, mỗi cấp học.

Về một số giải pháp đổi mới kiểm tra, đánh giá, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết về 7 giải pháp: Đó là xây dựng và ban hành quy định về chuẩn đánh giá theo chương trình GDPT 2018. Tăng cường đánh giá năng lực thực hành, năng lực vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề/tình huống thực tiễn. Đổi  mới nội dung và hình thức thi tốt nghiệp THPT đảm bảo đáp ứng đồng bộ với việc triển khai chương trình GDPT 2018.

Hội đồng Quốc gia Giáo dục họp phiên đầu tiên về giáo dục phổ thông - 2

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại phiên họp.

Hình thức kiểm tra, đánh giá đảm bảo thuận lợi trong quá trình thực hiện gắn với đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, tạo thuận lợi cho giáo viên và học sinh. Hoàn thiện quy trình kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học thực sự phù hợp, thuận tiện trong thực hiện, bảo đảm tính khoa học, chính xác, công khai, minh bạch.

Tăng cường đổi mới quản lý việc thực hiện chương trình và kế hoạch giáo dục theo hướng phân cấp, giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục, củng cố kỷ cương, nền nếp trong dạy học, kiểm tra, đánh giá. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra, đánh giá. Đào tạo đội ngũ cán bộ, giáo viên có năng lực về kiểm tra, đánh giá đáp ứng đổi mới giáo dục.

Trao đổi xung quanh việc đổi mới kiểm tra, đánh giá ở bậc phổ thông, các thành viên Hội đồng cho rằng, việc kiểm tra, đánh giá học sinh phổ thông cần dựa trên khung chuẩn năng lực thống nhất, liên thông đối với từng lứa tuổi, cấp học bằng cả kiến thức và kỹ năng; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quá trình đánh giá. 

Bên cạnh đó, việc kiểm tra, đánh giá cần huy động sự tham gia nhiều hơn của các bên liên quan như phụ huynh, cộng đồng cùng với giáo viên và học sinh, đặc biệt là cần tạo không gian cho nhà trường, giáo viên sáng tạo về các biện pháp thực hiện.

Về chương trình làm việc của Hội đồng nhiệm kỳ 2022-2026, Bộ GDĐT - cơ quan thường trực của Hội đồng, đã đưa ra 12 nhóm vấn đề lớn, gồm:

Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ chương trình, phương pháp dạy và học; quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo; đổi mới quản lý giáo dục và quản trị nhà trường; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tăng cường huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực;

Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học; tăng cường hội nhập quốc tế; bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục; xây dựng xã hội học tập và văn hóa khởi nghiệp; hoàn thiện cơ chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.

Các vấn đề giáo dục cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học

Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2022-2026 yêu cầu Bộ GDĐT hoàn thiện báo cáo chuyên đề về đổi mới kiểm tra, đánh giá trong giáo dục phổ thông, để tới đây đưa vào nội dung báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Nêu rõ một trong những nhiệm vụ của Hội đồng là giúp chuẩn bị tổng kết Nghị quyết 29-NQ/TW khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, Hội đồng cần lần lượt đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ đặt ra trong Nghị quyết 29-NQ/TW khóa XI.

Trong đó có khung hệ thống giáo dục quốc dân; khung chương trình bảo đảm hội nhập phù hợp với khung chương trình của ASEAN, tiệm cận với quốc tế; đổi mới chương trình, sách giáo khoa; phương thức dạy và học; đánh giá, kiểm tra; đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT và quản trị cơ sở giáo dục, nhất là quản trị trong trường phổ thông; nghiên cứu về khoa học giáo dục; thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương; hợp tác quốc tế…

Hội đồng Quốc gia Giáo dục họp phiên đầu tiên về giáo dục phổ thông - 3

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu kết luận phiên họp.

Phó Thủ tướng đề nghị mỗi phiên họp của Hội đồng bàn sâu về từng chuyên đề, trong đó cần phát huy hiệu quả, thực chất vai trò của các chuyên gia, nhà khoa học về giáo dục thông qua các tiểu ban chuyên môn, bao gồm cả các thành viên Hội đồng nhiệm kỳ mới và nhiệm kỳ cũ. Hội đồng có trách nhiệm kết nối các hội chuyên ngành, cơ quan chuyên môn để thống nhất những định hướng lớn trong giáo dục.

Theo Phó Thủ tướng, xã hội, người dân rất quan tâm đến giáo dục. Trong thời đại thông tin, các vấn đề giáo dục cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học, bàn bạc thấu đáo, có định hướng ra công luận, đúng theo tư tưởng đổi mới mà Nghị quyết 29-NQ/TW khóa XI đã đề ra.

Đổi mới giáo dục là quá trình liên tục, phải phù hợp với xu thế thế giới, tính đến điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa của Việt Nam. Từng bước đi phải kiên trì; điều chỉnh tiến độ, cách làm nhưng kiên định xu thế, mục đích.

Nhấn mạnh điều này, Phó Thủ tướng đồng thời đề nghị xây dựng chương trình làm việc cả nhiệm kỳ của Hội đồng theo các nhóm vấn đề, có thể bổ sung, điều chỉnh theo yêu cầu thực tiễn của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, định hình những nét lớn, bảo đảm tính liên tục trong từng năm.

Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2022-2026:

Chủ tịch Hội đồng: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam

Phó Chủ tịch Hội đồng: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

27 Ủy viên gồm:

1. Đại diện lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

2. Đại diện lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ;

3. Đại diện lãnh đạo Bộ Y tế;

4. Đại diện lãnh đạo Hội Khuyến học Việt Nam;

5. Bà Vũ Thị Lưu Mai- Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội;

6. Ông Bùi Hoài Sơn- Đại biểu Quốc hội, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội;

7. Ông Thái Văn Thành- Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An;

8. Ông Nguyễn Văn Hiếu- Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh;

9. Đại diện lãnh đạo Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương;

10. Ông Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam;

11. Bà Nguyễn Thị Mỹ Lộc- Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư ngành Giáo dục học nhiệm kỳ 2018-2023, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội;

12. Ông Nguyễn Đông Phong- Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh;

13. Ông Trần Diệp Tuấn - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y - Dược Thành phố Hồ Chí Minh;

14. Ông Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT;

15. Ông Hồ Xuân Năng- Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Phenikaa, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Phenikaa;

16. Ông Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội;

17. Ông Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội;

18. Ông Huỳnh Văn Sơn- Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh;

19. Ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia;

20. Bà Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh;

21. Ông Đoàn Quang Vinh - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng;

22. Ông Lê Anh Vinh- Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam;

23. Ông Lê Quý Phượng- Trường Đại học Thể dục Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, ủy viên Hội đồng giáo sư liên ngành Văn hóa, Nghệ thuật, Thể dục thể thao nhiệm kỳ 2018-2023;

24. Ông Dương Quý Sỹ- Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng;

25. Bà Nguyễn Thị Thu Anh - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội;

26. Bà Hoàng Nguyễn Thu Thảo- Tổng giám đốc Tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng;

27. Ông Chu Đức Nhuận - Vụ trưởng Vụ Khoa giáo- Văn xã, Văn phòng Chính phủ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm