Tư vấn tuyển sinh:
Học viện và Đại học có khác nhau?
(Dân trí) - Năm 2010 thì học sinh đạt giải quốc gia có còn được ưu tiên xét tuyển? Thắc mắc về phần tự chọn của đề thi? Boăn khoăn về việc muốn học hai trường? HV Phòng không không quân có tuyển nữ? Thời gian phát hành cẩm nang tuyển sinh?...
Hỏi: Năm học 2009 vừa rồi em đạt giải nhì trong kì thi học sinh giỏi quốc gia, vậy em muốn hỏi đến kì tuyển sinh Đại học 2010 thì em còn được ưu tiên xét tuyển nữa không và nếu được thì chỉ được ưu tiên đối với những ngành có liên quan đến môn đạt giải, đúng không?( dont_crywiththemoon@yahoo.com)
*Trả lời:
Việc ưu tiên xét tuyển đối với học sinh giỏi quốc gia không có gì khác so với các mùa tuyển sinh trước đây. Thông thường thì các trường sẽ ưu tiên xét tuyển vào các ngành có liên quan đến môn thi đạt giải để thí sinh có thể phát huy được thế mạnh của mình.
Tuy nhiên cũng nên lưu ý điểm này: Tùy theo từng trường mà người ra tiêu chí ưu tiên cho học sinh giỏi đạt giải quốc gia. Có trường sẽ ưu tiên tuyển thẳng sau khi thí sinh dự thi ĐH đạt từ mức điểm sàn trở lên. Bên cạnh đó cũng có trường ưu tiên bằng cách cộng điểm vào kết quả thi chứ không tuyển thẳng cho dù thí sinh đạt mức điểm sàn ĐH, CĐ.
Em học chương trình phân ban, nếu làm bài thi theo chương trình không phân ban thì có ảnh hưởng gì đến kết quả và nguyện vọng chọn trường không. Và kết quả đó nếu đủ điểm thì em có được chọn ngành mình yêu thích không. Đề thi chia ra 2 phần là nhằm mục đích gì. Kết quả chương trình phân ban có tính như chương trình không phân ban hay có sự phân biệt nào khác không?( cobeyeumua_hk9x@yahoo.com)
Nguyên tắc ra đề thi ĐH, CĐ là không vượt ra khỏi kiến thức chương trình sách giáo khoa.
Đối với đề thi ĐH thì gồm hai phần: Phần chung và Phần riêng. Phân chung sẽ bao gồm các kiến thức nằm trong cả hai chương trình cơ bản và nâng cao để cho mọi thí sinh đều có thể làm.
Phần riêng sẽ gồm có hai phần tự chọn: Phần cơ bản và phần nâng cao. Thí sinh được phép chọn một trong hai phần này để làm, tuy nhiên đã chọn phần nào thì chỉ được làm hết phần đó nên làm cả hai phần sẽ vi phạm quy chế và chỉ được chấm điểm phần chung.
Riêng đối với môn thi Ngoại Ngữ thì chỉ có phần chung không có phần riêng.
Như vậy việc em chọn phần riêng nào thì cũng không ảnh hưởng đến quá trình xét tuyển vào một ngành nào đó. Việc phân chia thành hai phần riêng nhằm mục đích phân loại thí sinh là chủ yếu.
Hiện em đang là sinh viên năm thứ 2 của Đại Học Ngoại Thương Hà Nội. Năm nay em muốn thi thêm để học 1 trường khác là Học viện Ngân Hàng. em muốn hỏi là nếu em thi đậu và học cùng 1 lúc 2 trường đến khi bên HV Ngân Hàng có đợt đi tập quân sự bắt buộc như mọi sinh viên thì em có được miễn không? vì ở trường Ngoại Thương em đã đi tập quân sự năm thứ nhất rồi. Nếu có những môn học ở bên Ngân Hàng trùng với bên Ngoại thương thì em có xin chuyển điểm từ bên Ngoại thương sang bên Ngân Hàng được không? (nguyenvanchungftu@yahoo.com.vn)
Trước hết phải khằng định là hiện này không có văn bản nào cấm sinh viên học một lúc hai trường. Tuy nhiên, theo quy chế tuyển sinh hiện hành thì sinh viên muốn dự thi một trường ĐH khác thì cần phải được sự đồng ý của Ban giám hiệu nhà trường. Nếu cố tình đi thi thì nhà trường hoàn toàn có thể can thiệp để trường mới không tiếp nhận (nếu em trúng tuyển) và sẽ xử lý theo quy định. Chính vì thế trước khi đi thi em cần phải xin phép Ban giám hiệu nhé.
Thông thường nếu sinh viên đã có chứng chỉ hoàn thành khóa học quân sự thì khi theo học ở trường mới hoàn toàn có thể được xem xét để miễn học lại.
Việc có được chuyển một số môn từ trường này sang trường khác hay không còn phụ thuộc vào quy định của từng trường. Việc chuyển đổi chỉ có thể thực hiện nếu quá trình đào tạo các môn học ở hai trường là tương đương nhau. Nếu học tín chỉ thì việc chuyển đổi sẽ dễ dàng hơn.
Việc trường HV Ngân hàng có thực hiện điều này hay không thì tốt nhất em nên liên hệ với Phòng đào tạo nhà trường để được hỗ trợ chính xác nhất.
Em là nữ muốn thi vào trường phòng không không quân nhưng em không biết trường có tuyển thí sinh nữ không? Tiêu chuẩn dành cho nữ như thế nào? Điềm chuẩn ba năm gần đây của trường có thay đổi gì nhiều không? (ltam@rocketmail.com)
Theo Ban tư vấn được biết thì trường HV Phòng không- không quân chỉ tuyển Nam chứ không tuyển nữ. Đối với khối trường quân đội chỉ có các trường sau tuyển nữ: HV Kỹ thuật Quân sự, HV Quân Y và HV Khoa học Quân sự.
Cũng xin lưu ý: Đối với các trường có đào tạo hệ dân sự thì đối tượng tuyển sinh là thí sinh cả nước.
Bây giờ em muốn thi đại học sỹ quan thông tin ở thành phố Nha Trang nhưng em đang có hộ khẩu thường trú tại Nghệ An. Nếu vào đầu năm 2010 em chuyển hộ khẩu vào thành phố Nha Trang thì em có được dự thi ở trường này bình thường như các thí sinh có hộ khẩu thường trú ở khu vực miền nam không. khi đó em có được cộng điểm khu vực 2 nông thôn và điểm là con bệnh binh không?( ytieulong.nguyen@gmail.com)
Nếu thủ tục chuyển hộ khẩu của em được thực hiện trước khi địa phương tổ chức khám sơ tuyển thì em chắc chắn được dự thi bình thường.
Việc cộng điểm ưu tiên khu vực thì không tính theo hộ khẩu thường trú mà tính theo nơi cư trú của trường THPT mà em theo học trước đây. Nếu trường THPT của em cư trú ở KV2-NT thì em sẽ được hưởng mức ưu tiên này cho dù có chuyển khẩu vào TP Nha Trang.
Điểm ưu tiên đối tượng được áp dụng không liên quan đến hộ khẩu thường trú của thí sinh. Nếu em là con bệnh binh và có đầy đủ giấy tờ chứng thực thì sẽ được cộng điểm ưu tiên.
Mùa thi đại học năm 2010 sắp tới em dự định thi vào ngành cơ khí chế tạo máy nhưng em không biết mình nên chọn đại học công nghiệp Hà nội hay công nghiệp Thái Nguyên. Em rất mong các thầy cho em một ý kiến khách quan nhất?( ngocbao9x@gmail.com)
Về lịch sử thì trường ĐH kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên có truyền thống hơn ĐH Công nghiệp HN. Về đầu ra: Theo tìm hiểu của Ban tư vấn thì sinh viên tốt nghiệp ngành cơ khí chế tạo trường ĐH Công nghiệp HN có đầu ra ổn định hơn trường ĐH kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên.
Tuy nhiên, việc chọn trường nào thì trước hết em cần phải xác định lực học của mình sau đó tính đến việc kinh tế gia đình vì việc học ở Hà Nội tốn kém hơn khá nhiều so với Thái Nguyên.
Theo thông kế của các mùa tuyển sinh trước đây thì mặt bằng điểm vào trường ĐH Công nghiệp HN thường cao hơn trường ĐH kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên ở mức tương đối.
Em xin hỏi là có sự khác nhau như thế nào giữa Học Viện và Đại Học? Năm sau em định thi vào Học Viện Hàng Không, không biết trường này khi ra trường có dễ xin việc làm không?( lethang2907@yahoo.com)
Học viện có phần dạy và phần nghiên cứu (thường Học viện là đơn vị của ngành), còn ĐH chuyên giảng dạy. Tuy nhiên, Học viện thường đào tạo sâu và mang tính chất chuyên môn cao, thiên về nghiên cứu; còn đào tạo của ĐH mang tính nghề nghiệp nhiều hơn.
Bằng cấp của Học viện cũng như của ĐH đều giống nhau do Bộ GD-ĐT quy định, sinh viên ra trường đều được cấp bằng cử nhân hoặc kỹ sư.
Hiện này do sinh viên khóa I của trường HV Hàng không vẫn chưa ra trường nên khó có thể đưa ra đánh ra về đầu ra. Tuy nhiên, theo xu hướng hiện nay thì ngành Hàng không Việt Nam đang ngày càng phát triển và mở rộng. Chính vì điểm này mà khả năng sinh viên ra trường có việc làm là điều khá chắc chắn.
"Cẩm nang tuyển sinh ĐH 2010", "Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ 2010" và "Tài liệu hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp và thi tuyển ĐH, CĐ" (do Bộ GD&ĐT xuất bản) khi nào mới có? Có thể tìm mua ở Sở GD&ĐT địa phương mình đang sinh sống được không?( tunha.khuong@gmail.com)
Về cẩm nang tuyển sinh thì theo quy định sẽ được phát hành vào trung tuần tháng 3 hàng năm. Đối với tài liệu ôn thi thì chỉ phát hành sau khi Bộ GD-ĐT công bố các môn thi tốt nghiệp.
Theo Ban tư vấn thì về cơ bản cấu trúc đề thi và nội dung ôn tập sẽ không khác so với các năm trước đây. Chính vì thế em nên tham khảo “Tài liệu hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp và thi tuyển ĐH, CĐ” năm 2009 để sớm ôn tập cho tốt.
Nếu các ấn phẩm trên được phát hành thì em có thể dễ dàng mua được ở bất kì tiệm sách báo nào trên toàn quốc.
Ban tư vấn tuyển sinh