Học viện Nông nghiệp Việt Nam - nơi ươm mầm nông nghiệp thông minh
(Dân trí) - Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội cho nền nông nghiệp, cũng là thách thức chuyển mình trong hệ thống đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nằm trong xu thế tất yếu đó, Học viện Nông nghiệp Việt Nam liên tục vận động và đổi mới nội dung chương trình đào tạo, gắn kết đào tạo với xã hội và doanh nghiệp, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho sinh viên.
Hơn 65 năm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành nông nghiệp Việt
Từ năm 1956 đến nay dù trải qua nhiều lần đổi tên, nhưng kim chỉ nam của Học viện vẫn luôn là: "Đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu phát triển và chuyển giao khoa học và công nghệ, tri thức mới trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; đóng góp vào sự phát triển nền nông nghiệp và hội nhập quốc tế của đất nước".
Hiện nay, Học viện có 14 Khoa chuyên môn, 10 Viện nghiên cứu và 11 Trung tâm; 2 bệnh viện, 6 doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ (Spin off). Qua 65 năm xây dựng và trưởng thành, Học viện đã bổ sung trên 100.000 kỹ sư/cử nhân, 10.000 thạc sỹ, gần 600 tiến sỹ vào nguồn nhân lực chất lượng cao luôn thiếu hụt trong nền nông nghiệp nói riêng và xã hội nói chung. Trong đó, có rất nhiều gương mặt tiêu biểu thành công, giữ những trọng trách cao trong xã hội. Có thể kể tên nhiều nhà khoa học nông nghiệp, nhà quản lý nổi tiếng như Giáo sư Bùi Huy Đáp, Nhà giáo Nguyễn Đăng, Giáo sư Lương Định Của, Giáo sư Lê Duy Thước, Nhà giáo Nguyễn Công Tạn, Giáo sư Đào Thế Tuấn, Giáo sư Vũ Tuyên Hoàng và nhiều nhà giáo, nhà khoa học nổi tiếng khác được xướng tên từ ngôi trường này.
Những đóng góp của Học viện với sự phát triển của nền nông nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận. Trích lời Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam và khai giảng năm học 2021-2022 của Học viện Nông nghiệp Việt Nam: "Đảng và Nhà nước luôn đánh giá cao những cố gắng và kết quả rất ấn tượng của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó có những đóng góp tích cực của Học viện Nông nghiệp Việt Nam vào công cuộc tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng của nông sản Việt Nam và trong xây dựng nông thôn mới, cũng như trong việc hội nhập ngày càng sâu rộng và hiệu quả hơn vào hệ thống giáo dục khu vực và thế giới".
Trong xu thế toàn cầu hóa, Học viện luôn chú trọng việc hội nhập quốc tế. Về đào tạo, nội dung chương trình luôn được cập nhật, đối sánh với các chương trình tiên tiến trong và ngoài nước. Năm 2017, Học viện đạt chuẩn kiểm định chất lượng của Bộ Giáo dục và đào tạo, năm 2021 đã có 6 chương trình đào tạo đạt kiểm định theo tiêu chuẩn chất lượng Đông Nam Á AUN. Về nghiên cứu, các nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng đều được chú trọng thúc đẩy, được các tổ chức trong nước và quốc tế đánh giá và xếp hạng ở thứ bậc cao, top 20 tổ chức có công bố quốc tế nhiều nhất tại Việt Nam (Bộ KH&CN công bố)…
Đánh dấu các thành tựu đã đạt được, đó là những phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng cho Học viện như: Hai lần Huân chương Hồ Chí Minh, Anh Hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, nhiều Huân chương Độc lập hạng 1, 2, 3; Huân chương Lao động hạng 1, 2, 3 và nhiều phần thưởng khác của các nước bạn, tổ chức khác trao tặng.
Tiên phong ứng dụng công nghệ cao phát triển nền nông nghiệp thông minh
Tiếp nối truyền thống và thành tích những năm qua, tại Lễ khai giảng năm học 2021-2022, GS.TS. Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam khẳng định "Học viện xác định cùng với đào tạo thì khoa học và công nghệ phải trở thành nền tảng cho hoạt động của Học viện, là sức sống của Học viện, làm nên vị thế và tầm vóc của Học viện".
Với lợi thế về ngành nghề đào tạo, sự cộng hưởng của các chính sách phát triển nông nghiệp của Nhà nước và Chính phủ, Học viện tăng cường thành lập các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ (Spin off). Từ những trung tâm, viện nghiên cứu này, sinh viên có cơ hội thực hành, thực tập, nhiều tấm gương khởi nghiệp thành công từ nơi này.
Thích ứng nhanh trước tình hình dịch Covid-19, Học viện đã áp dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực đào tạo và đổi mới hoạt động khuyến nông, bằng việc xây dựng bộ giải pháp Khuyến nông điện tử góp phần phục vụ xã hội, giảng viên và sinh viên, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng ngành nông nghiệp. Chưa kể, hàng trăm tiến bộ kỹ thuật, giống mới, biện pháp canh tác mới, biện pháp quản lý mới… được công nhận và áp dụng rộng rãi vào sản xuất, đóng góp tích cực cho sự nghiệp nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Mới đây, bộ chế phẩm vi sinh dùng trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản của Viện Nghiên cứu Tăng trưởng xanh đã giúp nâng cao hệ số tiêu hóa và tăng cường miễn dịch cho vật nuôi, giúp nông dân giảm được khoảng 20% lượng thức ăn sử dụng.
Với chủ trương gắn kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, Học viện đã xây dựng được một mạng lưới các doanh nghiệp đối tác, cùng đồng hành trong xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo (tham quan, thực hành, thực tập, nghiên cứu…) và sử dụng sản phẩm đào tạo của Học viện. Hằng năm, sự kiện "Ngày hội việc làm" đã kết nối từ 50-100 doanh nghiệp, tạo ra khoảng từ 3.000 - 6.000 cơ hội việc làm tiếp cận sinh viên Học viện.
Với những nỗ lực đổi mới đào tạo trong thời gian qua, Học viện được xã hội, doanh nghiệp ghi nhận với hơn 90% sinh viên có việc làm trong 6 tháng sau khi tốt nghiệp. Đặc biệt, có các doanh nghiệp trong lĩnh vực Thú y, Chăn nuôi cam kết trả lương khởi điểm vượt trên 15-20 triệu đồng/tháng.