Học viện âm nhạc Huế đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

(Dân trí) - Sáng 7/10, Học viện âm nhạc Huế (thuộc Bộ VH,TT&DL) đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất do Chủ tịch nước trao tặng nhân kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống, 5 năm thành lập Nhạc viện Huế.

Dù trời mưa rất to tại Huế do ảnh hưởng bão số 7 nhưng lễ kỷ niệm được tổ chức trong không khí trang trọng và đầy hứng khởi bởi sự trình diễn của nhiều tiết mục âm nhạc chất lượng của tập thể thầy cô, học sinh của Học viện.

Theo TS. Nhạc sĩ Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Học viện âm nhạc Huế, qua 50 năm xây dựng và phát triển, trường đã đào tạo trên 4.000 cán bộ làm công tác âm nhạc, văn hóa cho các đoàn nghệ thuật, viện nghiên cứu, sở, phòng văn hóa… ở các tỉnh, thành khu vực miền Trung và cả nước.

Học viện âm nhạc Huế đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất
TS. Nhạc sĩ Nguyễn Việt Đức - giám đốc GĐ Học viện Âm nhạc Huế đón nhận bằng khen Huân chương Lao động hạng Nhất.

Trước năm 1975, trường đã đào tạo những tên tuổi lớn về biểu diễn nhạc cụ như nhạc sĩ Vĩnh Hùng (piano), nhạc sĩ Quang Hùng (ghita)… Từ 1976 đến nay, rất nhiều ca sĩ, nghệ sĩ thành danh ở TPHCM, Hà Nội xuất thân từ trường như NSƯT Diệu Hương, Ánh Tuyết, Nhất Sinh, Mỹ Lệ, Vân Khánh, Ngọc Mai và nhiều nghệ sĩ ở Dàn nhạc giao hưởng quốc gia. Trường cũng đã đào tạo nhiều nhạc sĩ sáng tác, các nhà nghiên cứu lý luận phê bình âm nhạc khắp miền Trung và cả nước, thậm chí là nước ngoài.

Đặc biệt, trường có Khoa Âm nhạc di sản là khoa duy nhất ở Việt Nam đào tạo Nhã nhạc cung đình, Đàn - Ca Huế, Đàn - Hát dân ca Việt Nam từ trung cấp lên đại học. Khoa này cũng đang xây dựng giáo trình đào tạo cồng chiêng theo hướng bảo tồn tại cộng đồng, tập trung nghiên cứu sâu âm nhạc Chăm Pa, Hô bài chòi Bình Định, Hát Bả trạo các tỉnh duyên hải Trung Bộ, Ví dặm Nghệ Tĩnh. Năm 2012, Khoa đã đoạt Huy chương vàng tác phẩm Tứ tuyệt “Tranh - Bầu - Nhị - Nguyệt, hòa tấu bài Nam Bình” trong liên hoan nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam lần I tổ chức tại Huế.

Cũng từ ngày có hoạt động biểu diễn cộng đồng miễn phí của Học viện âm nhạc Huế tại các điểm thành phố Huế vào mỗi cuối tuần đã “thổi” một luồng âm nhạc tươi mới trong đời sống dân cố đô như Dân trí trước đây đã đưa tin. Hiện, Học viện có 5 ban nhạc biểu diễn ở 2 công viên ven bờ sông Hương như dàn nhạc kèn, âm nhạc dân tộc, hòa tấu giao hưởng…

3 cá nhân và 1 khoa của trường được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
3 cá nhân và 1 khoa của trường được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài Huân chương Lao động Hạng nhất do Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái trao tặng, trong buổi lễ kỷ niệm, trường cũng đã đón nhận thêm quyết định khen thưởng của Thủ tướng Chính phủ vì đã đạt thành tích xuất sắc trong thời gian công tác từ 2007 đến 2012 đối với Khoa Âm nhạc truyền thống và 3 cá nhân của trường là TS. Nhạc sĩ Nguyễn Việt Đức -  giám đốc Học viện, Th.s. NGƯT Thân Trọng Bình - Trưởng khoa Đào tạo và Th.s. Hà Mai Hương - Trưởng khoa Sư phạm Âm nhạc.

Dàn nhạc dân tộc di sản biểu diễn tại lễ kỷ niệm.

Dàn nhạc dân tộc di sản biểu diễn tại lễ kỷ niệm.
 

Học viện Âm nhạc Huế có tiền thân là Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Huế (1962-1975). Từ sau năm 1975, trường đổi tên gọi thành Trường Âm nhạc Huế. Năm 1985, sáp nhập với Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế trở thành Trường Cao đẳng Nghệ thuật Huế. Năm 1994, nâng cấp thành Trường Đại học Nghệ thuật Huế. Ngày 8/11/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1492/QĐ-TTg thành lập Học viện Âm nhạc Huế - là 1 trong 3 Học viện Âm nhạc và Nhạc viện Việt Nam hiện nay.


Đại Dương