Học trò vùng cao sáng chế máy đưa nước lên cao không cần điện
(Dân trí) - Mới đây, tại cuộc thi sáng tạo khoa học kĩ thuật dành cho học sinh phổ thông (khu vực phía Bắc) năm 2015, nhiều người vô cùng thán phục trước thiết bị đưa nước lên cao không cần dùng điện giành giải Nhất toàn cuộc của hai học sinh đến từ Hòa Bình.
Hai “nhà phát mình” trẻ tuổi là Nguyễn Tuấn Hùng và Trần Ngọc Vũ - học sinh lớp 11 chuyên Vật Lý Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hòa Bình). Cả hai em đều là những học sinh ham học hỏi, luôn thích tìm tòi và sáng tạo trong quá trình học tập.
Hai "nhà phát minh" đang thử chạy thiết bị đưa nước lên cao không cần dùng điện tại một con suối.
Chia sẻ về ý tưởng để làm ra chiếc máy đưa nước lên cao không cần dùng điện, Nguyễn Tuấn Hùng cho hay, sinh ra và lớn lên ở vùng cao, nhiều lần chứng kiến người dân ở địa hình đồi núi chỉ sản xuất được một vụ mùa vì vào mùa khô, nước rất khan hiếm. Đặc biệt, ở một số nơi, người dân phải gánh nước từ suối dưới chân núi lên nhà trên sườn đồi để phục vụ sinh hoạt. Chỉ một số ít nhà dân may mắn gần mạch nước trên đồi đã tự làm máng nước tự chảy dẫn về nhà nhưng vào mùa khô, nguồn nước này cũng cạn kiệt nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
Một số địa phương ở Hòa Bình hiện tại dùng các biện pháp như guồng nước, máy bơm điện, bơm dầu, hứng nước mưa chưa đạt hiệu quả, gây tốn kém chi phí và chưa áp dụng được cho từng hộ dân.
Nhận thức được khó khăn của người dân miền núi, thiết tha có thể giúp họ cải thiện đời sống, Nguyễn Tuấn Hùng đã cùng Trần Ngọc Vũ bỏ công sức tìm hiểu nhằm chế tạo ra thiết bị có thể đưa nước lên cao không cần dùng điện mà có thể dễ dàng sử dụng trong các hộ gia đình. Sau nhiều ngày cùng nhau lên ý tưởng, hai học sinh lớp 11 đã đưa đến chung quan điểm đó là dùng chính chính năng lượng dòng chảy của các con suối để đưa nước lên cao phục vụ người dân.
Để giúp ý tưởng của mình được hiện thực hóa, Hùng và Vũ đã nhờ sự giúp đỡ của thầy giáo chủ nhiệm Phạm Đình Mẫn. Sau khi được thầy chỉ dẫn, cả Hùng và Vũ đều thông suốt và cùng nhau bắt tay vào chế tạo thiết bị với các tiêu chí là có thể hoạt động được ở các dòng suối nhỏ, tốc độ dòng chảy ổn định, tận dụng vật liệu đơn giản, đạt lưu lượng nước mong muốn, giá thành thiết bị thấp...
Để chế tạo hoàn chình thiết bị đưa nước lên cao, Hùng và Vũ mất hơn nửa năm từ tháng 6/2014 đến tháng 1/2015. “Nhiều lần cho máy chạy thử ở khu vực nước suối lớn đã gây vỡ ống khi áp suất nước thay đổi đột ngột nên chúng em đã nghĩ ra việc sử dụng bình trữ áp. Bình này có tác dụng như một van an toàn để bảo vệ ống”, Vũ kể lại.
Bên cạnh đó, trong khi hoạt động, phát hiện máy bơm dễ bị bẩn nên hai học sinh chuyên Vật Lý đã nghĩ ra bộ phận lọc. Thiết bị cũng được thiết kế hạ thấp độ cao để đảm bảo tính chắc chắn. Các yếu tố như khi xảy ra lũ ống, lũ quét, suối chảy quá nhay cũng được hai nam sinh này tính toán để thiết bị có thể hoạt động hoặc sử dụng an toàn, hiệu quả.
Nguyễn Tuấn Hùng phấn khởi cho hay rằng, điều đáng giá nhất ở thiết bị là không sử dụng điện hoặc máy phát điện nên tiết kiệm chi phí cũng như thuận tiện lắp đặt ở vùng sâu vùng xa. Tốc độ tối thiểu của dòng chảy ở suối để máy có thể hoạt động là 0,4m/s (khá nhỏ). Vậy nên máy có thể chạy liên tục bất kể ngày hay đêm với tuổi thọ dự kiến khoảng 2 năm. Thiết bị có thể đưa nước lên cao tới mức 40 m, giá thành để làm ra sản phẩm này chỉ dưới 1,5 triệu đồng.
Theo đánh giá của ban giám khảo của cuộc thi, sản phẩm nếu được áp dụng có quy mô lớn vào những nơi có dòng suối lưu lượng và tốc độ chảy cao sẽ có thể phục vụ không những cho từng hộ dân mà có thể phục vụ nhu cầu cho cả cộng đồng, nhất là các hộ dân vùng cao mà không tốn chi phí, sức lực nào khác.
Thầy Phạm Đình Mẫn - giáo viên chủ nhiệm của Hùng và Vũ vui mừng tâm sự: “Cuộc thi sáng tạo khoa học là một sân chơi bổ ích cho các em thể hiện tài năng, đem lý thuyết áp dụng vào thực tế đời sống và là một cơ hội để cả Hùng và Vũ trưởng thành hơn”.
Lê Tú
Thông tin, bài viết về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn! |