Học trò thích thú với cách học văn từ cuộc sống
(Dân trí) - Thay vì học những tác phẩm văn học trong sách thì các học trò sẽ trải nghiệm cuộc sống thực tế bên ngoài, gặp gỡ những số phận khó khăn, khổ đau… để rồi tự viết nên những tác phẩm từ chính cảm nhận của mình. Chính học sinh cũng thấy thích thú khi tham gia học văn từ chính cuộc sống.
Dự án “Học văn từ cuộc sống” mùa thứ hai - với chủ đề Hẹn hò cùng sách do giáo viên trẻ Đỗ Đức Anh (giảng dạy môn văn) của trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM) hướng dẫn triển khai từ tháng 1/2016 đã tạo được hứng thú cho học sinh.
Triển khai từ tháng 1 năm nay, sau khi học lý thuyết và các kỹ năng cần thiết (như kỹ năng phỏng vấn, kỹ năng tìm thông tin, lấy tư liệu, kỹ năng viết phóng sự, tùy bút, tổ chức sự kiện...) 45 học sinh được chia thành 5 nhóm đã bắt đầu đi thực tế tìm hiểu theo chủ đề mình đã chọn.
Hiện tại dự án có 5 đề tài do chính các học sinh đề xuất gồm: Lá vàng ngược gió - viết về những người già đơn côi phải mưu sinh khó nhọc giữa thành phố ồn ào này; Nỗi đau màu mặt trời - viết về nạn nhân chất độc màu da cam; Nào ta cùng buýt - khai thác về văn hóa xe buýt, về cuộc sống của những tài xế xe buýt…; Trò đùa của tạo hóa - khai thác về vấn đề đồng tính trong học sinh, sinh viên; Tiếu lâm bách nghệ - khai thác về những nghề ít được mọi người để ý đến như: chụp ảnh dạo, phụ nữ sửa xe ở vệ đường, cắt tóc vỉa hè, thổi thủy tinh, cho thú dữ trong sở thú ăn…
Học trò trường Bùi Thị Xuân học kỹ năng viết phóng sự với khách mời chuyên gia trong dự án "Học Văn từ cuộc sống".
Kết thúc dự án, mỗi nhóm học sinh sẽ viết 5-10 bài tùy bút hoặc phóng sự, truyện ngắn... theo đề tài mình đã chọn để in thành sách; tự biên tập, thiết kế bìa sách, tự tổ chức một sự kiện, một đoạn phim ngắn để giới thiệu, quảng cáo về cuốn sách của mình; tự thu âm nội dung cuốn sách để phát hành online...
Chia sẻ về mục đích của dự án này, thầy giáo trẻ Đỗ Đức Anh cho biết dự án ra đời với mong muốn vượt ra sự sáo mòn trong cách dạy văn ở phổ thông hiện nay để học trò được trải nghiệm thực tế, được hành văn, viết văn, được trình bày cảm xúc của mình theo cách của mình một cách thật nhất. Điều quan trọng hơn là để học trò tiếp cận được với những nhân vật từ tác phẩm lớn nhất chính là tác phẩm cuộc đời chứ không phải là một tác phẩm do những nhà văn viết dù đó cũng đều xây dựng từ tư liệu cuộc đời.
“Thay vì tìm hiểu một cách gián tiếp thì giờ đây học sinh được tìm hiểu một cách trực tiếp từ cuộc sống, tôi nghĩ điều đó sẽ có những tác động mạnh mẽ hơn nếu so với những chữ nghĩa nằm yên trên trang sách. Quan niệm giáo dục ở phổ thông hay của nước ta nói chung là mong học sinh phải thành công. Tôi muốn cho học sinh được trải nghiệm nỗi đau, nỗi buồn trong cuộc sống của những người khác và các em thấy mình được hạnh phúc để các em sẽ thành nhân trước khi thành tài”, thầy Đức Anh cho biết.
Lí giải thêm việc hướng học sinh tập viết và in sách, thầy Đức Anh cho rằng điều này cũng nhằm theo định hướng của Bộ GD-ĐT là phát triển văn hóa đọc. Ngoài mong muốn mang đến một văn hóa đọc cho các em học sinh thì đồng thời sau này sẽ có thêm một lượng sách đóng góp cho thư viện của trường.
Học sinh thấy hứng thú với cách học văn mới này.
Dù ngay từ đầu năm học, thầy Đức Anh đã chia sẻ với phụ huynh kế hoạch dạy theo dự án này và được sự đồng thuận của cả mọi người. Tuy nhiên khi bắt tay thực hiện thì cũng gặp một số trở ngại do phụ huynh lo lắng học sinh gặp nguy hiểm khi thâm nhập vào cuộc sống và ảnh hưởng đến việc học các môn khác… Do đó, thầy Đức Anh bộc bạch thêm rằng để dạy học sinh làm các dự án thì điều nhấn mạnh là phải dạy học trò biết các kỹ năng chứ không thể “đem con bỏ chợ”. Ngoài ra, thầy cũng dặn dò học sinh khi đi thực tế phải có sự hỗ trợ của giáo viên hướng dẫn.
Thầy giáo trẻ này cũng tâm sự rằng dù chưa kết thúc nhưng “lợi ích trước mắt có thể nhận thấy rõ hơn chính là không còn khoảng cách giữa thầy và trò, các em dễ dàng tâm sự, chia sẻ với người thầy của mình hơn. Điều vui nhất là học trò của mình được đi ra ngoài xã hội và các em thấy xúc động, vui buồn cùng với cuộc sống đó. Chứ thế hệ trẻ bây giờ nhiều em được bảo bọc và dễ bị vô cảm lắm”.
Đặc biệt, các học sinh đều cho rằng cách học văn này đỡ nhàm chán hơn, thay vì phải học những con chữ trên giấy suông thì các em được học từ cuộc sống và thấy lí thú. Em Nguyễn Ngọc Minh Tâm, học sinh lớp 10D chia sẻ: “Chúng em cảm thấy lý thú được tiếp xúc với những điều mà trước giờ chưa từng tham gia. Khi theo đuổi đề tài “Lá vàng ngược gió”, em gặp được những nhân vật lớn tuổi phải sống trong cô đơn, môi trường sống thiếu thốn mà đôi khi em chưa từng nghĩ có thật ngoài đời. Nhìn từ hình ảnh của họ thì thế hệ chúng em hiện tại phải cố gắng hơn, để không rơi vào con đường giống như họ..
Em Bích Ngọc thì cho biết: “Chúng em tự đi ra ngoài tìm kiếm thông tin, được cọ xát thực tế bên ngoài thì có thể viết văn thật hơn nên chúng em thích lắm. Cũng qua hình thức học này, em được học nhiều kỹ năng hơn thay vì chỉ ngồi nghe lý thuyết mà tưởng chừng không bao giờ mình thực hiện được. Đồng thời chúng em được làm việc nhóm thì tình bạn trong lớp cũng được thắt chặt hơn, hiểu nhau hơn.
Dự kiến kết thúc dự án, mỗi nhóm sẽ in khoảng 200-500 quyển sách, sau khi bán sẽ trích một phần khoản tiền thu được từ dự án này để giúp đỡ những người kém may mắn ở xung quanh mình và cả nhân vật ở trong chính “tác phẩm” của mình.
Lê Phương
(Email: lephuong@dantri.com.vn)