Học trò đến trường để được… hầu hạ

(Dân trí) - Từ vệ sinh trường lớp cho đến những hoạt động tự phục vụ bản thân đơn thuần ở trường học, học trò hiếm khi phải động tay đến. Điều đó không chỉ làm trẻ mất tính tự lập mà còn có nhiều hệ lụy khác.

Học sinh được hầu hạ tận nơi

Giờ ra chơi ở một trường THCS ở quận 8, TPHCM, các em học sinh (HS) ùa vào nhà vệ sinh. Nhiều em đi vệ sinh xong, thả giấy khắp bồn cầu, nền nhà, thậm chí không thèm dội nước mà phi ngay ra ngoài.

Khu vệ sinh vừa được lau chùi sạch sẽ, trong chốc lát được HS sử dụng trở lại bộ mặt nhếch nhác, bốc mùi nồng nặc. Trong khi, chỉ cần mỗi HS có chút ý thức bỏ giấy vào thùng, dội nước đã không đến nỗi nào.

Học trò nhiều trường đi vệ sinh xong chỉ việc xả, đã có đội ngũ lao công... theo sau dọn tận nơi
Học trò nhiều trường đi vệ sinh xong chỉ việc "xả", đã có đội ngũ lao công... theo sau dọn tận nơi.

Có điều, việc giữ sạch sẽ cho chính mình được mặc định không phải là việc của các em. Khi HS vào lớp, các lao công đã tiếp quản để lau dọn, tẩy rửa. Đó cũng là “mô hình”chung của không ít trường học hiện nay, mọi việc của học trò đều có người làm thay.

Từ việc vệ sinh trường lớp hàng ngày, cho đến những việc thuộc về phục vụ cá nhân như bữa ăn, giấc ngủ... cho HS ở nhiều trường học đều có người “hầu” tận nơi. Buổi sáng, trước giờ vào học, lớp đã được lao công làm vệ sinh sạch sẽ. Cuối giờ, đội ngũ này lại tiếp tục công việc thu dọn rác do HS xả ra.

Mô hình bán trú quen thuộc tại các trường ở TPHCM hiện nay là: bữa ăn được dọn sẵn theo từng phần, bàn ghế cho HS cũng được xếp sắn. Đến giờ, các em chỉ mỗi việc ngồi vào và ăn. Ở tiểu học, bảo mẫu, giáo viên còn phân công… đút cho những em ăn chậm. Ăn xong, các em thả thìa nĩa đứng dậy, không phải động tay động chân thu dọn chén bát của chính mình sử dụng.

Bữa ăn xế cũng được phục vụ tận nơi như vậy. Đến giờ ngủ trưa ở không ít trường, bảo mẫu xếp sẵn chăn gối cho từng em, các em chỉ vào đặt lưng, ngủ dậy có người thu dọn. Hiện nay, TPHCM có khoảng hơn nửa triệu HS bán trú và hầu hết được “chăm chút” theo công thức “gà công nghiệp” này.

Có tiền lo hết

Công việc vệ sinh lớp học hàng ngày, những buổi lao động tập thể quen thuộc với các thế hệ trước trở nên quá xa vời với học trò ngày nay. Không chỉ ở thành phố, mà nhiều trường học ở nhiều vùng quê các hoạt động lao động, vệ sinh cũng có người làm thay.

Hầu hết các trường đều thuê đội ngũ lao động, bảo mẫu hùng hậu để đảm nhiệm mọi việc cho các em - ngay cả những việc tự phục vụ. Phụ huynh có nhiệm vụ chi trả tiền công cho đội ngũ này “hầu hạ” con mình thông qua nhà trường.

Việc tự phục vụ, biết vệ sinh, lao động ngày càng trở nên xa lạ với học trò
Việc tự phục vụ, biết vệ sinh, lao động ngày càng trở nên xa lạ với học trò.

Trong trường học, khi có vấn đề phát sinh liên quan đến chuyện nhà vệ sinh chuyện nhà vệ sinh xuống cấp, nhếch nhác, trường học nhiều rác…biện pháp được đưa ra luôn là thuê thêm lao công, phụ huynh đóng thêm tiền để nâng cấp, xây mới. Còn nhiệm vụ, vai trò và ý thức của học trò trong việc góp phần giữ vệ sinh chung hiềm khi được đề cập.

Ông Lê Ngọc Điệp, nguyên trưởng Phòng Tiểu học (Sở GD-ĐT TPHCM) bày tỏ, trước đây HS đi học có sự công vệ sinh trường lớp, các em tự mang chổi, giẻ lau từ nhà đến. Sau này, để tiện cho hS, nhà trường sắm sẵn vật dụng, các em vẫn tự làm và đến bây giờ thì… “sắm” luôn người làm hộ, rồi thêm mô hình bán trú “chăm tận nơi” đang rất phổ biến.

Trong khi, học trò đến trường là để được hưởng thụ giáo dục chứ không phải để được phục vụ. Chuyện ăn uống, cho đến lao động, vệ sinh trường lớp chính là những hoạt động giáo dục rất bổ ích cho trẻ đã bị tước đi.

ThS Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính Quốc gia TPHCM) chia sẻ việc vệ sinh, lao động tập thể không chỉ giúp các em có các kỹ năng, ý thức mà quan trọng không kém đây là hoạt động giúp gắn kết tình bạn bè, thầy trò. Trên cơ sở đó hình thành tình yêu thương, tình bác ái, sống hợp tác, hòa đồng cho trẻ.

Theo ông Điệp, các trường thường gặp khó khăn trong việc tổ chức cho các em tự lao động, vệ sinh, nhất là công tác an toàn nên việc thuê người làm cho yên tâm. Còn phụ huynh, khi có điều kiện kinh tế lại có tâm lý muốn con mình phải được hưởng thụ, được người khác phục vụ.

Ông Điệp cho rằng, điều này không chỉ làm trẻ mất tính tự lập mà nguy hại hơn là hình thành cho trẻ tạo suy nghĩ, mình có tiền thì có quyền đòi hỏi, có quyền yêu cầu người khác phục vụ.

Lao động, tự phục vụ là kỹ năng cơ bản và quan trọng nhất của con người là nền tảng để xây dựng các kỹ năng, giá trị sống. Nhiều học trò bây giờ mất đi cơ hội này từ trong gia đình cho đến môi trường giáo dục.

Người lớn luôn kỳ vọng vào thế hệ trẻ sống văn minh, lịch sự từ những việc như đi vệ sinh, xếp hàng, khi ăn uống nhưng điều đó là quá viển vông khi các em không được xây dựng ý thức từ nhỏ bởi đã có người hộ.

Quả là đòi hỏi ngược đời khi chúng ta mong muốn các em sống tình cảm, biết yêu thương, trách nhiệm trong khi từ việc chăm sóc mình nhiều em còn không làm được, việc này cũng bắt nguồn từ việc mất cơ hội để thể hiện.

Hoài Nam
 

Thông tin, bài viết đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm