Học tiếng Nhật: 10 phút chinh phục Kanji qua bộ thủ chữ Nhật
(Dân trí) - Học Kanji qua bộ là phương pháp học nhanh, hiệu quả và được nhiều người áp dụng nhất hiện nay. Trong bài học hôm nay, chúng mình hãy cùng học Kanji qua bộ thủ chữ Nhật.
Rất nhiều bạn khi học tiếng Nhật đều cho rằng Kanji chính là trở ngại lớn nhất. Bởi bạn đã bỏ quá nhiều thời gian và công sức nhưng việc học vẫn không hiệu quả. Nguyên nhân do đâu ? Liệu bạn có đang bị mắc phải một trong những sai lầm dưới đây ?
Sai lầm 1: Học từng nét một
Nhiều người học Kanji theo kiểu “học từng nét một”. Ban đầu, khi nhìn vào chữ Kanji nào đó, họ thường quan sát xem chữ đó có bao nhiêu nét và cách viết từng nét đó như nào rồi viết theo. Quả không sai, khi học tiếng Nhật theo cách này sẽ giúp người học viết đúng thứ tự các nét, các chữ viết sẽ đẹp hơn.
Nhưng, phương pháp này có thực sự hiệu quả và phù hợp khi chúng ta học Kanji. Kanji là một từ bao gồm nhiều nét ngang, dọc, sổ, phẩy,…rời rạc không có quy tắc. Với những từ đơn giản, vài ba nét cơ bản bạn có thể áp dụng cách này, nhưng với những từ Kanji phức tạp và nhiều đường nét thì bạn sẽ học một mớ hỗn độn và rời rạc này kiểu gì?
Sai lầm 2: Học vẹt
Nếu chỉ ngồi cần mẫn, chăm chú, viết đi viết lại một chữ Kanji thì nó sẽ đọng lại trong đầu bạn bao lâu? Nhiều thì có thể đôi ba ngày hoặc không sẽ là “học trước quên sau”.
Chữ Kanji thực chất là chữ tượng hình, mà chữ tượng hình thì bạn sẽ rất dễ liên tưởng. Khi học Kanji hãy kết hợp với trí tưởng tượng, sáng tạo của mình để viết ra một câu chuyện hoặc gắn từ đó với sự vật, sự việc nào đó. Đảm bảo, chữ đó sẽ “ghim” luôn vào đầu và bạn muốn quên cũng khó.
Lấy ví dụ như chữ Bộ (歩) được ghép bởi bộ Chỉ (止), bộ Tiểu (小) và bộ Phiệt (ノ). Chúng ta có thể liên tưởng ra một câu nhớ như sau : Dừng lại (止), phía trước là một đoạn đường nhỏ (小), dễ ngã (ノ) đấy, đi bộ (歩) chậm thôi. Thay vì ghi nhớ một cách khô khan, máy móc hãy tận dụng sự sáng tạo của mình để nghĩ ra những câu chuyện thú vị như vậy, vừa dễ nhớ lại vừa dễ học, phải không ?
Sai lầm 3 : Không học bộ thủ
Không học bộ thủ là một sai lầm vô cùng lớn đối với những người học Kanji. Nếu bỏ qua và không học bộ thủ, bạn sẽ phải nhớ Kanji theo một cách máy móc và khô khan như nêu ở trên. Có nhiều người khi nhìn thấy hơn 200 bộ thủ cần học thì lại tốt lên rằng “nhiều như vậy, học tới khi nào mới hết” nghe có vẻ cũng khó khăn và mất nhiều thời gian ! Tuy nhiên, “có công mài sắt, có ngày thành kim” nếu bạn quyết tâm thì sẽ không hề khó và thực sự dễ dàng.
Bộ thủ trong tiếng Nhật cũng giống như các bảng chữ cái trong tiếng Việt. Để ghép được thành chữ MINH bạn cần học các con chữ M,I,N,H. Nếu không học các con chữ đó, bạn sẽ phải ngồi mày mò, từ đọc, từ viết thành những nét chữ đường nét nguệch ngoạc, khó đọc và khó nhớ.
Đối với những chữ Kanji phức tạp, bạn nên áp dụng phương pháp ghép các bộ thủ lại với nhau. Thay vì phải viết hàng chục nét rời rạc, từ đây bạn chỉ cần 3 – 4 bộ thủ ghép lại thành một chữ hoàn chỉnh, tiết kiệm thời gian và học nhanh hơn.
Hơn thế nữa, khi đã nhớ các bộ thủ rồi thì bạn có thể nhớ các từ Hán dễ dàng hơn. Ví dụ như bộ thủy thì sẽ có 95% các từ liên quan tới nước, bộ hỏa thì các từ sẽ liên quan tới lửa hoặc chỉ sự khô khốc.
Sai lầm 4 : Chỉ học các từ Kanji riêng lẻ
Đây là một sai lầm phổ biến và thường xuyên xảy ra với các bạn mới học Kanji tiếng Nhật. Mỗi từ Kanji đều gồm hai bộ phận chính là phần ý nghĩa và phần âm. Dó đó, có rất nhiều chữ Hán nhìn na ná giống nhau, nhưng nếu chỉ cần thay đổi bộ phần chỉ nghĩa thì sẽ biến thành một từ mới hoàn toàn.
Ví dụ như : (青) – Thanh : Màu Xanh
(清) – Thanh : Trong sạch
(情) – Tình : Tình cảm mang ý nghĩa tâm tình
(晴) – Tình : Nắng, tạnh ráo
Chính vì sự giống nhau này, một lời khuyên cho các bạn là hãy học những chữ Kanji giống nhau để tránh bị nhầm lẫn giữa các chữ.
Mong rằng, qua bài viết này bạn đã có câu trả lời cho câu hỏi “ Vì sao bạn chưa học tốt Kanji” và tìm được một phương pháp học đúng đắn.
Vũ Phong