Học STEM có hiệu quả, có tốn kém?
(Dân trí) - Ngày 10/10, ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức chương trình Tọa đàm với chủ đề "Dạy học, thực hành STEM+ đơn giản tại trường và tại nhà cấp Tiểu học".
Diễn giả tham dự tọa đàm là TS. Bùi Thị Thanh Hương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN và ThS. Đinh Thu Hồng - chuyên gia giáo dục tại bang Georgia, Hoa Kỳ.
Buổi tọa đàm xoay quanh các vấn đề: Dạy học khoa học ở tiểu học theo tiếp cận STEM; So sánh chương trình khoa học tự nhiên của Việt Nam với chương trình khoa học tự nhiên Tiểu học của Mỹ; Thực hành STEM chuẩn Mỹ đơn giản và hiệu quả cho mọi người; Hướng dẫn thực hành một chủ đề STEM cho học sinh tiểu học.
STEM khơi nguồn cho sáng tạo khoa học
STEM là một chương trình giảng dạy kết hợp Toán (Math) với Khoa học tự nhiên (Science) cùng Công nghệ (Technology) để giải quyết vấn đề thực tiễn; còn yếu tố Kỹ thuật (Engineering) nằm ngay trong quá trình thực hiện dự án để giải quyết vấn đề.
Theo ThS. Đinh Thu Hồng, STEM mang đến cho cả thầy và trò những trải nghiệm hoạt động học tập thú vị, chú trọng giao tiếp trong một bài học đơn lẻ căn cứ trên một vấn đề hay trong một dự án gồm nhiều bài học và xâu chuỗi với nhau. Cả bài học lẫn dự án đều xuất phát từ thực tiễn; bao gồm quá trình thiết kế, sáng tạo, phân tích dữ liệu, ứng dụng công cụ của đời sống để tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề.
"Đối với trẻ em Việt Nam, việc học STEM đóng vai trò quan trọng, giúp các em hòa nhập với thế giới sau này", ThS. Thu Hồng nhấn mạnh.
Trao đổi tại buổi tọa đàm, ThS. Đinh Thu Hồng cũng có những chia sẻ sâu hơn với giáo viên và phụ huynh về các chương trình giáo dục STEM tại Mỹ. Cô cho rằng, việc triển khai một bài học STEM cần được bắt đầu từ Khoa học Tự nhiên, điển hình như Khoa học Sự sống, Khoa học Vật lý và Khoa học Trái đất.
Tuy nhiên, chương trình STEM không đơn thuần chỉ về khoa học tự nhiên mà có cả sự kết hợp khoa học xã hội. Đó là xu hướng STEM +, là phương pháp giáo dục STEM tích hợp (Art), dùng nghệ thuật làm đòn bẩy giúp các con nạp lượng kiến thức khổng lồ, tạo ra những kết nối mang tính nhân văn.
Theo PGS.TS. Mai Văn Hưng - Chủ nhiệm Bộ môn Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQGHN), STEM khác với thí nghiệm và thực hành. Thí nghiệm là hoạt động minh họa cho kiến thức, thực hành là vận dụng kiến thức đã học vào các hoạt động thực tiễn trong cuộc sống. Trong khi đó, STEM là sự kết hợp cả lý thuyết, thực hành, thí nghiệm để giải quyết một vấn đề nào đó trong cuộc sống dưới dạng dự án. Không chỉ cung cấp kiến thức, STEM còn giúp học sinh làm quen với "trường đời", khởi nguồn cho sáng tạo khoa học.
Dạy và học STEM đơn giản, không tốn kém
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, các chuyên gia cho rằng, hiện nay, vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng STEM là môn học chỉ liên quan đến lắp ráp, công nghệ, toán học và việc học STEM rất tốn kém, cần nhiều trang thiết bị phức tạp.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Chí Thành, Chủ nhiệm khoa Sư phạm, ĐH Giáo dục (ĐHQGHN), thực tế, tại Việt Nam, việc giảng dạy STEM bậc tiểu học được rất nhiều nhà trường triển khai và mang lại hiệu quả. Trong chương trình phổ thông năm 2018, STEM thể hiện rõ trong xu hướng giáo dục tích hợp. Đặc biệt cấp tiểu học có thể ứng dụng dạy STEM ở môn Khoa học tự nhiên lớp 1,2,3 hay môn Lịch sử, Địa lý lớp 4, 5. Ý nghĩa tích hợp thể hiện rõ qua dạy STEM và nhấn mạnh về kỹ năng học tập cần có của học sinh.
"Đôi khi, mọi người nghĩ dạy STEM là một việc làm lớn lao, cần phải có phương tiện cơ sở vật chất vì nó rất cầu kỳ. Tuy nhiên, thầy cô có thể dạy STEM từ những phương tiện và nguyên vật liệu sẵn có, thậm chí vật liệu tái sử dụng từ rác thải", PGS.TS Nguyễn Chí Thành đề xuất.
Đồng quan điểm, TS. Bùi Thị Thanh Hương cho hay, dạy STEM không cần quá cầu kỳ và phức tạp. Xuất phát từ những tình huống cụ thể trong cuộc sống, giáo viên có thể liên hệ với bài học hướng dẫn các em thực hiện dự án STEM. Ví dụ như chủ đề phòng tránh đuối nước là một kỹ năng rất cần thiết đối với các em học sinh.
Một giải pháp giúp các em tự bảo vệ mình là chế tạo phao cứu sinh bằng các vật liệu sẵn có như chai nhựa, túi nilon… Sau đó các em phải tự tính toán, thiết kế làm sao để sử dụng những vật liệu đó thành đồ cứu hộ, tiến hành chế tạo và thử nghiệm.
Khi có thành phẩm học sinh sẽ vận dụng kiến thức để thuyết trình về cấu tạo, tính ứng dụng mô hình. Thầy cô sẽ đánh giá, nhận xét và đưa ra góp ý cho học sinh.
Không chỉ thực hiện tại trường học, các chuyên gia cũng gợi ý và hướng dẫn phụ huynh thực hiện các dự án ứng dụng STEM ngay tại nhà với con từ bậc tiểu học. Để hiểu và xây dựng dự án STEM cho con, bố mẹ có thể tìm hiểu chương trình học của con về môn Khoa học tự nhiên - xã hội, môn Toán và các nguồn tài liệu hướng dẫn.
Theo ThS. Thu Hồng, khi thực hiện các dự án ứng dụng STEM tại nhà, bố mẹ có thể cùng con tổ chức tại không gian gia đình như phòng khách, phòng bếp… Bản thân các thành viên trong gia đình đều có thể trở thành nhóm nhỏ trải nghiệm hoạt động STEM cùng con.
"Bố mẹ có thể cho con thực hiện mô hình làm tên lửa giấy. Trong dự án STEM này hội tụ đầy đủ yếu tố : Science - Khoa học (về lực, chuyển động của tên lửa); Technology - Công nghệ (video phóng tên lửa); Engineering (cắt, dán, gấp như thế nào); Art - Mỹ thuật (tô màu); Math - Toán (đo lường, hình khối).
Qua đó bé hình dung được để hình thành một sản phẩm cần có sự liên hệ kiến thức ở những lĩnh vực nào, ứng dụng ra sao. Hay trong lúc nấu ăn bố mẹ cho bé trộn Salad, tìm hiểu về hợp chất hỗn hợp, thành phần…".
Mặc dù tốn rất ít chi phí nhưng hoạt động STEM sẽ giúp các bé học hỏi thêm khả năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, tăng sự tự tin. Khi cùng con thực hiện hoạt động STEM tại nhà, đây cũng là cơ hội để thành viên trong gia đình tăng sự kết nối, thấu hiểu và đồng cảm nhau hơn.