Học sinh Việt giành giải cao nhất cuộc thi công nghệ trẻ tại Nhật Bản
(Dân trí) - Đào Việt Tùng, du học sinh Việt tại trường Hawaii Preparatory Academy giành giải Đặc biệt và Phạm Quỳnh Nhi, học sinh trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam đạt giải Ba ở cuộc thi khoa học công nghệ Tsukuba diễn ra ngày 27/3.
Tsukuba là cuộc thi ý tưởng, công trình khoa học công nghệ cao thường niên do Ủy ban Kế hoạch Khoa học Nhật Bản tổ chức dành cho học sinh trung học phổ thông trên toàn thế giới.
Với chủ đề “Ý tưởng của mọi người để mở cánh cửa khoa học tương lai”, vòng Chung kết Tsukuba 2016 được tổ chức tại Trung tâm hội nghị Quốc tế Tsukuba với sự tham gia tranh tài của 48 thí sinh/ đội thi đến từ nhiều quốc gia trên thế giới đã vượt qua hơn 3000 đối thủ ở vòng sơ loại.
Tại đây, cùng các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Trung Quốc… Việt Nam là một quốc gia có thí sinh được đánh giá rất cao với nhiều ý tưởng thông minh, có tính ứng dụng thiết thực.
Trong đó, phải kể đến dự án “đánh thức cơn buồn ngủ bằng sóng não” của em Đào Việt Tùng – DHS Việt tại trường Hawaii Preparatory Academy (Nhật Bản) đã xuất sắc giành giải cao nhất – giải Đặc biệt của cuộc thi (các cuộc thi trước đó chưa từng có).
Dự án của Tùng xuất phát từ việc có rất nhiều tai nạn xe cộ nguyên nhân do cơn buồn ngủ (chủ yếu gây ra bởi thanh thiếu niên và những người lái xe tải khoảng 24-33%) ở tất cả mọi nước.
“Sản phẩm ứng dụng EEG Device của em là 1 thiết bị thông minh khi đội lên đầu có thể đọc được sóng não người lái xe kết hợp với smartphone để khi tài xế buồn ngủ, điện thoại sẽ rung và chuông cảnh báo.
Ngoài ra, thiết bị di động còn có thể chơi nhạc giúp cho tài xế tỉnh táo. Sản phẩm có thể kết nối GPRS và đưa ra gợi ý thông tin về quán cafe, nhà nghỉ gần đấy để tài xế có thể nghỉ ngơi, uống cafe, sẵn sàng tiếp tục cho một cuộc hành trình an toàn”, Việt Tùng giới thiệu.
Đào Việt Tùng gây ấn tượng tại Tsukuba 2016 với thiết bị đánh thức cơn buồn ngủ bằng sóng não.
Giải Ba chung cuộc thuộc về em Phạm Quỳnh Nhi (học sinh lớp Lý 1, niên khóa 2014-2017, trường Chuyên Hà Nội – Amsterdam) với đề tài “Dùng lò vi sóng tạo ra Plasma để khử trùng”.
Sản phẩm này đã từng đạt giải Nhì Toàn cuộc cuộc thi Khoa học Kĩ thuật Intel ISEF cấp Quốc gia 2014 – 2015 và giúp Quỳnh Nhi giành được học bổng Odon Vallet 2015.
Lò vi sóng do nữ sinh Việt sáng chế sử dụng máy bơm để làm giảm áp suất và môi trường điện từ trường nhằm tạo ra trạng thái plasma trong buồng kín để khử trùng các vật dụng trong gia đình, bệnh viện và phòng thí nghiệm.
Quá trình thực nghiệm trên khuẩn E.coli đã chứng minh được khả năng diệt khuẩn của plasma ở mọi loại đồ vật, đặc biệt là vật liệu kim loại (thứ vốn thường không thể đưa vào lò vi sóng) cũng được khử trùng một cách an toàn, không gây cháy nổ; không gây tác dụng phụ lên người sử dụng.
Phạm Quỳnh Nhi một lần nữa khẳng định tính khả thi của dự án dùng lò vi sóng tạo ra Plasma để khử trùng.
Quỳnh Nhi sử dụng các vật dụng sẵn có, dễ kiếm để tạo ra plasma – một công nghệ còn khá xa lạ đối với người dân. Sản phẩm này có thể áp dụng trong đời sống hàng ngày vì sự sẵn có, tiện lợi của hệ máy, đáp ứng được nhu cầu diệt khuẩn thiết yếu trong gia đình, phòng thí nghiệm, bệnh viện.
“Hội thảo khoa học công nghệ Tsukuba 2016 là cơ hội để em khẳng định tính khả thi của đề tài “Dùng Lò vi sóng tạo ra Plasma để Khử trùng”, đưa đề tài đến gần với các nước bạn để thấy được sự phát triển của khoa học nước nhà, em đã được trải nghiệm và chiêm ngưỡng những thành tựu khoa học tiên tiến của Nhật Bản giúp truyền cảm hứng cho những nghiên cứu tiếp theo sau này. Em cũng đã gặp và kết bạn với các bạn tài năng, vui tính trong chương trình lần này”, Quỳnh Nhi vui mừng cho biết.
Hi vọng, Việt Nam sẽ còn nhiều bạn trẻ có những sáng tạo công nghệ đột phá, được trình diễn sản phẩm trên những sân khấu lớn và có tính ứng dụng thực tế cho cộng đồng.
Các thí sinh Việt Nam được người dẫn đoàn tại Nhật đưa đi thăm “xứ sở hoa anh đào” sau cuộc thi.
Lệ Thu – Mạnh Hiệp