Học sinh toàn điểm 9, 10 vẫn không được giấy khen: Giáo viên quá cảm tính?

Huyên Nguyễn

(Dân trí) - Việc trao tặng giấy khen cho học sinh tiểu học theo Thông tư 27/2020 tiếp tục gây cuộc tranh luận gay gắt khi xuất hiện những trường hợp chỉ vì 1 môn học "Hoàn thành" mà học sinh không được giấy khen.

Học sinh toàn điểm 9, 10 vẫn không được giấy khen: Giáo viên quá cảm tính? - 1

Chủ đề giấy khen luôn là đề tài gây tranh cãi vào mỗi mùa bế giảng (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Câu chuyện Con toàn điểm 9, 10 vẫn không được giấy khen của một phụ huynh tại Tiền Giang được Báo Dân trí phản ánh đang nhận được nhiều bình luận của bạn đọc bởi nhiều học sinh rơi vào cảnh tương tự.

Cụ thể, cách đánh giá kết quả học tập mới hiện nay sẽ không chỉ dựa vào điểm số bài thi như trước đây mà là sự theo dõi, nhận xét cả quá trình học tập, về sự tiến bộ của học sinh.

Tiêu chí xếp loại học sinh cũng khắt khen hơn khi đưa ra sự phát triển toàn diện. Việc khen thưởng cuối năm được thực hiện theo hướng dẫn tại Khoản 1, Điều 13, Thông tư 27/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, học sinh tiểu học hiện có 2 danh hiệu khen thưởng là "Học sinh Xuất sắc" và "Học sinh Tiêu biểu".

Học sinh sẽ được hiệu trưởng tặng giấy khen danh hiệu "Học sinh Xuất sắc" khi có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức "Hoàn thành tốt"; các phẩm chất, năng lực đạt mức "Tốt"; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học của các môn học đạt 9 điểm trở lên.

Học sinh được khen thưởng danh hiệu "Học sinh Tiêu biểu" khi hoàn thành tốt trong học tập và rèn luyện cho những học sinh được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức "Hoàn thành tốt", đồng thời có thành tích xuất sắc về ít nhất một môn học hoặc có tiến bộ rõ rệt ít nhất một phẩm chất, năng lực; được tập thể lớp công nhận.

Điều này dẫn đến việc có những học sinh đạt "Hoàn thành tốt" ở hầu hết các môn, điểm bài thi toàn 9, 10 nhưng "dính" 1 môn đạt "Hoàn thành" cũng không được tặng giấy khen.

Hiện có nhiều luồng quan điểm về cách đánh giá, xếp loại học sinh mới.  

Đánh giá học sinh theo cảm tính của giáo viên?

Hướng tranh luận thứ nhất, không ít ý kiến của bạn đọc bình luận cho rằng phương pháp đánh giá này dựa vào yếu tố chủ quan của giáo viên, sẽ không công bằng.

Bạn đọc Nguyễn Xuân Vương bày tỏ phản đối với cách đánh giá khen thưởng như vậy.

"Con người không phải siêu nhân mà ngành nghề nào cũng giỏi. Anh giỏi toán thì không thể bắt giỏi cả văn. Chỉ nên quy định điểm có các môn tối thiếu trên trung bình là được. Một số trường hợp đặc biệt, ví dụ, có em không thể học môn thể dục do bệnh lý thì cũng không cần đánh giá".

Bạn đọc này cho rằng cứ tính điểm trung bình cộng tất cả các môn đạt 7,0 là đạt học sinh "Khá", từ 8,0 điểm trở lên là được "Giỏi", trên 9,0 điểm là "Xuất sắc". Điều này để khuyến khích các con. Nếu trẻ học tốt ở lĩnh vực tự nhiên, có điểm toán 10, lý 10, hóa 10... và lỡ môn văn được có 6, cộng trung bình môn 9,5, vẫn đạt điều kiện "Xuất sắc".

Bạn đọc Thương Nguyễn cũng cho rằng phương pháp đánh giá như hiện nay rất vô lý. Đánh giá dựa vào cảm giác cá nhân của giáo viên chứ không hề có điểm kiểm tra, chỉ số, bằng chứng cụ thể để đánh giá. Các môn chính dù nỗ lực thi điểm cao đến đâu cũng không thể kéo lại các môn không thi, không có điểm số và được đánh giá "Hoàn thành".

Học sinh toàn điểm 9, 10 vẫn không được giấy khen: Giáo viên quá cảm tính? - 2

Việc đánh giá học sinh tiểu học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được thực hiện theo Thông tư 27/2020 (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Nhiều phụ huynh cũng bày tỏ cách đánh giá hiện nay quá toàn diện và khó để học sinh phát triển được như vậy. Đặc biệt, với những môn như âm nhạc, hội họa... còn phụ thuộc vào năng khiếu của từng cá nhân.

Bạn đọc Quang Trọng ví von: "Không thể đánh giá con cá qua khả năng leo cây". Người này cho rằng ngay bản thân cô giáo chủ nhiệm cũng đâu có dạy hát, dạy thể dục được mà bắt học sinh hát đúng âm điệu khi nó thuộc về năng khiếu. Phụ huynh này cho rằng, chỉ cần con đọc thuộc bài hát là được.

Đồng quan điểm, bạn đọc Tuân bình luận: "Một người không thể giỏi tất cả các lĩnh vực. Vậy mà đào tạo trẻ em lại đòi hỏi phải giỏi tất cả các môn".

Bạn đọc Lê Hữu Long viết: "Thật quá vô lý khi môn nhạc là môn thuộc năng khiếu bẩm sinh. Học sinh không có năng khiếu ở mức hoàn thành là quá tốt rồi... Môn năng khiếu mà đánh giá tổng kết như vậy thì cần xem xét lại quy định".

Trong khi đó, bạn đọc Trần Hạ để lại quan điểm: "Tiếc chi tờ giấy khen để động viêc các con nhỉ? Người lớn thì năm nào cũng xuất sắc hoặc lao động tiên tiến trong khi các con học ngày học đêm, cõng trên lưng cả ba lô sách mà cuối năm người lớn cũng so đo tờ giấy khen cho các con thì thật không hiểu nổi".

Phụ huynh có đang quá nặng nề thành tích?

Bên cạnh những ý kiến tranh luận về phương pháp đánh giá, nhiều quan điểm cũng thẳng thắn chỉ ra bệnh thành tích còn tồn tại nặng nề trong không ít phụ huynh.

Ý kiến của Nguyễn Duy Dương nêu rằng: "Con 10 điểm chưa chắc đã là kiến thức của con. Tâm lý khen thưởng chính là căn nguyên của "bệnh thành tích".

Bạn đọc Văn Khoa Nguyễn nêu thực trạng: "Cứ đổ lỗi cho thầy cô, nhà trường mắc bệnh thành tích, nhưng phụ huynh chúng ta cũng có hơn gì đâu".

Học sinh toàn điểm 9, 10 vẫn không được giấy khen: Giáo viên quá cảm tính? - 3

Không ít bạn đọc cho rằng phụ huynh cũng đang mang nặng tâm lý thành tích, chăm chăm vào tờ giấy khen (Ảnh: N Diệp).

Tương tự, bình luận của Quân Nguyễn viết: "Bệnh thành tích" và bênh vực con cái của phụ huynh, thử xem con ra ngoài đời sống có biết làm các việc mà các bạn học lực trung bình và không được đi học làm không?... Theo tôi thì cứ cho con học lý thuyết vừa thôi, thực tế nhiều vào".

Ở một góc nhìn khác, bạn đọc Sĩ Lam Võ nêu thực trạng lâu nay "làm dâu trăm họ" mà ngành giáo dục đang gặp phải.  "Khen nhiều cũng ý kiến, không được khen cũng ý kiến. Trước đây khen nhiều, phụ huynh nói sao khen nhiều, Bộ đã sửa lại khen ít. Giờ khen ít cũng thắc mắc. Chịu", bạn đọc Sĩ Lam Võ viết.

Không ít ý kiến cũng bày tỏ việc quan trọng là kiến thức con mình nhận được, phụ huynh không nên chăm chăm vào tờ giấy khen làm gì. Để môi trường giáo dục được phát triển, ngay cả phụ huynh cũng cần chữa "bệnh thành tích".