Học sinh sáng tạo các môn học thông qua mô hình không gian
(Dân trí) - Học sinh Trường Hoàng Gia - Royal School sáng tạo đề toán thông qua mô hình không gian, khi tái dựng các công trình nổi tiếng trên thế giới để minh họa cho bài thực hành môn học.
Tháp nghiêng Pisa, đấu trường La Mã, kim tự tháp Ai Cập, Vạn Lý Trường Thành,... hội tụ tại lớp học của Royal School với vai trò là sản phẩm mô phỏng đề bài thực tế do học sinh sáng tạo.
Thiết kế mô hình không gian dài 5 mét
Triển khai dự án thực hành "Sáng tạo đề toán thông qua mô hình không gian", các thầy cô Royal School đã tạo ra thử thách thú vị cho học sinh lớp 11 tại trường. Theo đó, học sinh sẽ ứng dụng những kiến thức được học để tạo mô hình hình học không gian. Dựa trên số đo của mô hình, các nhóm sẽ đặt ra một đề bài toán và nộp lại với kết quả chính xác nhất có thể.
Khiến thầy cô bất ngờ bằng công trình mô phỏng Vạn Lý Trường Thành dài 5 mét, Ngô Nguyễn Quốc Huy (học sinh lớp 11 tại Royal School) chia sẻ: "Tổng thời gian hoàn thiện sản phẩm của nhóm em là gần hai tuần, các thành viên hào hứng khi được cùng nhau trải nghiệm thực tế, vận dụng kiến thức ở nhiều môn học để tạo nên đề toán logic và thuyết phục nhất có thể".
Quốc Huy còn cho biết thêm, sau khi nhận được chủ đề thực hành, nhóm đã bắt đầu ngay vào việc tìm ý tưởng, chuẩn bị nguyên vật liệu, kiểm tra độ chính xác cũng như liên hệ hỗ trợ từ các bộ môn liên quan.
"Dù gặp khó khăn trong khâu chọn vật liệu để tạo độ cứng cáp cho mô hình nhưng với sự hỗ trợ từ phía giáo viên mỹ thuật, nhóm đã hoàn thành sản phẩm chỉn chu hơn và đúng với dự định ban đầu", Huy nói.
Kết hợp kiến thức liên môn toán - mỹ thuật - địa lý, các kỳ quan nổi tiếng trên thế giới "phiên bản thu nhỏ" lần lượt ra đời bởi đôi bàn tay khéo kéo và trí tưởng tượng phong phú của học sinh Royal School.
"Tôi tự hào trước tinh thần chủ động của các em học sinh. Tôi tin rằng, mỗi học sinh đều có thể rèn luyện trí tưởng tượng về không gian toán học, tăng khả năng hợp tác, làm việc nhóm, thuyết trình,…góp phần nâng cao chất lượng học tập qua mỗi năm", bà Lê Thị Quỳnh Dư, giáo viên toán của Royal School chia sẻ.
Từ trải nghiệm thực tế đến phát triển tư duy
Đại diện nhà trường cho biết, sáng tạo đề toán thông qua mô hình không gian nằm trong chuỗi dự án hoạt động thuộc phương pháp giáo dục tích hợp liên môn được áp dụng rộng rãi tại Royal School. Nhằm giúp học sinh phát triển khả năng vận dụng kiến thức được học vào đời sống, các thầy cô tại trường thường xuyên tổ chức các hoạt động thực hành, các chuyến đi trải nghiệm thực tế, các giờ học tích hợp liên môn,...
"Ở Royal School, chúng tôi định hướng giảng dạy theo phát triển năng lực cá nhân, học sinh tự chinh phục kiến thức, vì vậy học và trải nghiệm thực tế là cần thiết", TS Mai Đức Thắng, Hiệu trưởng Royal School chia sẻ.
Cũng theo đại diện nhà trường, học và hành theo nhiều phương pháp đa dạng cũng giúp ích cho học sinh giữ vững niềm đam mê, cảm hứng với môn học, kích thích sự sáng tạo, sở thích khám phá thế giới xung quanh.
Thông qua cách học mới, học sinh được tái tạo năng lượng và nâng cao cảm hứng học tập, phát triển năng lực vốn có và trang bị thêm nhiều kỹ năng cần thiết cho tương lai. Hình ảnh người thật, việc thật hay các trải nghiệm có được từ hoạt động thực hành, làm dự án giúp học sinh hiểu rõ hơn sự liên kết giữa kiến thức trong sách vở với đời sống hàng ngày.
"Thành quả sáng tạo và phản ứng tích cực từ phía học sinh là tín hiệu tốt cho thấy sự phát triển của các phương pháp giáo dục mới, kết hợp trải nghiệm thực tế tại môi trường học tập là cần thiết. Chương trình học tập nhiều tính thực tiễn giúp phụ huynh yên tâm hơn khi gửi gắm con theo học tại trường", TS Mai Đức Thắng chia sẻ.