Đắk Nông:

Học sinh quần áo lấm lem, “chân quỳ chân chống” dự lễ khai giảng

(Dân trí) - Sáng 5/9, hòa chung không khí của cả nước, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Nông nô nức tham dự buổi lễ khai giảng. Lễ khai giảng năm học mới 2019-2020 với nhiều cảm xúc dù nhiều nơi học sinh vẫn không có quần áo mới, ngồi bệt trên nền đất trong ngày dành riêng cho mình.

Trường tiểu học Kim Đồng (bản Giang Châu, xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) có đến 99% học sinh dân tộc thiểu số, thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Năm học mới bắt đầu, nhiều em vẫn chưa có cơ hội được mặc bộ quần áo mới, thậm chí chưa có cả đôi dép để đi.

Học sinh quần áo lấm lem, “chân quỳ chân chống” dự lễ khai giảng - 1

Trường tiểu học Kim Đồng có tới 99% học sinh là con em gia đình hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số

Khoảng 6h30, Lý Thị Sanh (học sinh lớp 4) mặc áo trắng đã nhuộm màu đất đỏ bazan tất tả đến trường khai giảng. Cũng giống như hàng chục đứa trẻ khác trong bản Giang Châu, một trong những bản nghèo nhất của tỉnh Đắk nông, Sanh tự mình đến trường và chưa hề có quần áo mới.

“Sáng nay bố mẹ đã dậy từ lúc sáng sớm để đi làm thuê nên em và các bạn tự đến trường. Bố mẹ bảo năm nay chưa có tiền nên không mua quần áo mới cho em. Khi nào đến vụ thu hoạch cà phê, bố mẹ mới mua em bộ đồ mới”, Sanh tâm sự và cho biết, bộ đồ em đang mặc cũng là xin của các anh chị khóa trước.

Học sinh quần áo lấm lem, “chân quỳ chân chống” dự lễ khai giảng - 2
Từ sáng sớm, học sinh đã háo hức đến lễ khai giảng

Ông Nguyễn Thế Cảnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Đồng cho biết, qua rà soát đầu năm học mới, toàn trường có 238 em học sinh, nhưng chỉ có 2 em học sinh người Kinh. Tất cả các em học sinh còn lại đều là học sinh dân tộc thiểu số thuộc các gia đình hộ nghèo, cận nghèo, cha mẹ còn phải lo chạy ăn hàng ngày.

Buổi sáng khai trường, các em đến rất sớm, háo hức cho ngày hội dành riêng cho mình. Thế nhưng, phần lớn em học sinh vẫn tự gọi nhau đi bộ đi khai giảng, chứ ít em có bố mẹ đi cùng.

Học sinh quần áo lấm lem, “chân quỳ chân chống” dự lễ khai giảng - 3

Học sinh làm lễ chào cờ trong những bộ quần áo cũ.

“Trong ngày khai giảng sáng nay, hầu hết các em học sinh của nhà trường vẫn phải sử dụng quần áo cũ hoặc đồ cũ do các anh chị lớp trước để lại”, ông Cảnh xúc động khi nhắc về học trò của mình.

Học sinh quần áo lấm lem, “chân quỳ chân chống” dự lễ khai giảng - 4
Một nhóm học sinh xã Đắk Drông leo núi đến trường ngày khai giảng

Tương tự, học sinh Trường tiểu học Vừ A Dính (xã Đắk Đrông, huyện Cư Jút) cũng phải vượt cả chục km để đến trường nhân ngày khai giảng. Những dốc núi dựng thẳng đứng, trơn trượt không ngăn nổi bước chân của học sinh vùng khó này trong ngày khai giảng.

Em Hứa Thị Thanh Huyền (học sinh lớp 1B) cho biết: “Nhà em ở thôn 2, hằng ngày bố mẹ đi làm nương rẫy, không đưa em đi học được. Khai giảng năm học mới này, em thức dậy từ 4 giờ sáng để đi bộ đến trường dự lễ khai giảng. Đường xa, khó đi, em cũng như các bạn phải leo dốc, lội suối mới đến được trường”.

Học sinh quần áo lấm lem, “chân quỳ chân chống” dự lễ khai giảng - 5
Do không có ghế ngồi nên các em phải ngồi ngay dưới nền đất

Trường tiểu học Vừ A Dính có 100% học sinh của trường đều là người dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc H'Mông chiếm 70%, số còn lại là dân tộc Tày, Nùng.

Học sinh quần áo lấm lem, “chân quỳ chân chống” dự lễ khai giảng - 6
Cảnh hàng trăm học sinh phải ngồi xổm vì chưa có ghế ngồi trong dịp lễ khai giảng

Thầy Phạm Văn Phối - Phó Hiệu trưởng cho hay: “Do học sinh của trường đều là dân tộc thiểu số, nên công tác giảng dạy gặp nhiều khó khăn. Nhiều em học sinh lớp 1 và 2 sau kỳ nghỉ hè vào năm học mới, nhà trường phải tăng cường dạy thêm Tiếng Việt, vì về địa phương sinh sống các em quen nói tiếng bản địa. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng các em học sinh ở đây đều cố gắng học tốt, trong năm học vừa qua, tỷ lệ học sinh đạt loại khá, giỏi cao”.

Dương Phong - Khánh Phạm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm