Kiên Giang:

Học sinh Phú Quốc “dồn sức” cho kỳ thi quốc gia

(Dân trí) - Sau khi nhà trường thông tin về kỳ thi quốc gia, các em học sinh khối 12 Trường THPT Phú Quốc (Kiên Giang) đã lên kế hoạch học tập chu đáo, vừa để hoàn tất "12 năm đèn sách", đồng thời lấy điểm số xét tuyển vào ĐH, CĐ theo đúng ngành nghề các em yêu thích.

Trao đổi với PV Dân trí, thầy Lê Thanh Vân - Hiệu trưởng trường THPT Phú Quốc cho biết, ngay sau khi có quyết định về kỳ thi quốc gia của Bộ GD-ĐT, ban giám hiệu (BGH) nhà trường tìm hiểu kỹ nhiều thông tin xung quanh kỳ thi này và tiến hành sinh hoạt dưới cờ cho tất cả các học sinh (HS) đang theo học tại trường. Riêng các em HS khối 12 thì có thêm những buổi sinh hoạt ngoại khóa để BGH, giáo viên chủ nhiệm thông tin và giải đáp những thắc mắc của các em xung quanh kỳ thi quốc gia.

Tiếp theo đó, BGH nhà trường tổ chức thăm dò nguyện vọng của các em HS, xem có bao nhiêu em không tham gia kỳ thi quốc gia. Qua khảo sát bước đầu gần như 100% HS khối 12 đăng ký kỳ thi quốc gia do các trường ĐH tổ chức. Tuy nhiên đây chỉ là khảo sát bước đầu, chưa phải là danh sách đăng ký cuối cùng.
 
Học sinh Phú Quốc “dồn sức” cho kỳ thi quốc gia
Hiện tại các em học sinh khối 12 Trường THPT Phú Quốc vừa tập trung học tập theo chương trình vừa ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi quốc gia.

Xung quanh kỳ thi chung, thầy Thanh Vân chia sẻ: “Tổ chức được kỳ thi chung như thế này thì đỡ vất vả cho thầy cô nhà trường và các em học sinh khối 12 ở những vùng hải đảo, biên giới xa xôi như thầy trò chúng tôi lắm. Từ cái giảm bớt vất vả cho thầy trò chúng tôi cũng là đang góp phần giảm tốn kém cho ngân sách nhà nước khi mỗi năm phải tổ chức 2 kỳ thi. Tuy nhiên do năm đầu mới thực hiện, phụ huynh và các em học sinh còn có chút bỡ ngỡ và lo lắng nhưng tôi tin rồi sẽ ổn”.

Ngoài ra, thầy Vân cho biết thêm cái lợi của kỳ thi chung này là còn về mặt chuyên môn. Thầy Vân giải thích: Theo kỳ thi chung việc dạy và học của thầy và trò sẽ được chấn chỉnh, nâng lên. Vì khi thầy cô dạy chưa tốt, các em học chưa tốt nhưng điểm trung bình ở trường lại rất cao, đến khi có kết quả kỳ thi quốc gia, điểm số có sự trên lệch quá cao hoặc quá thấp thì thầy cô đó phải giải trình với BGH. Theo thầy Vân, đây là cách siết lại vấn đề dạy và học hiện nay khi một số nơi chưa chú trọng, còn chạy theo “bệnh” thành tích.


 
Tiếp xúc và phỏng vấn một số em học sinh khối 12, qua trò chuyện, PV nhận thấy các em đã nắm vững mọi thông tin về kỳ thi, các em đều nắm kế hoạch tuyển sinh của hầu hết các trường, đặc biệt là các trường các em định “hướng tới”. Từ đó, các em đã lên kế hoạch cho việc học tập của mình để vừa hoàn thành tốt chương trình phổ thông vừa có điểm số tốt nhất làm căn cứ xét tuyển vào ĐH, CĐ theo đúng ngành nghề mà các em yêu thích.

Tuy nhiên, qua trao đổi với em Dương Khánh Ly - HS lớp 12 C1 và em Vương An Minh - HS lớp 12C2 và một số học sinh khác, các em đều nhận thấy thời gian ôn tập bị mất ít nhất 20 ngày so với kỳ thi truyền thống. Do đó, nhiều em HS kiến nghị với Bộ GD-ĐT xem xét, nếu được lùi thời gian thi sang tháng 7 để các em có đủ thời gian ôn tập. Như vậy, kết quả kỳ thi quốc gia sẽ tốt hơn cho các em.


 
Ngoài ra, một số em chọn thi khối A, B đang “vất vả” học lại các môn Văn, Ngoại ngữ, vì đã lỡ chuyên tâm ôn các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh… từ những năm trước. Tuy nhiên nhiều em lạc quan cho biết, với kỳ thi quốc gia khả năng đậu đại học rất cao, nhưng cũng có nhiều em tỏ ra lo lắng vì cho rằng tỷ lệ chọi cũng sẽ cao theo.

Nguyễn Hành