Học sinh phổ thông thi tranh biện

(Dân trí) - Gần 200 học sinh THCS, THPT đến từ 6 tỉnh của Việt Nam đã bàn về một số chủ đề “nóng” tại giải vô địch tranh biện mở rộng 2019 như: “Học sinh ở những trường đại học công lập cần phải làm việc ở quê hương một thời gian nhất định sau khi tốt nghiệp”, “Trí tuệ nhân tạo (AI) cần phải bị cấm phát triển”…

Giải vô địch tranh biện Hà Nội mở rộng - HN VSDC lần 2, chính thức khai mạc tại Hà Nội từ ngày 12- 13/1/2019.

Đây là giải đấu tranh biện chính thức đầu tiên dành cho học sinh phổ thông, được UBND TP. Hà Nội cho phép tổ chức và Sở GD&ĐT Hà Nội trực tiếp chỉ đạo thực hiện.

Tham gia cuộc thi có 171 thí sinh 44 đội, đến từ 6 tỉnh thành (Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Thanh Hoá, Nghệ An). Các học sinh đến từ các trường THCS và THPT công lập, tư thục, trường Việt Nam và trường Quốc tế.

Tại đây, các học sinh bàn về nhiều chủ đề “nóng”, mang tính “mở” như: Chảy máu chất xám, cuộc cách mạng 4.0 hay trí tuệ nhân tạo…

 

Học sinh phổ thông thi tranh biện - Ảnh 1.

Các học sinh bàn về nhiều chủ đề “nóng”, mang tính “mở” như: Chảy máu chất xám, cuộc cách mạng 4.0 hay trí tuệ nhân tạo…

 

Học sinh tham gia tranh biện bằng tiếng Anh, có thể đồng ý hoặc phản biện lại các vấn đề mà Ban tổ chức đưa ra bằng các quan điểm, lập luận sắc sảo của mình.

Các đội tham gia cuộc thi cũng có thể phản biện lẫn nhau, để thuyết phục ban giám khảo. “Cầm cân nẩy mực” cho cuộc thi là 40 giám khảo quốc tế uy tín đến 9 quốc gia như Mỹ, Malaysia, Nam Phi, Indonesia, Hàn Quốc, Philippines, Singapore và Việt Nam. 

Giải vô địch tranh biện Hà Nội mở rộng là sáng kiến của Trường Phổ thông liên cấp Olympia và TGC Singapore.

Cuộc thi dành tất cả học sinh là công dân Việt Nam hoặc học sinh quốc tế, trong độ tuổi từ 14 đến 19 tuổi, đến từ các trường THCS và THPT trong cả nước. Học sinh sẽ phải đăng ký tham gia theo đội, mỗi đội có từ 3-5 thí sinh.

 

Học sinh phổ thông thi tranh biện - Ảnh 2.

Học sinh tham gia tranh biện bằng tiếng Anh, có thể đồng ý hoặc phản biện lại các vấn đề mà Ban tổ chức đưa ra bằng các quan điểm, lập luận sắc sảo của mình.

 

Thí sinh tham gia HN-VSDC 2019 sẽ trải qua 7 vòng đấu. Ban tổ chức sẽ lựa chọn những thí sinh tiềm năng với niềm đam mê tranh biện để đại diện Việt Nam tham gia Giải vô địch tranh biện quốc tế WSDC 2019 được tổ chức tại Sri Lanka, dự kiến diễn ra vào tháng 7/2019.

Tham gia HN-VSDC, học sinh không những được thử sức mình ở một cuộc thi tranh biện chuyên nghiệp, uy tín mà còn được rèn luyện kĩ năng viết sáng tạo, khả năng hùng biện và tư duy phản biện sắc sảo. Đây là những kĩ năng đặc biệt quan trọng góp phần tạo nên sự thành công của học sinh trong quá trình hội nhập thế kỉ 21.

Chia sẻ với PV Dân trí, em Nguyễn Bá Việt Dũng, học sinh lớp 10, Trường Olympia cho biết, đây là năm thứ 2 em tham gia cuộc thi.

Trong đó, chủ đề “Học sinh ở những trường đại học công lập cần phải làm việc ở quê hương một thời gian nhất định sau khi tốt nghiệp” của năm nay, là vấn đề đang rất “nóng”, thu hút được sự quan tâm của nhiều học sinh. Các em rất hào hứng khi trình bày bởi nó gần gũi, thiết thực. 

Theo Việt Dũng, thực tế hiện nay, nhiều học sinh giỏi, sau khi học xong, thường ra nước ngoài làm việc vì lương cao hơn, chế độ đãi ngộ tốt.

“Tuy nhiên, theo em nghĩ, một khi là người Việt Nam, các em phải có trách nhiệm đóng góp một phần vào việc xây dựng đất nước. Đặc biệt, các trường ĐH công lập, do nhà nước đầu tư nên công dân càng phải có trách nhiệm”, Dũng tâm sự.

Cũng theo học sinh này, hiện nhiều học sinh giỏi ở nhiều ngành nghề đang bị thu hút bởi nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Riêng bản thân mình, em sẽ du học Mỹ nhưng chắc chắn sẽ trở về, đóng góp một phần nhỏ bé để cống hiến cho đất nước.

M. Hà